Sử dụng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta

Thứ Năm, 24/12/2020, 09:07
Trung tá Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an cho biết: Thời gian qua, Cục Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác tổ chức truyền thông về phòng, chống kháng thuốc tại Công an các đơn, vị, địa phương...

Theo Cục Y tế, trong bối cảnh mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng ở mức độ báo động, cùng với thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng do nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe và kháng kháng sinh tại cơ sở y tế. Dịch bệnh xảy ra gần đây cùng với số ca nhiễm khuẩn tăng là cảnh báo đối với các bệnh viện và cơ sở y tế ở Việt Nam nói chung và trong CAND nói riêng; đồng thời, nó cũng cho thấy tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống kháng kháng sinh.

Trước đó, ngày 8/7/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt Quyết định số 5182/QĐ-BCA-H06 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc - kiểm soát nhiễm khuẩn trong CAND giai đoạn 2019 - 2020, với 2 mục tiêu là Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe CBCS và Nhân dân; Nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong CAND nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của đồng chí Bộ trưởng phê duyệt, Cục Y tế đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Công an đơn vị, địa phương triển khai Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc - kiểm soát nhiễm khuẩn 2019 – 2020; tuyên truyền, phổ biến về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020; Kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc - kiểm soát nhiễm khuẩn trong CAND giai đoạn 2019 - 2020 và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về phòng, chống kháng thuốc đến toàn bộ Công an các đơn vị, địa phương. 

Tổ chức các lớp tập huấn về quản lý sử dụng kháng sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại các Bệnh viện hạng I trong CAND: triển khai tại Bệnh viện 19-8 với nội dung: Lựa chọn kháng sinh trong viêm phổi bệnh viện và viêm phổi thở máy;  Bệnh viện 199 với nội dung “Phối hợp kháng sinh trong thực hành lâm sàng, tối ưu chế độ liều của kháng sinh theo dược động học/dược lực học”; Bệnh viện 30-4 với nội dung “ Phòng ngừa viêm phổi bệnh viện và phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết”; Bệnh viện Y học cổ truyền với nội dung “Triển khai chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện; Tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh dự phòng”…

Ngoài ra, Cục Y tế còn tổ chức Hội thảo chuyên đề về phòng, chống kháng thuốc - kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện 199, Bệnh viện 30-4 với nội dung: Tình hình vi khuẩn kháng thuốc hiện nay, phối hợp kháng sinh trong nhiễm khuẩn cộng đồng, việc sử dụng kháng sinh dự phòng hiện nay, cách dùng kháng sinh diệt khuẩn phụ thuộc thời gian…nhằm mục tiêu hạn chế sự gia tăng của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh, ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, cải thiện tình hình sử dụng kháng sinh, tiến tới xây dựng một phác đồ sử dụng kháng sinh hợp lý chung cho mỗi bệnh viện; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng khoa vi sinh, thực trạng kiểm soát nhiễm khuẩn tại 18 Bệnh viện trong CAND.

Thời gian qua, Cục Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác tổ chức truyền thông về phòng, chống kháng thuốc tại Công an các đơn, vị, địa phương như: Tổ chức các buổi truyền thông cho Cán bộ chiến sĩ Công an TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Yên Bái và các đơn vị đóng quân tại Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ninh…về phòng, chống kháng thuốc, chấm dứt lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách. Gửi tài liệu truyền thông đến toàn bộ đơn vị y tế trong CAND; hướng dẫn các đơn vị tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị Bệnh viện. 

Đặc biệt, hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế phát động (tháng 11 hàng năm), Cục Y tế đã triển khai treo băng rôn, pano tại các trụ sở làm việc của Bộ Công an, Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 199, Bệnh viện Y học cổ truyền; gửi tài liệu truyền thông đến các đơn vị y tế trong CAND và phát động, ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm tại 100% các đơn vị y tế CAND ; triển khai chương trình Hưởng ứng ngày rửa tay thế giới (15-11-2020) và đề xuất cấp phát cho các đơn vị y tế hơn 1.000 chai dung dịch rửa tay.

Trong 2 năm (2019, 2020), từ những hoạt động đã triển khai trong CAND cho thấy, bước đầu thu được kết quả tích cực trong phòng, chống kháng thuốc, hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Qua các buổi tập huấn thuộc chương trình phòng, chống kháng thuốc - kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện, các bác sỹ và dược sỹ đã hiểu rõ hơn về mục tiêu, lợi ích của chương trình quản lý kháng sinh, vai trò và nhiệm vụ của từng cá nhân, từng tập thể và kết quả mang lại khi chương trình kháng sinh được triển khai thành công tại bệnh viện nhằm giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng, giảm thiểu tình trạng đề kháng kháng sinh, nâng cao chất lượng điều trị và giảm chi phí do dùng kháng sinh không hợp lý mang lại. 

Các buổi truyền thông cũng góp phần tích cực nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng nói chung, CAND nói riêng; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy cộng đồng quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người.

Theo Cục Y tế, từ số liệu tổng hợp điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy: Tỷ lệ tiền thuốc kháng sinh trong tổng tiền thuốc đã sử dụng của 18 bệnh viện CAND  chỉ chiếm từ 0,2% - 28%; tỷ lệ đơn kê có thuốc kháng sinh tương đối thấp, từ 5,1% - 36,2%. Việc sử dụng 9 loại kháng sinh: (Kháng sinh dự trữ, hạn chế sử dụng): Doripenem (tiêm), Ertapenem (tiêm), Imipenem + cilastatin (tiêm), Meropenem (tiêm), Tigecyclin (tiêm), Colistin (tiêm), Fosfomycin (tiêm), Linezolid (uống, tiêm), Teicoplanin (tiêm). Bệnh viện 19-8 sử dụng 6/9 loại kháng sinh với kinh phí chiếm 3,5% kinh phí thuốc đã sử dụng; Bệnh viện 30-4 sử dụng 7/9 loại kháng sinh với kinh phí chiếm 13,7% kinh phí thuốc đã sử dụng; Bệnh viện 199 sử dụng 3/9 loại kháng sinh với kinh phí chiếm 0,9% kinh phí thuốc đã sử dụng; Bệnh viện Công an tỉnh, thành phố đều không sử dụng kháng sinh, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế…Những kết quả nêu trên đã góp phần lan tỏa có hiệu quả mạnh mẽ chủ đề: “Sử dụng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta” trong CAND.

Anh Hiếu
.
.