Sóc Trăng đẩy mạnh chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH

Thứ Năm, 03/05/2018, 15:06
Ngày 3-5, tại Công an tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội (TTATXH)” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. 

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Ban Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND, Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, phát biểu tại Hội nghị. 

Theo Đề án, các ngành, địa phương trong tỉnh Sóc Trăng tổ chức chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH được lựa chọn; không có dấu hiệu hoạt động của tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”; thực hiện có hiệu quả giải pháp để duy trì bền vững kết quả đạt được, ít nhất 85% địa bàn đã chuyển hóa thành công không phức tạp trở lại sau chuyển hóa. 

Tại địa bàn được lựa chọn chuyển hóa, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 80% trở lên, đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tỷ lệ điều tra đạt 95% trở lên trong tổng số án khởi tố. 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý. 

Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, phát biểu tại Hội nghị. 

Giảm tỷ lệ tái phạm trong số người chấp hành xong án phạt tù và đặc xá về cư trú tại địa bàn xuống dưới 15%...

Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH” được triển khai trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. 

Trong đó tổng số đơn vị cấp xã được xác định là trọng điểm, phức tạp về TTATXH để thực hiện chuyển hóa hàng năm không vượt quá 15% tổng số đơn vị cấp xã hiện có tại địa phương. 

Thời gian chuyển hóa mỗi địa bàn 1 năm. Địa bàn đánh giá là chuyển hóa thành công khi đạt 80% chỉ tiêu của Đề án trở lên, trong đó giảm cơ bản tội phạm và tệ nạn xã hội, không để phức tạp nổi lên về TTATXH...

Theo ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đề án nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và người dân ở cơ sở thực hiện chuyển hóa thành công địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về TTATXH thành địa bàn an toàn, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình thành điểm “nóng”, phức tạp về TTATXH.

Văn Đức
.
.