Những sửa đổi quan trọng để đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm về môi trường

Thứ Bảy, 22/07/2017, 08:44
Qua tổng kết 10 năm tình hình đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, lực lượng Công an các cấp đã tổ chức phát hiện, điều tra, khám phá trên 85.000 vụ vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, khởi tố trên 2.181 vụ, 2.987 bị can. Trong đó, lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện 73.000 vụ, 74.000 đối tượng vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 65.000 vụ, phạt tiền trên 790 tỷ đồng. 


Qua thống kê, theo dõi, các vụ vi phạm được phát hiện, chuyển khởi tố tập trung chủ yếu vào các tội danh: Vi phạm hủy hoại rừng và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Có thể thấy, số lượng vụ, việc khởi tố để điều tra so với tổng số vụ vi phạm pháp luật rất thấp (khoảng 2,6%). 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về các tội phạm về môi trường còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các quy định mang tính định tính như: “môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng”, “môi trường bị ô nhiễm rất nghiêm trọng”, “môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”… 

Do đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định mới để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tội phạm về môi trường tại Chương XIX với 12 điều, tăng 01 điều so với Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Nhiều cấu thành tội phạm được sửa từ cấu thành vật chất sang cấu thành hình thức (theo BLHS năm 1999, đa số cấu thành tội phạm của các tội phạm về môi trường là cấu thành vật chất): thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường cho thấy, việc xác định hậu quả của các tội phạm này gặp nhiều khó khăn, khó xác định được đầy đủ, chính xác. Do đó, cho dù đã có không ít trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng khó xác định chính xác về hậu quả nên đã không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Để khắc phục bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa nhiều cấu thành tội phạm của các tội phạm về môi trường từ cấu thành vật chất sang cấu thành hình thức như tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236), Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237), Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239)...

- Quy định cụ thể các yếu tố định lượng trong các cấu thành tội phạm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa các dấu hiệu “môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng”, “môi trường bị ô nhiễm rất nghiêm trọng”, “môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “chất thải nguy hại có số lượng lớn”, “chất thải nguy hại có số lượng rất lớn”, “chất thải nguy hại có số lượng đặc biệt lớn”… bằng các định lượng cụ thể về mức độ vi phạm, hậu quả của tội phạm (thiệt hại tính mạng, sức khỏe con người, tài sản).

- Quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về 09/12 tội phạm thuộc Chương các tội phạm về môi trường, bao gồm: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 239); tội huỷ hoại rừng (Điều 243); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông.

- Mở rộng phạm vi và nâng mức phạt tiền: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt tiền ở khung cấu thành tội phạm cơ bản của tất cả các tội phạm và nâng mức hình phạt tiền ở khung cơ bản lên rất cao so với quy định của BLHS năm 1999. 
Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an
.
.