“Tình yêu nghề giúp chúng tôi có những tác phẩm chất lượng”

Thứ Năm, 20/06/2019, 09:42
Chập chững vào nghề với ít nhiều bỡ ngỡ, đi qua nhiều khó khăn, rồi trưởng thành, đến lúc nghỉ hưu,... nếu quá trình ấy, tình yêu nghề “không đủ lớn”, chắc chắn chúng tôi sẽ khó vẹn chữ “thuỷ chung” đến vậy. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi cảm thấy “máu nghề” và sự gắn kết thương yêu nhau luôn được vun đắp...


Trưởng thành nhớ thuở... hàn vi

Nhớ năm 1997, khi số đầu tiên chuyên mục An ninh Tiền Giang chuẩn bị lên sóng Đài PT-TH Tiền Giang, Đội Tuyên truyền của chúng tôi - những người trực tiếp thực hiện chương trình chỉ có 6 cán bộ, chiến sĩ. Một nửa đã có kinh nghiệm làm báo in (từ khi Báo Công an Tiền Giang còn xuất bản), nửa còn lại được tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ truyền hình. 

Tài sản lớn nhất là 2 camera Panasonic. Trong điều kiện khó khăn chung, mọi người “cưng” máy hơn “cưng” con. Một cán bộ vác máy về vùng xa tác nghiệp, mưa lớn, đường sình lầy trơn trợt. Khi thấy tổ trinh sát đuổi bắt đối tượng, anh vác máy chạy theo nhưng chẳng may bị mất đà, ngã ngửa. Từ đầu đến chân lắm lem sình đất nhưng anh vẫn ôm chặt chiếc camera gần chục ký trên ngực.

Cán bộ Đội Tuyên truyền tác nghiệp, đón lãnh đạo Nhà nước về thăm và làm việc tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Thanh

Một lần khác, chúng tôi quay lực lượng Công an tuần tra mùa nước nổi. Qua vùng nước xiết, 2 xuồng máy va vào nhau, đồng nghiệp tôi mất đà, ngã giữa 2 mạn xuồng. Khi đồng đội ào tới kéo anh lên, anh yêu cầu đưa camera lên trước. Khi 2 chiếc xuồng tách ra, anh rớt ùm xuống nước. Mấy ngày sau khi anh em đến bệnh xá thăm, anh vừa dùng rượu thuốc thoa vết tụ máu bầm nhưng vẫn tươi cười vì “cái máy quay không bị sao”. 

Thời đó, kinh phí hạn hẹp, camera quay băng từ, máy ảnh chụp phim, nên khi tác nghiệp, chúng tôi cân nhắc, tính toán chi li mỗi khi bấm máy. Đến khâu hậu kỳ do phải “xài ké” bên Đài PT-TH tỉnh nên chúng tôi gặp nhiều nhọc nhằn. Để tránh ảnh hưởng công việc của phía Đài, chúng tôi đăng ký phối hợp thực hiện hậu kỳ vào ban đêm. Thế là có những chủ nhật, thứ hai hằng tuần, nhóm anh em chúng tôi trở thành khách hàng thân thiết của quán bánh canh vỉa hè cạnh cổng Đài lúc 2 -3 giờ sáng. 

Lại nói về phương tiện đi lại, thời đó chủ yếu dùng xe cá nhân. Còn xe công, Đội được cấp 1 chiếc Cup 50cc. Nhiều hôm, “em Cup” lết hơn 130 cây số cả đi lẫn về, cõng nào camera, chân máy, máy ảnh, quay phim, biên tập. Cô biên tập viên cận kề ngày sinh vẫn đi hiện trường. Quay phim cũng là tài xế, biên tập đồng thời cầm đèn, vác chân máy, lỉnh cà lỉnh kỉnh trên “em Cup 50”. 

Quay phim vừa mang phải lo hình ảnh sao cho tốt, tránh trời mưa gió bất chợt, vừa lo cho cô bạn đi cùng đang... mang bầu ì ạch. Mấy ngày sau, cô ấy sinh đứa con kháu khỉnh, ai cũng mừng nhưng hú hồn vì lỡ như hôm đi công tác, đẻ dọc đường thì sao?  Chuyện “thuở hàn vi” gắn với những chuyến tác nghiệp, nhiều vô kể!

Gần 15 năm trước, chương trình truyền hình An ninh Tiền Giang chính thức ra riêng. Trước đó, chúng tôi được đầu tư lắp đặt phòng thu, tiếp nhận thêm 2 camera cùng thiết bị dựng hình; quân số được tăng cường. Khi còn “dựa dẫm” bên Đài, mọi thứ đã có kỹ thuật viên chuyên nghiệp, giờ thì... tự lực cánh sinh. 

Ngoài các lớp đào tạo, tập huấn do Truyền hình CAND (Bộ Công an) tổ chức, chúng tôi tranh thủ dự các lớp cấp tốc tại địa phương. Đến nay, 80% cán bộ, chiến sĩ làm nghề đã qua đào tạo đại học báo chí và công nghệ thông tin. Cùng với trang thiết bị luôn được đầu tư, nâng cấp, chương trình An ninh Tiền Giang ngày càng mới và hấp dẫn hơn. 

Không chỉ có tin, gương người tốt việc tốt và phóng sự, chúng tôi có thêm nhiều tiết mục mới: Xem và cảnh giác; Học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy, chấp hành nghiêm điều lệnh; Ống kính phóng viên; Bản tin truy nã tội phạm; Lắng nghe ý kiến nhân dân... Cũng trên sóng truyền hình, chúng tôi còn đầu tư tiết mục An toàn giao thông, phát hằng tuần. 

Theo khảo sát của Đài PTTH Tiền Giang, An ninh Tiền Giang là một trong những chương trình có chỉ số bạn xem đài cao nhất.

Trên sóng phát thanh và Báo Ấp Bắc, chúng tôi còn chủ động thực hiện nhiều chuyên trang, chuyên mục, bản tin như: An ninh đời sống (định kỳ hằng tuần); Phòng chống mại dâm, ma tuý (2 tuần); An ninh trật tự; An toàn giao thông; An toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ; các chuyên trang về truyền thống, sự kiện…

Niềm vui nghề khi được quan tâm đầu tư đúng mức

Khi Công an tỉnh và Đài PTTH tỉnh ký kết Quy chế phối hợp thực hiện chương trình An ninh Tiền Giang (đầu 12/1997), do đang khó khăn về con người, cơ sở vật chất nên có ý kiến “kỳ kèo” để sang đầu 1998 hãy bắt đầu. Tuy nhiên, Giám đốc Công an tỉnh khi đó ấn định: “Phải làm ngay, mỗi tuần 1 kỳ, mỗi kỳ 20 phút. Kỳ đầu tiên lên sóng là 16/12/1997”. Được truyền cảm hứng chúng tôi đã giữ tinh thần quyết tâm, quyết liệt đó suốt 22 năm qua.

Tập thể Đội Tuyên truyền. Ảnh chụp tháng 10-2018. Ảnh Duy Nhựt.

Về phía lãnh đạo Công an tỉnh, nhớ những ngày đầu khó khăn, Giám đốc thường xuyên trực tiếp động viên chúng tôi. Mỗi khi được UBND tỉnh khen thưởng vì thành tích tuyên truyền hiệu quả một chủ trương lớn nào đó của tỉnh, Giám đốc cho chuyển hóa tiền thưởng thành 1 camera mới, để cấp cho chúng tôi.

Đồng chí Trưởng phòng Công tác chính trị thì... “khỏi phải nói”. Một lần, ông lội bộ 5km đến bãi nghêu - hiện trường 1 vụ trộm. Động viên và chờ chúng tôi xong việc, ông cùng về. Nhiều lần công tác ngoài tỉnh xuyên đêm, ông cũng cùng “lính” ăn mì gói, tranh thủ chợp mắt trên xe. Sau này, khi về hưu, ông tâm sự với người kế nhiệm rằng, những chuyến đi như thế mình sẽ thấu hiểu anh em để mà động viên kịp thời; công tác phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện từ các đơn vị, Công an địa phương cũng sẽ nâng lên...

Nhiều lần tham gia giải báo chí tại địa phương, và đặc biệt là Liên hoan Truyền hình CAND, Công an tỉnh Tiền Giang thể hiện rõ tinh thần “gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức nghiệp vụ là chính”. Tuy nhiên, những chiếc huy chương có... màu là nguồn động viên rất lớn cho anh em chúng tôi. Có những niềm vui khác mà chính chúng tôi đã tự mang lại cho mình. 

Một lần, sau khi ghi hình xong cho phóng sự đề tài thanh thiếu niên hư, nữ biên tập viên đã lặng lẽ quay trở lại nhà, cho đối tượng túi gạo 20kg. Chỉ chúng tôi mới biết túi gạo được mua bằng gấp đôi tiền nhuận bút của chị. Một cán bộ sau khi ghi hình đối tượng bất cẩn gây ra vụ cháy thiệt hại tài sản hơn tỉ đồng, anh đã để lại 200 ngàn đồng cho cha của đối tượng. 

Lần kỷ niệm 20 năm Ngày lên sóng đầu tiên của chương trình An ninh Tiền Giang, chúng tôi trích tiền lương đóng góp, tổ chức cho các cháu học sinh khó khăn của một xã ven biển đi TP Hồ Chí Minh tham quan. Nghe các em dù đã 12-13 tuổi nhưng lần đầu được đi ôtô, được đi chơi xa, chúng tôi cảm thấy nghẹn lòng nhưng hạnh phúc vì đã góp phần tạo niềm vui cho các em. 

Là những người làm nghề báo không chuyên, không thẻ nhà báo nhưng chúng tôi luôn tự cảm thấy trách nhiệm công việc, trách nhiệm xã hội lớn lao của mình. Để có được những tác phẩm tốt, sinh động, chúng tôi luôn luôn cố gắng học hỏi vươn lên. 

Trong công việc mỗi ngày, chúng tôi vẫn trực chiến đấu; sẵn sàng lên đường công tác bất cứ lúc nào, dù đêm hôm khuya khoắt, hay mưa gió bão bùng... Và cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ của lực lượng CAND, chúng tôi vẫn đối mặt với hiểm nguy.

Cũng một vài lần đến dịp 21/6, cảm thấy tủi thân vì không thấy ai chúc mừng mình nhưng điều đó cũng nhanh tan biến khi thấy niềm vui lớn lao nhất chính là công việc mỗi ngày mà chúng tôi đang làm đều ít nhiều góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn…

Thanh Duy
.
.