Những “nghệ sĩ đường phố” bên Hồ Gươm

Thứ Hai, 20/01/2020, 14:44
Khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm, Hà Nội đã quá quen thuộc với nhiều người vào mỗi dịp cuối tuần, nhưng sự xuất hiện của các nghệ sĩ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) vẫn là một trong những bất ngờ mới mẻ nhất tại khu vực này trong năm 2019.


Họ được nhắc nhớ với nhiều cái tên như Đoàn quân nhạc công an, Dàn nhạc kèn công an… Sau 3 tháng với 3 chương trình biểu diễn thành công, thu hút hàng vạn người dân và du khách, có lẽ, vẫn không nhiều người tường tận về các nghệ sĩ “đường phố” đặc biệt này.

Theo Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó Trưởng Đoàn Nghi lễ CAND, các nghệ sĩ – chiến sĩ Công an nói trên thuộc 2 đội của Đoàn Nghi lễ CAND: Đội Nhạc lễ và Đội Nghệ thuật tuyên truyền. Tiền thân của Đoàn Nghi lễ CAND là Đại đội Danh dự và Đội Nhạc lễ, trực thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, Tổng cục Cảnh sát. Năm 2009, Đoàn được kiện toàn lại, trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và là Đoàn Nghi lễ chính quy duy nhất của lực lượng CAND. Hiện nay, Đoàn Nghi lễ CAND bao gồm 5 đội, trong đó có 3 đội thường tham gia các hoạt động biểu diễn: Đội Nhạc lễ, Đội Danh dự và Đội Nghệ thuật tuyên truyền. 

Hoạt động biểu diễn của Đoàn là công tác thường xuyên nhưng phạm vi biểu diễn thường là phục vụ các hội nghị, nghi lễ trong và ngoài lực lượng CAND, phục vụ quần chúng nhân dân nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Đoàn cũng đã tham gia khá nhiều hoạt động giao lưu âm nhạc có quy mô toàn quốc và khu vực ở trong nước, nước ngoài, như các Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, các Đại Nhạc hội Cảnh sát thế giới, Hòa nhạc cảnh sát các nước ASEAN… 

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên, Đoàn triển khai biểu diễn phục vụ người dân và du khách trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm dịp cuối tuần. Các chương trình này cũng là hoạt động nhằm góp phần xây dựng và lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi, thân thiện với nhân dân theo chủ trương của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND biểu diễn bên Hồ Gươm.

Để chuẩn bị cho chương trình đầu tiên, từ tháng 8-2019, Đoàn Nghi lễ CAND đã lên kế hoạch xây dựng chương trình, tổ chức tập luyện, chuẩn bị biểu diễn. Đội Nhạc lễ giữ vai trò chủ lực. Đội Nghệ thuật tuyên truyền gồm các nghệ sĩ ca, múa, nhạc phối hợp thực hiện. Sau 2 tháng vừa tăng cường tập luyện, vừa đảm bảo công tác chuyên môn, giữa tháng 10-2019, buổi biểu diễn chính thức đầu tiên của Đoàn Nghi lễ CAND trên khu vực phố đi bộ bên Hồ Gươm mới diễn ra. 

Sự xuất hiện của các nghệ sĩ – chiến sĩ CAND tạo bất ngờ lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách. Đến thời điểm này, nhiều người mới biết đến sự hiện diện của các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND. Nhiều người biết được rằng hầu hết các nghệ sĩ, chiến sĩ này đều từng được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, chỉ huy chính của Dàn nhạc và cũng là nhạc trưởng trong các chương trình biểu diễn của Đoàn Nghi lễ CAND trên phố đi bộ bên Hồ Gươm thời gian qua cũng cho biết, Đội Nhạc lễ có 70 nhạc công. Các thành viên này đều qua đào tạo bài bản của các trường đào tạo về nghệ thuật. Nhưng, thay vì “đầu quân” cho các nhà hát và có thể được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú sau khi có những cống hiến nhất định, các nghệ sĩ này chọn vinh dự khoác trên mình màu áo lực lượng CAND. 

Dù rằng, không ít nghệ sĩ – chiến sĩ này, trong đó có Nguyễn Tiến Dũng vốn là “con nhà nòi”. Bố của Nguyễn Tiến Dũng cũng là một nhạc trưởng có tài trong Đoàn Nghi lễ Quân đội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, bản thân anh cũng chính thức trở thành chỉ huy dàn nhạc của Đội Nghi lễ.

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: Nhiều năm gần đây, Đoàn Nghi lễ CAND nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia giao lưu, biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn ở trong nước và nước ngoài. Tính sơ qua, đến nay, Đội đã có hàng trăm bài để biểu diễn phục vụ công chúng. 3 chương trình biểu diễn trên phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm mới chỉ sử dụng một phần khối “tài sản” chung này. Không những thế, từ năm 2012, hầu hết các nhạc cụ cũ, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, khiến tiếng bị chênh, phô đã được đầu tư thay mới. Cùng với sự cố gắng của các thành viên, đến nay, chất lượng âm thanh, kỹ thuật biểu diễn của dàn nhạc đã được người trong giới đánh giá khá cao.

Kể về những buổi biểu diễn trên phố đi bộ bên Hồ Gươm, Trung úy Hoàng Đình Tùng vui vẻ cho hay, trong dàn quân nhạc, anh là một trong những nhạc công “nổi bật” bởi nhạc cụ biểu diễn là kèn helicon, nặng đến 15kg. Các nghệ sĩ ôm cây kèn “khủng” như Hoàng Đình Tùng dễ gây chú ý nên cũng thường nhận được nhiều câu hỏi cắc cớ, hài hước, kiểu như “kèn gì mà to thế”…

Thời điểm Đoàn biểu diễn buổi đầu tiên bên Bờ Hồ, trời đang vào thu, thời tiết mát mẻ, thích hợp cho người dân dạo phố. Nhưng, với các nghệ sĩ biểu diễn, việc ôm cây kèn đồng vừa to vừa nặng, khoác trên mình bộ lễ phục dày, vừa đi vừa biểu diễn một vòng quanh bờ hồ thật không đơn giản. May mắn là có sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân và du khách khiến nghệ sĩ biểu diễn quên mệt, quên cả những chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi từ bao giờ… 

May mắn hơn nữa cho các thành viên là trước đó, việc tuyển chọn nghệ sĩ vào Đoàn Nghi lễ CAND khá khắt khe. Ngoài năng khiếu, ngoại hình đảm bảo… đúng chuẩn, ít nhất là về chiều cao, sức khỏe, các thành viên phải rèn luyện  thường xuyên hàng ngày, chuẩn chỉ từng tư thế, lễ tiết, tác phong cho đến kỹ thuật trình diễn. 

Chưa kể, các buổi biểu diễn, bất kể mùa đông hay mùa hè, nóng hay lạnh thì các nhạc công cũng đều phải mặc lễ phục. Vì vậy, các chương trình biểu diễn diễu hành, dù đòi hỏi sức khỏe phải thật tốt, cùng với sự đảm bảo về trình độ kỹ thuật biểu diễn, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, các nghệ sĩ – chiến sĩ đều đáp ứng ổn thỏa.

Trò chuyện với chúng tôi, các thành viên trong Đoàn mong muốn ngày càng tổ chức được nhiều chương trình mang tính xã hội hóa cao, để các nghệ sĩ – chiến sĩ có nhiều cơ hội biểu diễn phục vụ rộng rãi công chúng hơn nữa, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, vừa có thêm nhiều dịp cọ xát thực tế, thêm động lực trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. 

Đặc biệt, thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật, quần chúng nhân dân hiểu hơn về các nghệ sĩ Công an nói riêng, cán bộ chiến sĩ công an nói chung, từ đó tin yêu hơn, phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an tốt hơn trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, theo đúng chủ trương của Bộ Công an khi quyết định đưa Đoàn Nghi lễ CAND ra trình diễn trên phố đi bộ thời gian qua.

Ngọc Nguyễn
.
.
.