Nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ

Thứ Tư, 08/11/2017, 09:14
Những ngày này, lực lượng Công an đang nỗ lực hết mình để phối hợp cùng chính quyền các tỉnh miền Trung và các cơ quan chức năng cùng thực hiện phương châm “nước lũ rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó” nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp người dân vùng bị lũ lụt sớm ổn định cuộc sống…

Ngày 7-11, lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Nam đang xuống, nhưng nước lũ rút rất chậm nên nhiều vùng trũng thấp ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP Hội An vẫn còn bị ngập sâu trong biển nước. Để giúp người dân khắc phục hậu quả sau lũ, sớm ổn định lại cuộc sống, các đoàn viên thành niên Công an tỉnh Quảng Nam đã cùng Công an huyện Đại Lộc nỗ lực giúp người dân, tạo ấn tượng đẹp về hình ảnh người chiến sĩ CAND trong lòng dân.

Từ sáng sớm 7-11, chúng tôi đã có mặt trên chuyến xe chở hơn 30 đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi hành về huyện Đại Lộc. Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an tỉnh tâm sự: Phát huy tinh thần của đoàn viên thanh niên, chúng tôi tiến hành đưa lực lượng đến cùng Công an địa phương dọn dẹp vệ sinh môi trường đường sá, nhà cửa, trường học để bà con sớm ổn định cuộc sống. Dự định sẽ thực hiện trong 3 ngày (từ ngày 7 đến hết ngày 9-11).

Ngoài ra, chúng tôi còn tặng 100 suất quà (mỗi 300 nghìn đồng) cho bà con nhân dân để góp phần giúp đỡ người dân vùng bị ngập lũ không bị thiếu lương thực sau lũ”. Trong ngày, các đoàn viên thanh niên đã giúp Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đại Minh, Đại Lộc) dọn bùn, khắc phục sự cố mưa lũ để  học sinh sớm đến trường…

* Tại TP Hội An: Chiều 7-11, trời đã tạnh mưa, nước lũ rút nhưng rất chậm. Gặp chúng tôi ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, hiện công tác tổ chức các sự kiện APEC ở Hội An vẫn sẽ phải chờ nước lũ rút, rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó.

Theo kế hoạch, tối 7-11, đoàn đại biểu Diễn đàn tương lai APEC đến Hội An, nhưng phố cổ nhiều đoạn vẫn còn ngập nước lũ nên kế hoạch đoàn đi thăm làng gốm Thanh Hà được điều chỉnh qua thăm làng lụa Hội An. Trong ngày 7-11, Công ty CP Công trình công cộng Hội An và Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Hội An đã huy động 250 nhân lực cùng 3 xe xịt rửa đường, 10 xe cuốn ép rác cùng chiếc máy bơm nước xịt rửa để dọn dẹp tại các điểm phục vụ APEC.

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ tại huyện Đại Lộc và trao quà hỗ trợ người dân nơi đây. Ảnh: Hà Vy.

Các xã, phường kêu gọi nhân dân tự dọn dẹp tại địa phương. Riêng đối với các tuyến đường, điểm phục vụ APEC như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quảng trường Sông Hoài, An Hộ…, “thành phố cũng xin Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 3 xe PCCC&CNCH, cùng 10 chiếc sĩ, 200 cán bộ chiếc sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để giúp đỡ dọn dẹp. Tuy nhiên, các điểm này vẫn đang còn ngập nước, các lực lượng sẵn sàng dọn dẹp ở các địa điểm phục vụ APEC với tinh thần hễ lũ rút là dọn. Riêng các lực lượng hỗ trợ của tỉnh, họ cũng đã sẵn sàng và khi nào nước rút, mình thông báo là họ sẽ ra giúp đỡ”.

Ông Dũng cho biết thêm, trước diễn biến bất lợi của tình hình thời tiết, công tác chuẩn bị cho các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 của TP Hội An gặp không ít khó khăn. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam sẽ tổ chức đưa phu nhân, phu quân các nhà lãnh đạo APEC tới thăm thành phố Hội An nên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hội An cùng lực lượng chức năng sẽ nỗ lực dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ lụt để công tác đón tiếp chu đáo, trọng thị…

Thống kê sơ bộ từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trong đó có 10 người chết, 10 người mất tích, 15 người bị thương; 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 107 nhà bị thiệt hại từ 50-70%; khoảng 8.000m kênh mương, 70m kè sông và hơn 2,000m bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng; 1.100m bờ biển Cửa Đại (Hội An), 500m bờ biển Cửa Lở (huyện Núi Thành) cũng bị sóng biển đánh tan tành. Về giao thông, có 42 vị trí trên các tuyến quốc lộ 40B, 14B, 14D, 14E, 40B và 24C bị sạt lở; hư hỏng nhiều cầu, cống; nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng… Ước tính sơ bộ thiệt hại ban đầu 250 tỷ đồng.

* Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế: Ngày 7-11, trời tiếp tục có mưa lớn ở thượng nguồn khiến mực nước trên các sông Hương, sông Bồ vượt báo động 2, dưới báo động 3 0,56m. Trong khi đó, các hồ thủy điện như Hương Điền xả về hạ du 1.170m3/s, thủy điện Bình Điền 895m3/s, thủy điện A Lưới 3.389m3/s đã khiến nhiều vùng thấp trũng của các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền ngập lụt trở lại.

Tính đến sáng 7-11, mưa lũ đã khiến địa bàn tỉnh có 9 người chết, 3 người bị thương; số nhà ngập lụt tăng lên hơn 70.200 nhà bị ngập từ 0,2 đến 0,8m; trong đó TP Huế có 45.200 nhà; thị xã Hương Trà có 7.535 nhà; Quảng Điền có 3.785 nhà; Phú Lộc 6.747 nhà; Phú Vang 3.205 nhà.  Mưa lũ đã khiến các địa phương ở Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng hàng trăm hécta hoa màu, hàng trăm tấn cá lồng được người dân huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà thả nuôi trên sông Bồ bị chết do thủy điện xả lũ.

Về giao thông, QL49 Km75+250 bị sạt lở taluy dương; Km76+380 sạt lở ta luy âm gây tắc đường; nhánh Tây đường Hồ Chí Minh bị sạt lở đất đá 500m3, tại Km 17+100 tuyến tỉnh lộ 14B lên huyện Nam Đông sạt lở hơn 10.000m3 đất đá.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại tại các địa phương, Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, trong những ngày qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác trực chỉ huy, trực ban 24/24h, đồng thời điều động hàng trăm lượt CBCS về các xã ngập lụt, các điểm xảy ra sạt lở đất đá để phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức triển khai công tác khắc phục hậu quả.

Do mưa lớn kéo dài khiến tuyến QL49 TP Huế đi A Lưới đã xảy ra tình trạng sạt lở và sụt lún tại nhiều điểm đi qua các xã Sơn Thuỷ và Hồng Vân, gây ách tắc giao thông. Nhận được tin báo, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động CBCS đến hiện trường để điều hoà, hướng dẫn cho các phương tiện và người dân đi lại, nhất là cảnh báo điểm sạt lở, sụt lún để mọi người cảnh giác. Tính đến chiều 7-11, nhiều điểm sát lở trên tuyến QL49 đã được các đơn vị phối hợp khắc phục, lưu thông 1 luồng xe.

* Tại tỉnh Quảng Ngãi:  Trong ngày 6-11, nước lũ rút thì đến tối 6 và rạng sáng 7-11, nước lũ trên địa bàn huyện Ba Tơ dâng cao gây ngập úng, sạt lở nhiều nơi trên quốc lộ 24. Tại đèo Lâm, Km 15, quốc lộ 24, thuộc xã Ba Thành, huyện Ba Tơ bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông. Tại đoạn Km17 đến Km19, thuộc xã Ba Động, nước lũ tràn qua ngập chia cắt. Lực lượng Công an Ba Tơ đã bố trí cán bộ, chiến sĩ chốt chặn các điểm ngập, sạt lở không cho phương tiện qua lại, hướng dẫn các phương tiện dừng, đỗ an toàn.

Ông Nguyễn Văn Tuyền, xã Ba Động, cho biết: “Hàng chục năm qua hiếm khi mà chúng tôi thấy nước lũ ngập vào nhà, tràn qua đường chia cắt giao thông trên quốc lộ 24 như thế này. Mới hôm qua thôi, chúng tôi còn nghĩ nước lũ xuống, vậy mà trong đêm nay nước lũ đổ về khủng khiếp như thế”.

Trên đường đèo Vi Ô Lắc, quốc lộ 24, thuộc xã Ba Tiêu, sau một ngày lực lượng Công an Ba Tơ và chính quyền địa phương tập trung khắc phục tạm thời các điểm sạt lở thông tuyến thì do mưa lớn kéo dài đã xảy ra 8 điểm sạt lở nghiêm trọng khác. Từ Km60 đến Km67 xảy ra sạt lở đất và đá đổ xuống đường gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Lực lượng Công an bố trí các tổ chốt chặn bảo vệ an toàn cho các phương tiện không được qua lại.

Thượng úy Nguyễn Lê Viết Bão, cán bộ CSGT Công an huyện Ba Tơ, bày tỏ: “Có hàng trăm ôtô bị mắc kẹt tại huyện Ba Tơ do quốc lộ 24 nhiều điểm chia cắt. Chúng tôi phải bố trí từ đoạn giáp ranh huyện Đức Phổ để hướng dẫn các xe tìm chỗ đậu xe an toàn và tiện việc nghỉ ngơi, ăn uống”.

Lãnh đạo Công an huyện Ba Tơ cũng đã bố trí một tổ công tác rà soát các điểm nguy cơ sạt lở để đặt biển cảnh báo cho người dân qua lại trên quốc lộ 24. Trong ngày 7-11, Công an huyện Ba Tơ phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hàng chục điểm sạt lở trên quốc lộ 24, đặc biệt là đoạn đèo Vi Ô Lắc, sớm thông tuyến để các phương tiện qua lại an toàn.

Ở vùng hạ du, tại huyện Bình Sơn có trên 25.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ. Công an huyện Bình Sơn bố trí cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn bị nước lũ cô lập cung cấp lương thực mì tôm, nước suối cho người dân.

* Sáng 7-11, Công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau lũ lụt tại Trường Tiểu học An Phước và Trường THCS Trần Quốc Tuấn, xã Hòa Phong. Đây là 2 ngôi trường bị ngập nặng trong đợt lũ lụt vừa qua. CBCS Công an huyện Hòa Vang nỗ lực làm việc để dọn dẹp bùn non, giúp thầy và trò sớm ổn định trường lớp, đi học trở lại.

Anh Khoa - Hà Vy – Quốc Hải – Đức Lâm
.
.