Ở nơi Công an xã phải quản lý phụ nữ mang thai

Thứ Năm, 04/02/2021, 14:59
Về Hữu Kiệm một ngày cuối năm, chúng tôi theo chân các chiến sỹ Công an xã đi vào những bản làng xa xôi. Đây vẫn là một xã nghèo của huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An với hơn 1.000 hộ, hơn 4.890 nhân khẩu; nơi có 88,7% người dân tộc thiểu số sinh sống, gồm: Thái, Khơ Mú, H' Mông và Kinh...


Sắc Xuân đã tràn về trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ những bản làng vùng cao đến phố phường đô thị, đâu đâu cũng rợp bóng cờ hoa đón chào một mùa Xuân mới. Như lời hẹn với người Trưởng Công an xã nơi miền biên viễn huyện Kỳ Sơn rằng sẽ lên thăm các anh vào dịp năm hết Tết về, vượt hơn 300km, chúng tôi đã có mặt ở xã Hữu Kiệm để được nghe bà con dân bản kể về các anh, được chứng kiến tình cảm quân – dân gắn bó máu thịt. Và hơn tất cả là được vui mừng về những đổi thay từng ngày của mảnh đất được xem là điểm nóng về tình hình ANTT, khi là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện miền núi Kỳ Sơn.

Về Hữu Kiệm một ngày cuối năm, chúng tôi theo chân các chiến sỹ Công an xã đi vào những bản làng xa xôi. Đây vẫn là một xã nghèo của huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An với hơn 1.000 hộ, hơn 4.890 nhân khẩu; nơi có 88,7% người dân tộc thiểu số sinh sống, gồm: Thái, Khơ Mú, H' Mông và Kinh.

Thiếu tướng Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chung vui ngày hội đại đoàn kết với đồng bào dân tộc ở Mường Ải, Kỳ Sơn.

Đại úy Nguyễn Văn Trường, Trưởng Công an xã và các đồng chí của mình là những chiến sỹ Công an chính quy mới được bổ nhiệm về xã Hữu Kiệm năm 2019. Ở đây, các anh có một nhiệm vụ rất đặc biệt: Đó là quản lý những phụ nữ đang mang thai.

Trên đường cùng chúng tôi đi vào bản, anh chia sẻ: “Ban Công an xã mặc dù ít người, với địa bàn cũng rộng và cũng đa thành phần về dân tộc nhưng chúng tôi cũng cố gắng đến từng nơi, trong đó đặc biệt là ba địa bàn phức tạp nhất là bản Huổi Thợ, Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây là 3 bản phức tạp nhất về mua bán người và mua bán bào thai. Chúng tôi thường xuyên có danh sách của ban quản lý bản gửi lên. Đối với những người phụ nữ đang mang thai thì chúng tôi cũng vào thường xuyên để gặp gỡ động viên họ, giải thích cho họ để vận động tuyên truyền phát hiện phòng ngừa những hành vi ấy”.

Năm 2018, cả nước xôn xao về việc những phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc đẻ rồi bán con; riêng Hữu Kiệm chiếm tới 25 trường hợp, đa số đều là người Khơ Mú. Lần lượt những người phụ nữ mang thai tháng thứ 7, thứ 8 bỗng nhiên vắng mặt ở địa phương, rồi sau đó trở về mà không thấy bụng bầu, cũng không thấy đứa trẻ; ấy là những người đã nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu đi bán bào thai lấy tiền.

“Họ cứ nghĩ rằng đó là chuyện hết sức bình thường, con của mình thì mình bán. Bán được rồi thì họ về họ lại tuyên truyền với người khác đi sau là đi bán được 50 – 60 triệu bạc đấy. Họ cứ đi với nhau, khi về họ có tiền mua sắm trong gia đình, sau đó hết tiền, không còn gì nữa cả thì họ lại quay lại con đường đó” – Đại úy Nguyễn Văn Trường cho hay.

Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Kiệm đã đặt việc thay đổi ý thức người dân lên hàng đầu. Khi phát hiện ra những trường hợp buôn bán bào thai, huyện, xã đã họp lên phương án tìm mọi cách ngăn chặn. Lực lượng Công an địa phương phối hợp cùng cán bộ được cử đến giám sát rất chặt chẽ từ khi thai phụ mang thai ở tháng đầu cho đến khi sinh. Nhiều người có dấu hiệu muốn đi bán con là Công an sẽ đến để kiểm tra và tuyên truyền.

Như dẫn chứng cho lời nói của mình, Đại úy Trường đưa chúng tôi vào nhà của gia đình chị Moong Thị Chung, ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Chị đã từng bán đứa con trong bụng của mình để lấy 60 triệu đồng.

“Tại nhà nghèo chưa có nhà nên bán con để có tiền dựng nhà. Giờ rất ân hận, lúc nào cũng nghĩ tới con”- Moong Thị Chung tâm sự. Nhà đã dựng lên, đồ đạc đã mua, chỉ có đứa con ấy là không còn nữa. Năm vừa rồi Chung lại mang thai tiếp, Công an xã đã đến tận nhà, có khi một tuần vài buổi để giải thích cặn kẽ cái xấu của việc bán con, cái sai trong hành vi vi phạm pháp luật này; để dặn dò, thuyết phục và cũng là để giám sát không cho Chung đi bán bào thai lần nữa.

Chính thức về làm Công an xã Hữu Kiệm được 2 năm, Đại úy Nguyễn Văn Trường và các cán bộ trong Ban Công an xã đã thuộc từng mái nhà, từng cái cây trên những con đường vào bản. Họ cũng thuộc mặt, thuộc tên từng người trong danh sách phụ nữ đang mang thai và số đã từng đi bán bào thai trở về. Họ còn chỉ cho người dân cách làm ăn, cách lao động.

Kết quả của sự kiên trì, tận tụy ấy là sự bình yên ở những bản làng các anh đến, là sự thân thiện yêu quý mà người dân dành cho các anh. Từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã Hữu Kiệm đã không xảy ra thêm trường hợp đi bán bào thai nào. Chị Lương Thị Nghệ, bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho hay: Các anh Công an ngày nào cũng xuống đây để tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn, với lại người dân cũng có cuộc sống ổn định hơn nên không ai có con đi bán Trung Quốc nữa.

Phụ nữ xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) ký cam kết không vượt biên đi bán con.

Vượt lên tất cả những khó khăn, vất vả, Đại úy Nguyễn Văn Trường và các đồng chí của mình thật vui vì những kết quả đã đạt được. Nhưng càng gắn bó, càng yêu quý đồng bào thì họ lại càng trăn trở với công tác ANTT. Hữu Kiệm là một xã vùng cao gần biên giới đặc biệt khó khăn, nơi đây tình hình tội phạm liên quan đến ma túy vẫn tồn tại vô cùng nhức nhối. Số người nghiện ma túy của xã còn nhiều (hơn 120 người) và đang có mặt tại địa phương là 50 người. Khi Công an xã chính quy chưa về thì công tác cai nghiện chủ yếu là cai nghiện bắt buộc, số phần trăm tái nghiện cao.

Thượng sỹ Chích Văn Phương, Công an viên xã Hữu Kiệm chia sẻ: Chúng tôi đến từng nhà vận động gia đình để cho họ tự nguyện đưa những người nghiện đi cai. Rất nhiều trường hợp đến gặp trực tiếp và nói chúng tôi xuống giúp họ đưa con của mình đi cai nghiện. Tôi rất mừng vì điều này. Và cho đến hiện tại họ không tái nghiện nữa.

Vừa thấy các anh Công an từ xa, bà Lương Thị Sai (bản Bà, xã Hữu Kiệm) đã nói vọng từ trong vườn nhà ra: “Trường lại xuống bản hả con? Bữa ni phải ở lại ăn cơm với bà đấy”. Không tiện từ chối, chúng tôi theo bước anh vào nhà. Trong câu chuyện chiều cuối năm, bà Sai cho biết, nhờ có Công an xã chính quy mà con trai bà đã cai nghiện thành công và không tái nghiện.

Bà chia sẻ: Con đi cai được 2 lần, lần thứ nhất về chưa thay đổi thì bà cũng bực. Lần thứ 2 về con thay đổi, con đi kiếm tiền mua thức ăn là một, thứ hai là nhà cửa này con cũng đi chặt cây về sửa cho bà để  chuẩn bị ăn Tết, thì bà cũng vui vẻ lắm. Mần chi mà không quý Công an, vì Công an đưa con của bà đi cai nghiện, đi giáo dục thành người tốt thì bà quý, bà trọng, bà vui vẻ chứ.

Cho đến nay, Đại úy Trường cùng các đồng chí trong Ban Công an xã đã xây dựng được nhiều mô hình tự quản an ninh trật tự, như mô hình Tiếng kẻng bình yên của bản Na Lượng. Người dân tích cực tham gia hơn và ủng hộ lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh với tội phạm và đảm bảo ANTT tại địa phương. Từ một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự trước đó, đến năm 2019, Hữu Kiệm đã được công nhận là một xã đạt chuẩn về ANTT trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Và mới đây, ngày 23/11/2020, sau 9 năm nỗ lực vận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị huyện, xã, cùng sự đồng thuận của người dân, Hữu Kiệm là xã đầu tiên của huyện biên giới Kỳ Sơn về đích nông thôn mới. Đến nay, Hữu Kiệm có 100% các tuyến đường giao thông được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 1.015/1.072 hộ có nhà ở bán kiên cố trở lên, đạt 94,6%; Thu nhập tăng từ 8,3 triệu đồng/năm lên 36,24 triệu đồng/người/năm 2020; Cơ sở vật chất 3 cấp học, hệ thống trạm y tế xã được đầu tư khang trang; có 4.893/4.893 người dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 100%; 7/9 bản đạt bản văn hóa, 3 bản được huyện công nhận bản Nông thôn mới.

Những đồng chí trong Ban Công an xã, nhất là Đại úy Nguyễn Văn Trường, cảm thấy vô cùng tự hào vì những gì đạt được. Cho dù đi lại còn khó khăn, cho dù cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng họ không phiền lòng. Ngày ngày những chiến sỹ Công an vẫn tận tụy thực hiện nhiệm vụ của mình, tất cả là vì bình yên của bản làng.

Minh Tâm
.
.