Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tội phạm

Thứ Ba, 29/08/2017, 11:38
Ngày 29-8, tại Thanh Hóa, Học viện Chính trị CAND tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc”.

Hội thảo nhằm mục đích phân tích, đánh giá vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng; đánh giá thực trạng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh vùng Tây Bắc hiện nay đối với công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung và một số loại tội phạm cụ thể hoạt động xuyên quốc gia nổi lên ở vùng này thời gian qua.

Các đại biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đồng tình với những đánh giá và đề xuất trong Báo cáo của Học viện Chính trị CAND và các tham luận trong Kỷ yếu Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị, trong thời gian tới, trước yêu cầu nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc, đồng thời để có các giải pháp phòng, chống tội phạm bảo đảm yêu cầu "đúng", "trúng" và "có hiệu quả", trước hết phải nhận diện và làm rõ được các yếu tố về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, dân cư, tôn giáo, văn hóa... cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế có ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tội phạm của vùng Tây Bắc; cần rà soát, tổng kết các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm tổ chức xuyên quốc gia.

Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chủ trương, cơ chế... nhất là, trong thời gian tới, cần có tư duy mới trong xây dựng đường lối, chính sách, xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống tội phạm cho phù hợp bối cảnh, tính chất, nội dung của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ mới của nước ta nói chung và của Tây Bắc nói riêng.

Cần quán triệt xuyên suốt quan điểm: Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt trong đó có đấu tranh phòng chống tội phạm; cần xác định đúng vai trò quan trọng của quần chúng chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Để phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế trong phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết hoặc tham gia, đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu, cần đề xuất các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. 

Đồng thời, phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát huy thật tốt vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên tuyến biến giới và các địa bàn trọng yếu...

H.A
.
.