Tội phạm ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp

Thứ Sáu, 29/07/2016, 14:11

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị Chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm Cụm địa bàn Tây Nguyên do Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã tổ chức tại Đà Lạt ngày 29-7.

 

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát tới dự và chỉ đạo. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Tổng cục An ninh, Công an 5 tỉnh Tây Nguyên và đại diện Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Tổng Cục cảnh sát, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra 1.926 vụ phạm pháp hình sự (giảm 141 vụ so với cùng kỳ năm 2015), làm chết 64 người, bị thương 525 người, thiệt hại tài sản hơn 30 tỷ đồng.

Hoạt động tội phạm hình sự được kiềm chế nhưng án giết người lại tăng, án trộm cắp tài sản xảy ra nhiều, chiếm khoảng 40% trong cơ cấu tội phạm.

Toàn cảnh Hội nghị Chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm Cụm địa bàn Tây Nguyên

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, địa bàn Tây Nguyên xuất hiện các băng nhóm gốc Bắc chuyên bao kê khai thác rừng trái phép, thu mua nông sản. Các địa phương hiện đang quản lý 21 băng nhóm với 182 đối tượng.

Phát hiện trên 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng năm sau thường bị mất nhiều hơn năm trước. Các hành vi lừa đảo thông qua mua bán nông sản, “chơi hụi”, vỡ hụi diễn biến phức tạp, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đáng chú ý, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, nhiều công ty bán hàng đa cấp đã dụ dỗ, lôi kéo họ vào đường dây bán hàng đa cấp. Nhiều mặt hàng được các công ty này bán cho người dân với giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với giá trị thực.

Ngoài ra, nhiều công ty núp bóng kinh doanh bán hàng đa cấp huy động vốn, chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Tội phạm về phá hoại nông sản, trộm cắp theo mùa diễn biến hết sức phức tạp, khiến nông dân bất an, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, công tác điều tra, phá loại án này thường rất khó khăn, phần lớn xảy ra vào ban đêm, ở vùng sâu, địa bàn rộng, dấu vết để lại hiện trường không nhiều.

Trong tổng số 1.926 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm nay, Công an các địa phương đã điều tra, làm rõ 1.457 vụ, đạt 75,64%, bắt 2.384 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá gần 11 tỷ đồng.

Tôi phạm kinh tế diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng tăng với 183 vụ, tăng 13 vụ so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tại các cửa khẩu, lối mòn, đối tượng đã cấu kết với các phần tử thoái hóa biến chất của hải quan, kiểm lâm, biên phòng, vận chuyển nhập khẩu gỗ không nguồn gốc vào Việt Nam. Đã điều tra, khởi tố 24 vụ, 36 bị can, xử lý hành chính 96 vụ, chuyển sang cơ quan theo thầm quyền 63 vụ, thu hồi tải sản 10,5 tỷ đồng.

Tình trạng vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng tại các địa phương. Công an các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 303 vụ với 316 đối tượng, tăng 35 vụ so với cùng kỳ...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng đã đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của công an các địa phương. 

Đồng chí Thiếu tướng cũng chỉ đạo công an các tỉnh Tây Nguyên cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, trấn áp tội phạm một cách có hiệu quả, đặc biệt là các loại tội phạm có tổ chức, băng nhóm; nhóm, loại tội phạm mới nổi lên như trốn thuế, lừa đảo thông qua bán hàng đa cấp...

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng chỉ đạo công an các địa phương tập trung đấu tranh vào những địa bàn nóng về tình hình phạm tội, các loại tội phạm phức tạp. Tăng cường công tác phối hợp điều tra, phòng, chống tội trên toàn địa bàn Tây Nguyên... 

Kim Ngân
.
.