Dùng nhân tâm khơi dậy điều thiện

Thứ Hai, 19/08/2019, 09:42
Ðã phạm tội thì phải trả giá, đó là quy luật. Thế nhưng suy cho cùng, mỗi phạm nhân đều giống như những đứa con buốt xót, gai ngạnh của “mẹ cuộc đời”. Dù muốn dù không, họ đã hiện diện trên cõi đời này. Và khi đã trót sa chân, lầm lỡ, họ luôn cần một nơi an lành, sáng trong để làm lại cuộc đời…

1. Mỗi phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Ðịnh Thành (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng - Bộ Công an - đóng tại An Giang)... đều có hoàn cảnh, con đường phạm tội khác nhau. 

Với CBCS làm công tác quản giáo nơi đây, để cảm hoá giáo dục những người từng vi phạm pháp luật không phải công việc đơn giản. Song bằng lương tâm, trách nhiệm, các cán bộ quản giáo đã và đang miệt mài với công tác ươm mầm thiện, góp phần trả về xã hội những công dân thiện lương... 

“Bản thân người làm công tác quản giáo phải có cái tâm với nghề và sự nhạy bén cần thiết để có thể thấu hiểu từng điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phạm nhân mà có cách giáo dục cho phù hợp. Phạm nhân dù phạm tội gì đi nữa thì trong họ vẫn còn một phần lương tri con người. Vì vậy, công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà phải đánh thức được mầm thiện trong họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại”, Thượng tá Huỳnh Trí Thương, Giám thị Trại giam Ðịnh Thành chia sẻ.

Thượng tá Huỳnh Trí Thương, Giám thị Trại giam Ðịnh Thành thăm hỏi phạm nhân và người thân của phạm nhân.

Dù những người ở ngoài xã hội có gây thù, gây đau thương cho những người khác, thì ở đây, những cán bộ Trại giam vẫn đối xử với phạm nhân ân cần, bằng cái tâm, trách nhiệm của người quản giáo. Ðó là động lực để họ phục thiện, an tâm cải tạo chuộc lại lỗi lầm.

Nguyễn Tấn Thanh (quê Ðồng Tháp), thụ án 9 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích” và “cướp giật tài sản”. 

Thời gian đầu vào trại, Thanh tỏ ra không hợp tác với cán bộ trong quá trình giáo dục, cải tạo. Ban Giám thị phân công hẳn một đồng chí Phó Giám thị trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư của Thanh; mặt khác áp dụng các hình thức giáo dục chung, giáo dục riêng, thậm chí tác động đến cả gia đình để cùng chung tay giáo dục, cảm hóa. Sau nhiều tháng được cán bộ quản giáo kiên trì giáo dục, phân tích, Thanh đã thay đổi nhận thức hoàn toàn, cải tạo tốt, trở thành thành viên nòng cốt các phong trào thi đua của phạm nhân trong trại.

Vẻ mặt ngại ngùng khi tiếp chuyện với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Phước Thọ (SN 1989, quê An Giang, thụ án chung thân, giảm xuống còn 30 năm) rụt rè khi kể lại quá khứ của mình: “Ðó là sai lầm lớn nhất của cuộc đời em, chỉ vì tính hiếu thắng mà tự đưa mình vào con đường tù tội. Ðược sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ quản giáo, em phấn đấu cải tạo tốt hơn nữa để có cơ hội được giảm án”. 

Thọ còn ước mơ sau này ra trại sẽ làm một đầu bếp, vì ngày còn ở nhà chưa từng nấu cho gia đình một bữa ăn. “Em may mắn được làm việc ở nhà bếp, được nấu ăn nên mong muốn sau này có cơ hội ra trại sẽ đi học nghề đầu bếp”, Thọ chia sẻ.

Ðằng sau cánh cổng trại, không còn lối sống “coi trời bằng vung”, nay đây mai đó, thay vào đó, các phạm nhân phải tuân theo kỷ luật, sống nền nếp, quy củ. Mỗi ngày đều có thời gian biểu cụ thể, hướng phạm nhân vào những công việc bổ ích. Chú trọng đến việc giáo dục phạm nhân, Trại giam Ðịnh Thành xây dựng thói quen đọc sách.

Tại đây có thư viện và thường xuyên trao đổi sách với thư viện tỉnh An Giang. Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, ngày 21-4 vừa qua, đơn vị đã phối hợp với NXB CAND (Cục Truyền thông CAND) tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Sách với nhân cách” và vấn đề tái hòa nhập cộng đồng đối với người thi hành xong án phạt tù với trên 200 phạm nhân tham gia giao lưu, phát biểu ý kiến sôi nổi, bổ ích. 

Hôm đó, phạm nhân Nguyễn Văn Quý (SN 1986, quê ở TP Châu Ðốc, An Giang) chia sẻ, từ khi vào trại, bản thân đã cảm nhận được sự ấm áp của tình người trong trại, nhờ vậy anh đã cố gắng và luôn thấy bản thân thay đổi rất nhiều.

“Ở trong trại giam, chúng tôi vẫn có cơ hội cống hiến, làm ra sản phẩm cho xã hội. Khi được làm việc, chúng tôi cảm thấy vơi đi phần nào gánh nặng tâm lý và tội lỗi của mình gây ra”, phạm nhân Trần Minh Nguyệt (SN 1958, quê huyện Tịnh Biên, An Giang) nói và cho biết với việc cải tạo tốt, chăm chỉ làm việc, chị cũng như nhiều phạm nhân khác có cơ hội được giảm án, sớm trở về với gia đình, người thân…

2. Cuối năm 2018, tôi được dự “Hội nghị gia đình phạm nhân” lần thứ XI. Ðó là cuộc hội ngộ của các phạm nhân với những người thân của họ. Tại cuộc hội ngộ, các phạm nhân được gặp gỡ, trò chuyện và cùng người thân dùng bữa cơm thân mật. 

Cán bộ quản giáo Trại giam Ðịnh Thành động viên các phạm nhân cố gắng cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước.

Niềm hạnh phúc ấy đã giúp họ có thêm động lực để cải tạo tốt hơn, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Từ sáng sớm, nhiều thân nhân các phạm nhân thuộc Phân trại số 1 và số 2 đã có mặt trước cổng trại để chờ đến giờ được vào gặp người thân của mình. Lần gặp này không giống nhiều lần gặp trước đó. Thay vì chỉ được nhìn mặt, nói chuyện qua điện thoại thì họ được gặp trực tiếp, trò chuyện và cùng ăn bữa cơm sum họp. 

Tại buổi gặp mặt, gia đình và phạm nhân đã nghe Ban Giám thị trao đổi về công tác quản lý, giáo dục, dạy nghề và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân. Cũng tại hội nghị, đại diện các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Ðịnh Thành, gia đình phạm nhân đã phát biểu ý kiến hết sức cởi mở. 

Các phạm nhân, gia đình đều cảm ơn sự quan tâm, giáo dục của CBCS Trại giam Ðịnh Thành để các phạm nhân có điều kiện cải tạo tốt, trang bị kỹ năng để sớm tái hòa nhập cộng đồng. Hội nghị cũng được nghe những chia sẻ của các gương điển hình tiên tiến trong việc tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội. 

Ðây là động lực giúp các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù nỗ lực cải tạo để nhận được sự khoan hồng, sớm trở về địa phương. Sau khi hội nghị kết thúc, các phạm nhân cùng người thân của mình ăn bữa cơm trưa đầm ấm, vui vẻ.

Ngồi ăn cơm cùng cha mẹ, phạm nhân Trương Hoàng Hải (quê An Giang) không giấu được xúc động. Dù cha mẹ giục ăn nhưng Hải chỉ muốn nói chuyện. Bà Nguyễn Thị Phúc (ngụ TP Cần Thơ) cho biết, gia đình bà cách vài tháng lại đến thăm con trai một lần, nhưng chủ yếu chỉ được nhìn mặt và nói chuyện qua điện thoại. Lần này Ban Giám thị Trại giam cho phép các gia đình gặp trực tiếp phạm nhân, vì thế bà đưa em gái của Hải đến để anh em gặp nhau cho đỡ nhớ.

 “Họ cũng là con người như bao người khác, có người chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy, có khi chỉ là nhất thời dại dột mà phải vào đây. Vì thế, CBCS đơn vị đều thống nhất quan điểm là cần cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ cùng phạm nhân, từng bước cảm hóa, giáo dục họ sớm nhận thức ra lỗi lầm, tạo sự chuyển biến về tư tưởng, tình cảm và có quyết tâm cao trong lao động cải tạo, được giảm án, đặc xá, để sớm trở về với gia đình, xã hội. Nhiều người sau khi được ra trại đã viết thư, gọi điện thăm hỏi Ban Giám thị Trại giam và cá nhân các cán bộ quản giáo đã nhiệt tình giúp đỡ họ”, Trung tá Dương Văn Long - Phó Giám thị Trại giam Ðịnh Thành tâm sự. 

Trung tá Long cho biết, dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể đơn vị luôn phát huy nội lực, quyết tâm khắc phục, vượt qua trở ngại để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân; luôn dành hết tâm quyết từ nhân tâm mình cho công tác giáo dục, cảm hóa những phận người từng có thời lầm lỡ…

Văn Đức
.
.