Kỉ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2017):

Tự hào Cảnh sát Việt Nam

Thứ Năm, 20/07/2017, 07:00
Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân, từ khi ra đời đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) luôn được Đảng, Bác Hồ và lãnh đạo Bộ Công an chăm lo xây dựng, giáo dục rèn luyện; được nhân dân tin yêu, đùm bọc, đã từng bước trưởng thành.


Trong quá trình công tác, chiến đấu, lực lượng CSND luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, lập nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý; xứng đáng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ”. 

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/7/2017), Chuyên đề CSTC đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhằm giúp độc giả hiểu sâu hơn, rõ hơn quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CSND, đồng thời thêm cảm phục những chiến công, những hy sinh của các anh, các chị trên mặt trận bảo vệ ANTT, giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phóng viên: Có thể khẳng định rằng, lực lượng CSND đã lập rất nhiều chiến công, viết lên trang sử vẻ vang trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành. Thưa Thứ trưởng, đồng chí có thể chia sẻ cho độc giả về những ngày đầu thành lập và trưởng thành của lực lượng CSND?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng chuyên chính của cách mạng. Đối với CAND, theo chức năng, nhiệm vụ, có 2 lực lượng chính là lực lượng ANND và CSND. Trong quá trình phát triển, ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan CSND. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời, trưởng thành của lực lượng CSND. Từ đó đến nay, ngày 20-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CSND.

Trải qua chặng đường 55 năm, lực lượng CSND có rất nhiều kỳ tích và chiến công. Đặc biệt nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là:

Cùng với nhiệm vụ đảm bảo ANTT, sẵn sàng cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng CAND nói chung, CSND nói riêng đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo vệ an toàn các kế hoạch, địa điểm chuyển quân, chuyển hàng, kho tàng, bến bãi và các cuộc hành quân của bộ đội ta vào chiến trường miền Nam. Dấu ấn còn ghi lại đó là hình ảnh cán bộ, chiến sỹ CSND ngày đêm bám đất, bám đường, bắn trả máy bay địch, ngụy trang, phân tán xe cộ, bảo vệ vật tư, phương tiện vận tải chi viện cho tiền tuyến; các chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát khu vực, Cảnh sát giao thông… quên mình trong lửa đạn để cứu người, cứu tài sản là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã mưu trí dũng cảm, không sợ hy sinh, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn, cứu chữa tài sản của nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân. Điển hình: Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hạ Long trong 2 năm 1965, 1966 đã cứu chữa 22 vụ cháy, trong đó 8 vụ cháy do địch ném bom, bắn phá gây ra, cứu được hàng trăm tấn xăng, nhiều hầm lò sản xuất, nhiều tài sản giá trị khác.

Ngày 16-4-1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Lực lượng CSND đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, cùng các lực lượng khác vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, vừa tích cực hướng dẫn nhân dân trú ẩn, cứu thương, đưa nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tài sản của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần vào thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Tháng 3-1975, quân và dân miền Nam liên tiếp giành được thắng lợi trong chiến dịch Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, hình thành thế bao vây Sài Gòn. Ngày 31-3-1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn – Gia Định đã chín muồi, toàn quân ta cần “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất trong tháng 4-1975, không thể chậm được”. 

Cùng với cả nước tập trung huy động nhân lực, vật lực cho ngày thống nhất đất nước, gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ CSND chi viện cho miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, lực lượng CSND cùng lực lượng An ninh đã nhanh chóng tiếp quản và tích cực lập lại trật tự xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định đời sống của nhân dân ở các tỉnh, thành phố vừa mới giải phóng.

Phóng viên: Như Thứ trưởng vừa chia sẻ, lực lượng CSND có vai trò rất lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy, vai trò của lực lượng CSND sau khi đất nước thống nhất, có những điểm mới nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta được hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, lực lượng CSND ở miền Bắc tiếp tục tăng cường hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ cho Công an các Sở, Ty ở miền Nam, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng mới giải phóng. 

Lực lượng CSND đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh nhân dân truy quét tàn quân ngụy, trấn áp các tổ chức phản động như: Vụ “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” (7/1982); tổ chức “Lực lượng dân quân phục quốc” ở TP Hồ Chí Minh; tổ chức “Sư đoàn Thanh Long - Long Thoại” ở Hậu Giang; tổ chức phản động trong Viện hóa đạo Ấn Quang… và hàng trăm tổ chức phản động khác. 

Đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh làm tốt công tác dân vận, trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, đã đánh 2.025 trận, tiêu diệt 2.435 tên, bắt sống gần 3.000 tên, kêu gọi 9.546 tên Fulro ra trình diện. Sau hơn 10 năm chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSND đã góp phần quan trọng vào chiến công chung, tiêu diệt và làm tan rã bọn Fulro, tạo nên bước chuyển biến tích cực trên mặt trận ANTT ở địa bàn Tây Nguyên.

Từ năm 1980 - 1985, lực lượng CSND đã bắt 192.504 đối tượng (30% là lưu manh chuyên nghiệp), triệt phá 13.001 băng ổ nhóm, trong đó có 81 băng cướp của giết người, 60 băng cướp của tống tiền, điển hình như: băng cướp do tên Nguyễn Văn Sơn, tức “Sơn Dứa” cầm đầu, chuyên cướp trên tàu hỏa (2-1980); băng cướp gồm 20 tên do Nguyễn Khắc Lễ cầm đầu (8-1982); băng cướp do tên Võ An Khê cầm đầu ở An Giang (3-1983); băng cướp do tên Trần Văn Tuyến cầm đầu ở Hải Phòng (3-1983); băng cướp do tên Nguyễn Trung Thành cầm đầu ở Nghĩa Bình (12-1984); băng cướp do tên Nguyễn Văn Nghĩa cầm đầu ở Hà Nội (2-1985)...

Thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSND đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng CSND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung thống nhất, chuyên sâu, tăng cường nghiệp vụ cơ bản; kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND với công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, kiên quyết thanh loại những cán bộ sa sút ý chí chiến đấu, năng lực kém và vi phạm phẩm chất đạo đức… 

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng CSND đã tham mưu giúp Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp huy động hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”, “Chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý”; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước; chủ động phòng ngừa và liên tục tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm mới có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao.

Tập trung tấn công liên tục tội phạm hình sự, nhất là các loại đối tượng hình sự nguy hiểm, phấn đấu làm giảm trọng án, đấu tranh ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng, buôn lậu; củng cố, nâng cao chất lượng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra, công tác khoa học hình sự, hồ sơ nghiệp vụ và các biện pháp quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, công tác thi hành án hình sự, cải tạo giáo dục đối tượng bị phạt tù…; ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, từng bước thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… góp phần tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Tự hào Cảnh sát Việt Nam.

Có thể nói, lực lượng CSND đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và theo các tuyến, địa bàn trọng điểm, qua đó đã kiểm soát và kiềm chế được tình hình phức tạp, tạo được chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác, làm chuyển biến những địa bàn phức tạp; nhiều chuyên án, vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về hình sự, kinh tế, ma túy được nhanh chóng khám phá, để lại dấu ấn đẹp trong nhân dân, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao.

Phóng viên: Để có được những chiến công ấy, lực lượng CSND đã phải nỗ lực, kể cả chấp nhận hy sinh tính mạng. Theo thống kê, từ Đổi mới đến nay, lực lượng CSND đã có 162 đồng chí hy sinh và hơn 1.000 đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ. Dù chúng ta đang ở thời bình, nhưng với sự manh động của bọn tội phạm, đôi khi, sự hy sinh máu thịt là khó tránh khỏi. Vậy ở những vụ án lớn, tiềm ẩn nguy hiểm và sự hy sinh, đồng chí Thứ trưởng sẽ nói điều gì với những CBCS của mình trước khi họ lên đường?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Như chúng ta đã biết, trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm, nhiều đối tượng tội phạm hình sự là những kẻ nguy hiểm, rất manh động, côn đồ, hung hãn, tội ác do họ gây ra ở mức án có thể "chung thân, tử hình" nên khi bị phát hiện truy bắt sẽ cực kỳ liều lĩnh, nhất là số có tiền án, nghiện ma túy, các băng, nhóm có vũ khí quân dụng thì những cuộc truy bắt các đối tượng này khốc liệt như một chiến trường nhỏ thực sự.

Trước mỗi chuyên án, mỗi lần ra quân, điều đầu tiên tôi luôn nhắc nhở và yêu cầu các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nghiệp vụ phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng các kế hoạch hành động, đạt được mục đích yêu cầu nhưng phải đảm bảo an toàn nhất cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Tôi luôn nói với các cán bộ, chiến sỹ của mình rằng, chiến sỹ CSND hay CAND luôn mang trong mình một tâm thế "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”, vì vậy, đã là chiến sỹ Công an thì chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro, và đã có nhiều đồng chí hy sinh xương máu vì cuộc sống bình yên của nhân dân, chúng ta nhất định không lùi bước trước cái ác, trước tội phạm. Trong sâu thẳm trái tim, nhân dân luôn hướng về các đồng chí với niềm trân trọng, tự hào, vì sự hy sinh ấy là để cho cuộc sống xanh tươi, trường tồn.

Phóng viên: Ngoài sự manh động của tội phạm, trước tác động phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới và trong nước, các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSND còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khác. Vậy, lực lượng CSND phải làm gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Trước bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, hơn lúc nào hết, lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, tích cực phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. 

Với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong những năm qua, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSND có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn trung thành với sự nghiệp của Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có lối sống trong sạch, lành mạnh, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có kỷ luật chặt chẽ, không ngại hy sinh gian khổ, chiến đấu dũng cảm để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, trước tác động phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSND vẫn còn chủ quan mất cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của bọn tội phạm, kém tu dưỡng rèn luyện kỷ luật đạo đức và lối sống, có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân chưa cao, trong thực thi nhiệm vụ còn có hành vi vi phạm, tiêu cực, sách nhiễu gây phiền hà cho nhân dân, thậm chí vi phạm pháp luật còn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.

Để phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND, đồng thời kiên quyết khắc phục những mặt còn yếu kém, không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Bộ Công an đã có kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, sau đó tiếp tục với các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. 

Đặc biệt, hiện nay, toàn lực lượng CSND đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện cuộc vận động “ Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. 

Đồng thời thường xuyên củng cố, chấn chỉnh nhằm làm chuyển biến sâu rộng trong toàn lực lượng CSND về thực hiện nghiêm túc điều lệnh nội vụ CAND, thực hiện giao tiếp ứng xử văn hóa, chấn chỉnh tư thế, lễ tiết tác phong của cán bộ, chiến sĩ CSND khi thi hành công vụ và quan hệ tiếp xúc với nhân dân, siết chặt kỷ cương, kỷ luật nhằm xây dựng lực lượng chính quy, thống nhất, hiệu lực và hiệu quả.

Nhìn chung, qua thực hiện các chương trình, các cuộc vận động do Bộ Công an phát động, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn lực lượng CSND về tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm, tư thế, lễ tiết tác phong, tăng cường kỷ luật và chấp hành điều lệnh CAND; đã thật sự đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng thiết thực, giảm phiền hà, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có nhiều cố gắng, nỗ lực, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, thiết thực phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Phóng viên: Để có sự trưởng thành như hôm nay, lực lượng CSND luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của quần chúng nhân dân. Trong bảng vàng danh dự tri ân các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đều có tên những người dân đã ngã xuống vì bình yên cuộc sống. Đồng chí Thứ trưởng có thể cho biết về vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn và làm nòng cốt của lực lượng Công an, thời gian qua, nhân dân đã phát huy vai trò làm chủ, thực sự là “tai mắt”, là chỗ dựa tin cậy giúp lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng trong cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm TTATXH. Thực tế cho thấy, trong các vụ án lớn, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người dân đã cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị, góp phần giúp lực lượng Cảnh sát khám phá nhanh các vụ án, bắt giữ đối tượng gây án, ổn định tình hình ANTT ở địa phương.

Hiện nay, người dân tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc xây dựng các văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động, quy ước, hương ước bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; được tạo điều kiện để trực tiếp tham gia vào các đợt cao điểm vận động quần chúng tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội; được tham gia vào các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải về an ninh, trật tự; đồng thời nhân dân cũng tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; cộng tác, giúp đỡ lực lượng Công an phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến chân thành, xác đáng để xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trên thực tế đã có hàng chục nghìn tập thể và cá nhân là quần chúng nhân dân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm và tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được tôn vinh, khen thưởng. Cũng đã có nhiều người dân bị thương, hy sinh khi tham gia truy bắt tội phạm. Đó là những minh chứng sinh động nhất cho vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhân dân đã luôn sát cánh bên lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho tất cả chúng ta.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng. Chúc lực lượng CSND dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tiếp tục đạt được nhiều thành tích và chiến công được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao!

Trải qua quá trình công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CSND vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý:

- 1 Huân chương Sao Vàng cho lực lượng CSND (ngày 30-9-2003). Đây là phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước, là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ Cảnh sát Việt Nam, khẳng định công lao, thành tích, sự trưởng thành lớn mạnh và là nguồn động viên khích lệ mạnh mẽ đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSND.

- 9 Huân chương Hồ Chí Minh.

- 118 tập thể và 74 cán bộ, chiến sỹ CSND được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- Hàng nghìn tập thể, cán bộ, chiến sỹ CSND được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn lượt tập thể và cán bộ, chiến sỹ CSND được tặng Huy chương các loại và Bằng khen Chính phủ.

- Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND (20-7-1962 – 20-7-1992), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã tặng lực lượng CSND bức trướng mang dòng chữ “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”.

Thu Hòa - Đinh Hiền
.
.