Ưu tiên sản xuất trang thiết bị đặc biệt, phương tiện chuyên dùng hiện đại

Thứ Ba, 08/06/2021, 16:00
Sáng 8/6, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đoàn công tác Bộ Công an đã có buổi làm việc với Cục Công nghiệp An ninh về kết quả triển khai, phát triển công nghiệp an ninh ( CNAN) và công tác quản lý các doanh nghiệp an ninh. Cùng dự có Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện các Cục chức năng Bộ Công an.


Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm và đoàn công tác Bộ Công an đã nghe lãnh đạo Cục CNAN  báo cáo thực trạng, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp an ninh; phương hướng hoạt động thời gian tới cũng như những kiến nghị đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đồng thời, nghe ý kiến phát biểu tham luận của đại diện một số đơn vị chức năng Bộ Công an liên quan.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đánh giá, qua theo dõi, trực tiếp chỉ đạo công tác Cục CNAN thời gian qua, dù Cục CNAN và các doanh nghiệp an ninh đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng so với yêu cầu đặt ra vẫn cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.  Bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi vẫn còn tồn tại, bất cập cần được khắc phục. 

“Chúng ta có nhiều cơ hội, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm mang tính độc quyền nhưng chúng ta chưa khai thác hết được, chưa hướng tới các sản phẩm lưỡng dụng để vừa cung cấp cho phục vụ công tác chiến đấu của ngành, vừa cung cấp cho xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nêu ví dụ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau buổi làm việc này, đồng chí sẽ tiếp tục làm việc với Cục CNAN để cụ thể hóa những kết luận của đồng chí Bộ trưởng tại buổi làm việc hôm nay; yêu cầu Cục CNAN tiếp tục chuẩn bị nội dung làm việc với các đơn vị liên quan để bàn thảo, thống nhất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn bất cập, nhằm tiếp tục phát triển CNAN trong thời gian tới.

Kiểm tra một số sản phẩm chuyên dụng phục vụ công tác chiến đấu do doanh nghiệp an ninh sản xuất.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm đã ghi nhận, biểu dương kết quả, sự nỗ lực, cố gắng của Cục CNAN và các doanh nghiệp trực thuộc trong thời gian qua.  Đối với những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, có biện pháp nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII đã xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để thực hiện được thành công  mục tiêu này, cần có sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng và huy động được các nguồn lực của xã hội, sự ủng hộ của các cấp, các ngành. Trong đó, CNAN và các doanh nghiệp an ninh đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra những giá trị nền tảng cho tiến trình hiện đại hóa lực lượng CAND, nhất là trong bối cảnh xu thế toàn cầu thực hiện cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao vị thế, vai trò, tầm vóc, đưa nền CNAN và quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp an ninh phát triển xứng tầm với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã đề ra, ngoài những phương hướng, nhiệm vụ Cục CNAN  đã trình bày trong báo cáo, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Cục CNAN cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, vị thế của CNAN trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia; tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án “Tổng thể phát triển, hiện đại hóa CNAN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. 

Trong đó xác định những cơ chế củng cố và từng bước đưa CNAN có vị trí  và phát triển, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CAND trong tình hình mới; lựa chọn lĩnh vực CNAN là thế mạnh của lực lượng CAND để đầu tư phát triển thành lĩnh vực mũi nhọn, vươn lên giữ vị trí quan trọng trong nền công nghiệp quốc gia; bám sát quá trình phát triển kinh tế số quốc gia, nghiên cứu hình thành, đầu tư phát triển doanh nghiệp an ninh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu, vai trò tham mưu trên lĩnh vực CNAN, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển CNAN; cụ thể hóa triển khai Nghị định của Chính phủ về CNAN, tạo tiền đề, cơ sở cho phát triển CNAN vững chắc và đột phá trong giai đoạn tới.

Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động của các doanh nghiệp, từng doanh nghiệp phải chủ động rà soát lại ngành nghề, sản phẩm của mình theo hướng tập trung, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm; mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực, kinh nghiệm quản trị, chủ động tìm kiếm việc làm, đối tác kinh doanh; đổi mới công nghệ, thiết bị, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Từng doanh nghiệp phải khẩn trương xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn hạn đến năm 2025 và giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các chỉ tiêu kinh doanh và giải pháp mang tính đột phá. Ưu tiên đầu tư sản xuất các trang thiết bị đặc biệt, phương tiện chuyên dùng có tính năng hiện đại cho lực lượng an ninh, tình báo; các lực lượng đặc nhiệm, cơ động phản ứng nhanh. Đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đủ tiềm lực mạnh, đưa nền CNAN có bước phát triển ngang với một số nước trong khu vực, đảm bảo chủ động hoàn toàn trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị cho ngành Công an và các lực lượng thực thi pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Cường, Cục trưởng Cục CNAN báo cáo tình hình với đồng chí Bộ trưởng và đoàn công tác.

Mặt khác, cần quan tâm đổi mới, kiện toàn các quy chế, quy trình, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản trị doanh nghiệp giữa Cục CNAN với các doanh nghiệp an ninh, hình thành hệ thống cơ quan quản lý CNAN xuyên suốt, thiết thực và hiệu quả, tránh trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở CNAN theo hướng tập trung, tăng quy mô các cơ sở sản xuất. Nghiên cứu từng bước sắp xếp các cơ sở sản xuất theo hướng hình thành tập đoàn hoặc các tổng công ty theo nhóm sản phẩm, ngành nghề để phát huy tối đa thế mạnh của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Bộ trưởng Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới phù hợp xu thế phát triển của thời đại công nghệ số. Chú trọng chuyển giao công nghệ để đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực. Đồng thời quan tâm nghiên cứu, đề xuất chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho CNAN, có chính sách thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao. Xây dựng đội ngũ lao động tại các doanh nghiệp an ninh, cơ sở sản xuất... đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về trình độ, tay nghề, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật và lao động trực tiếp đủ năng lực ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật mới, hiện đại trong lao động, sản xuất.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho ý kiến cụ thể về những đề xuất của Cục CNAN như báo cáo đã đề xuất.

Tâm Phạm
.
.