Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh (27-3-1957 - 27-3-2017)

Những người lưu giữ tài liệu trên những trang hồ sơ

Thứ Ba, 28/03/2017, 08:09
“Tôi xúc động vì đã tìm lại được một phần chân dung cụ thân sinh!. Thực sự lúc ấy, tôi không biết diễn tả cảm xúc như thế nào... tôi thầm cảm ơn lãnh đạo, cán bộ Cục Hồ sơ Nghiệp vụ An ninh (NVAN) đã tận tình bảo vệ, khai thác và giữ gìn những tài liệu cực kỳ quý giá đó


Trong căn nhà nằm nép mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, những sẻ chia của bác Trần Tiến Anh, trú tại phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên (Hà Nội), một người con muốn tìm về cội nguồn, truyền thống của gia đình đưa chúng tôi trở lại câu chuyện nhiều năm về trước.

“Khi cụ thân sinh qua đời, tôi mới 16 tháng tuổi, không nhớ được mặt cha. Những câu chuyện tôi biết về cha đều do người thân và bạn bè của ông kể lại...”, giọng bùi ngùi, bác Trần Tiến Anh kể lại.

Cùng với thời gian, mong mỏi ấy cũng lớn dần theo năm tháng, bác Tiến Anh cho biết: Vào thời điểm đó, những người bạn chiến đấu, những người gần gũi với bố đẻ của bác đã cung cấp cho gia đình nhiều hồ sơ bằng bản viết tay, bằng những câu chuyện kể... sau này cũng có một số nhà xuất bản đã in các bài viết về cha bác nhưng thông tin vẫn chưa đầy đủ.

Trong hành trình rong ruổi đi tìm chân dung của người cha, bác Tiến Anh tự đặt câu hỏi cho chính mình, một người như cha bác thì chắc chắn nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương trước năm 1945 sẽ có hồ sơ về ông. Suy nghĩ đó đã thôi thúc bác đi tìm thông tin về người cha. Và rồi sự tình cờ đã đưa bác đến với Thiếu tướng Trương Công Long, Cục trưởng Cục Hồ sơ NVAN...

Những người lính hồ sơ góp phần thầm lặng làm nên những cuộc đoàn viên trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

... Trong lá đơn gửi đến Cục Hồ sơ NVAN, bác Tiến Anh đề nghị cung cấp thông tin về quá trình hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày trước năm 1945 của cha đẻ tên là Trần Tố Chấn (còn có tên gọi khác là Trần Văn Chân, Ngô Văn Anh, Lý Minh, SN 1902, nguyên quán làng Phú Nhuận, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; họ tên cha Trần Tố Khoang, họ tên mẹ là Hoàng Thị Bá). Nguyện vọng của bác là nhờ Cục Hồ sơ NVAN sưu tầm, cung cấp bản sao hồ sơ theo dõi của người cha do nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương lập, làm tài liệu truyền thống của gia đình.

Tình cảm của người con hiếu thảo đối với cha đã thôi thúc cán bộ Cục Hồ sơ NVAN tỉ mỉ nghiên cứu từng trang tài liệu. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Đào Thị Thu Trang, cán bộ duy nhất có thể đọc được hồ sơ bằng tiếng Pháp cổ đến thời điểm này cho biết: Trên cơ sở các thông tin được cung cấp, chị bắt đầu cuộc tìm kiếm.

Trong thời gian hoạt động cách mạng, hầu hết các cán bộ đều sử dụng tên và địa chỉ giả nên việc tra cứu phải tiến hành một cách tỉ mỉ. Để tìm được một dữ liệu, phải tra cứu trên nhiều tàng thư mới tìm ra mối liên hệ. Hồ sơ của gia đình bác Trần Tiến Anh nằm trong tàng thư đặc biệt quan trọng... trước một tập hồ sơ dày cộm, chị vừa đọc, lại phải chắt lọc thông tin lâu hơn so với các tài liệu khác để có kết quả trả lời cho gia đình.

Bác Tiến Anh nói: "Tôi xúc động vì đã tìm lại được một phần chân dung cụ thân sinh!. Thực sự lúc ấy, tôi không biết diễn tả cảm xúc như thế nào... tôi thầm cảm ơn lãnh đạo, cán bộ Cục Hồ sơ Nghiệp vụ An ninh (NVAN) đã tận tình bảo vệ, khai thác và giữ gìn những tài liệu cực kỳ quý giá đó. Tôi cho đây là công việc khó khăn, tỉ mỉ, không kém phần gian khổ mà cao quý và rất đáng tự hào. Nhân đây, cho tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Cục Hồ sơ NVAN...”.

Lúc chúng tôi đến đã cuối giờ chiều nhưng các phòng làm việc của Cục Hồ sơ NVAN vẫn sáng đèn. Để đáp ứng yêu cầu công việc, đơn vị đã bố trí cán bộ làm việc ngoài giờ hành chính nhằm nghiên cứu, khai thác các loại hồ sơ, phát hiện các dấu hiệu nghi vấn; chủ động biên tập các thông tin về lai lịch, hoạt động của các cá nhân, tổ chức thể hiện trong hồ sơ thu được, cung cấp cho các đơn vị xác minh.

Ngoài công tác chuyên môn, Cục Hồ sơ NVAN còn phục vụ các yêu cầu khác như đã biên dịch, biên tập, trả lời, xác nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng cho thân nhân các gia đình có người thân hoạt động cách mạng để thực hiện chính sách người có công; biên tập, cung cấp thông tin cho Ban Quản lý di tích Bảo tàng nhà tù Côn Đảo, Đài Truyền hình Việt Nam (chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly)... đã cung cấp hàng nghìn trường hợp có thân nhân mất tích, lưu lạc trong chiến tranh.

Xuân Mai
.
.