“Sức sống mới” cho đội ngũ nhà giáo Công an nhân dân

Chủ Nhật, 22/11/2015, 09:43
Quyết liệt thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục CAND, thời gian qua, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên tại các trường CAND đã có nhiều bước tiến mới, góp phần phấn đấu xây dựng chuẩn đội ngũ theo xu hướng của giáo dục hiện đại tiên tiến. 

Đặc biệt, khi Đề án thành phần số 5 “Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các trường CAND” thuộc Đề án 1129 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020”, là hệ thống pháp lý quan trọng đã mang đến một “sức sống mới” cho đội ngũ nhà giáo CAND.

Đề án thành phần số 5 tính đến nay đã tròn 3 năm đi vào cuộc sống, đã tạo đà giúp các trường CAND xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã dành sự quan tâm sát sao, thiết thực đến đội ngũ nhà giáo, nên hầu hết những “phần việc” liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ do Tổng cục Chính trị CAND tham mưu, đề xuất, lãnh đạo Bộ đều phê duyệt với kỳ vọng công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo CAND sẽ có những “đột phá” về chất lượng. Được sự quan tâm thiết thực đó, cùng với kinh phí đầu tư, các trường CAND đều phấn khởi thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ giáo viên theo quy mô đào tạo đã được vạch ra trong Đề án.

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2015, các học viện sẽ có 30% đội ngũ giáo viên có trình độ tiến sỹ, 60% có trình độ thạc sỹ; các trường đại học có 25% đội ngũ giáo viên có trình độ tiến sỹ, 50% đội ngũ giáo viên có trình độ thạc sỹ; tại các trường cao đẳng có 5% giáo viên có trình độ tiến sỹ và 40% giáo viên có trình độ thạc sỹ.

Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo với cơ cấu hợp lý, đồng bộ sẽ là mục tiêu phấn đấu của các trường CAND.

Tính đến nay, một số cơ sở đào tạo trong lực lượng CAND đã quyết liệt thực hiện đạt tiêu chí trên, đặc biệt là hai trường đại học trọng điểm của lực lượng Công an là Học viện ANND và Học viện CSND. Mỗi năm, hai Học viện này đã bổ sung thêm hàng chục thầy cô giáo có trình độ tiến sỹ. Bên cạnh đó, Đề án thành phần số 5 đã giúp công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo CAND được thực hiện bài bản, có hệ thống và đạt kết quả tốt. Nói cách khác, đội ngũ nhà giáo CAND đã được “thụ hưởng” nhiều chương trình nâng cao trình độ từ Đề án thành phần số 5.

Theo Đại tá Trần Anh Hoài, Trưởng phòng Quản lý công tác dạy học, Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, Đề án thành phần số 5 đã hỗ trợ đào tạo cử nhân chất lượng cao, đào tạo tiếng Anh IELTS 6.0 cho hàng trăm cán bộ giáo viên các trường CAND; hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các trường, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập được cấp văn bằng chứng chỉ; đồng thời Đề án giúp mở nhiều lớp bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ công an, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc đại học, cao đẳng, trung cấp cho hàng trăm cán bộ, giáo viên và giáo viên tuyển mới tại các trường CAND. Ngoài việc học tập nghiên cứu nâng cao trình độ, các giáo viên được “thụ hưởng” từ đề án còn được tham quan, học tập tại nước ngoài. Những giáo viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ còn được Đề án hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu khoa học.

Một trong những điểm “đột phá” trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo CAND chính là các trường CAND đã quyết liệt thực hiện chủ trương luân chuyển, đi thực tế đối với giảng viên, giáo viên để cập nhật kiến thức thực tiễn phục vụ giảng dạy trong nhà trường. Thông tin từ Cục Đào tạo, Bộ Công an cho hay, hơn 10 năm qua, đã có hơn 4.600 lượt giáo viên đi thực tế và từ năm 2009 đến nay, đã có hàng trăm lượt giáo viên đi luân chuyển. Việc luân chuyển có thời hạn và cử giáo viên đi thực tế là để giáo viên trực tiếp thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ tại Công an các đơn vị, địa phương, nhằm bồi dưỡng kiến thức thực tế, nâng cao kỹ năng hoạt động thực tiễn theo chuyên môn giảng dạy, qua đó giúp người thầy rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, để vận dụng thực tiễn vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong các cơ sở đào tạo đang thực hiện luân chuyển giáo viên thì Học viện CSND là cơ sở thực hiện mạnh mẽ nhất. Chia sẻ với PV Báo CAND, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND cho biết: Chỉ riêng Học viện CSND đã có hơn 250 lượt cán bộ, giáo viên xuống cơ sở, được thực hiện ở nhiều cấp khác nhau. Trưởng, phó khoa được quy hoạch luân chuyển về ban giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an. Các giáo viên trẻ thì được luân chuyển xuống các phòng, đội của Công an các tỉnh, thành phố, làm điều tra viên, trinh sát. Đồng thời, nhiều lượt cán bộ ở Công an các địa phương cũng luân chuyển về Học viện CSND, tức là thực hiện luân chuyển hai chiều.

Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, sau thời gian luân chuyển, lăn lộn với thực tiễn, có cán bộ giảng viên còn trực tiếp tham gia các vụ án, khi trở về giảng đường, họ đã có kinh nghiệm thực tiễn nên đa phần anh em cán bộ đều phấn khởi, làm tốt công tác giảng dạy. Học viện CSND đang phấn đấu mô hình: Mỗi cán bộ giảng viên sẽ có 1/3 thời gian công tác thực hiện chế độ luân chuyển, giúp giáo viên nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, biên soạn chương trình, giáo trình bài giảng.

Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo trong lực lượng CAND phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về trình độ tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, đòi hỏi các trường CAND phải nỗ lực không ngừng, tận dụng và tranh thủ tối đa điều kiện hiện có để xây dựng đội ngũ đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước về trình độ. Như hai Học viện CSND và ANND, hiện là cơ sở trọng điểm của lực lượng Công an muốn phấn đấu đến năm 2018 trở thành cơ sở trọng điểm quốc gia phải có 400 tiến sỹ, 20 Giáo sư và 70 – 100 Phó Giáo sư…

Thu Phương
.
.