Phòng CSGT đường bộ, CA TP HCM: Ứng dụng CNTT phục vụ công tác

Thứ Ba, 13/11/2007, 09:40
Là địa phương có số người đăng ký xe ôtô, xe gắn máy, cũng như vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ nhiều nhất cả nước, Phòng CSGT Đường bộ Công an TP Hồ Chí Minh đã có ứng dụng tốt công nghệ thông tin phục vụ cho yêu cầu cấp thiết trong công tác của đơn vị.

Nhằm nâng cao năng lực và hiệu suất trong đăng ký, quản lý phương tiện và xử lý vi phạm, gần đây Phòng CSGT đường bộ (PC 26) Công an TP Hồ Chí Minh đã có ứng dụng tốt công nghệ thông tin phục vụ cho yêu cầu cấp thiết trong công tác của đơn vị.

Việc thực hiện phần mềm cấp biển số xe ôtô, xe gắn máy ngẫu nhiên qua máy tính, bước đầu đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Nếu như trước đây một hồ sơ được giải quyết (phải viết giấy hẹn bằng tay) mất từ 5-7 phút, thì hiện nay giấy hẹn in bằng máy tính (kể cả việc cấp luôn biển số xe) chỉ mất tối đa 3 phút.

Hơn một năm thực hiện chương trình cấp biển số ngẫu nhiên trên máy tính, tình trạng móc nối tiêu cực, tùy tiện cấp biển số đẹp, cò mồi, trung gian giảm hẳn so với trước đây. Để giảm bớt phiền hà cho nhân dân, rút ngắn thời gian đăng ký xe, Phòng PC 26 Công an TP Hồ Chí Minh còn kiến nghị với các cơ quan cấp trên giảm bớt các thủ tục thừa trong công tác này.

Hiện nay thời hạn để làm thủ tục cấp, đổi giấy đăng ký, biển số, các giấy tờ về sang tên ghi chuyển, giấy chứng nhận xóa sổ… tối đa không quá 3 ngày làm việc (trước đây là 10 ngày).

TP Hồ Chí Minh có số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ cũng đứng đầu cả nước, do vậy việc xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) liên tục được đẩy mạnh. Trung bình một ngày lập không dưới 500 biên bản vi phạm, từ đó dẫn đến cường độ làm việc quá tải của tổ xử lý vi phạm, trong đó phần việc chiếm nhiều thời gian nhất là cập nhật vào sổ để theo dõi, quản lý công tác xử lý vi phạm.

Phòng PC 26 Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng "Chương trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGTĐB trên máy tính". Chương trình này thoạt nghe có vẻ rất đơn giản, đó là thay thế cho việc ra quyết định xử phạt viết tay, bằng việc ra quyết định xử phạt trên máy tính.

Thế nhưng hiệu quả của chương trình này rất lớn: Quá trình ra quyết định xử phạt được đảm bảo tính chính xác cao, nhanh chóng, đúng quy định; đồng thời cập nhật, theo dõi, thống kê, tra cứu, phân tích, đánh giá tất cả các quyết định xử phạt một cách nhanh chóng và chính xác nhất theo yêu cầu nghiệp vụ.

Từ đó đề ra các biện pháp để phòng ngừa vi phạm và làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ đến từng đối tượng vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân, góp phần kéo giảm TNGT.

Gần đây, việc xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm được triển khai trở lại ở TP Hồ Chí Minh cũng đã có tác động tích cực làm cho tình hình vi phạm TTATGTĐB có chiều hướng giảm.

Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện cơ giới đường bộ cho 5 huyện và một quận, người dân không phải đi xa mất nhiều thời gian.

Nhưng một phát sinh mới cần được tháo gỡ; đó là mua bán sang tên khác quận, huyện thì người dân tự đi đến cơ quan quản lý hồ sơ để rút hồ sơ gốc, sau đó cầm về địa phương cư trú để đăng ký, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân.

Trước tình hình này, Phòng PC 26 Công an TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cơ quan cấp trên cho phép trả hồ sơ đăng ký xe cho người dân tự quản lý, vì đây là tài sản của nhân dân nên bảo quản tốt hơn, nếu có xảy ra mất mát, thiên tai, hỏa hoạn thì mức độ thiệt hại nhẹ hơn.

Theo quy định, trình tự xử lý một vụ vi phạm có quá nhiều thủ tục phức tạp với nhiều loại biểu mẫu, sổ sách mà thực hiện chủ yếu bằng thủ công, không chỉ quá tải cho bộ phận xử lý mà còn gây phiền hà cho nhân dân. Phòng PC 26 Công an TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý vi phạm đơn giản hơn (hiện tại có 9 bước) nhưng chặt chẽ đúng pháp luật và phù hợp với yêu cầu phát triển thông tin trong thời gian tới

Thu Thảo
.
.