Những người lính cầm bút

Thứ Sáu, 17/06/2016, 08:51
Hoạt động báo chí, xuất bản trong CAND đã góp phần không nhỏ trong giữ gìn An ninh quốc gia (ANQG), trật tự an toàn xã hội (TTATXH). Những nhà báo, biên tập viên … mặc sắc phục đã tạo nên chỗ đứng riêng trong làng báo chí, xuất bản của nước nhà.

Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như những chỉ đạo, định hướng của Bộ Công an đã được những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng truyền tải linh hoạt qua các phương tiện truyền thông, qua những trang sách.

Báo Công an nhân dân - cơ quan của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an là một trong những cơ quan báo chí trực thuộc Tổng cục Chính trị CAND. Phát hành số đầu tiên ngày 1-11-1946, đến nay Báo CAND tròn 70 năm tuổi. Với tên gọi ban đầu là “Công an mới”, ngay từ khi mới ra đời, ấn phẩm này đã trở thành công cụ sắc bén của chính quyền cách mạng non trẻ. 

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tòa soạn “Công an mới” sơ tán lên chiến khu Việt Bắc và đổi tên thành “Rèn luyện”. “Rèn luyện” khi đó tiếp tục vạch trần âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của địch, tuyên truyền phong trào thi đua ái quốc…

Là một người cầm bút sinh ra trong thời bình, lần đầu tiên tôi “tiếp xúc” với “Rèn luyện” trong kho lưu trữ của Bảo tàng CAND. Cảm giác lật giở những trang báo được xuất bản ở chiến khu, trong điều kiện vật chất thiếu thốn vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi. Chất liệu giấy, font chữ, cách trình bày… đã nói lên tuổi tác của hiện vật này. 

Tôi đọc kỹ bài “Căm thù” đăng trên “Rèn luyện” số Xuân 1948. Đây không chỉ là một bài báo thông thường, mà còn là một hiện vật bảo tàng, một di vật, là căn cứ pháp lý. Nhân vật trong bài viết là nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt. Chiến sỹ này đã hy sinh anh dũng dưới sự chứng kiến của những người đồng chí ngay tại Trại giam Hỏa Lò được tác giả ký tên P miêu tả sinh động. Thông qua công tác bảo tàng và gặp gỡ các nhân chứng, chị Nguyễn Thị Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng CAND lúc đó cho biết, sự hy sinh của nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt chưa được tôn vinh xứng đáng vì vẫn chưa tìm được thân nhân. 

Cùng thời điểm đó, tôi đang thực hiện chuyên mục “Tìm tên cho liệt sỹ khuyết danh” trên Báo CAND nên chị Tuấn muốn tôi quan tâm đến di vật đặc biệt này. Sau khi đọc bài viết, tôi bị ám ảnh về sự hy sinh của nữ chiến sỹ đang tuổi xuân xanh, về lý do chưa tìm được thân nhân. Và câu chuyện liên quan đến nhân vật trong bài viết trên nội san “Rèn luyện” đã có hậu khi năm 2014, chị Nguyệt được truy tặng liệt sỹ. Và cũng trong năm này, tôi và các anh chị em cán bộ của Bảo tàng CAND đã về quê của chị ở xã Bảo Tàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên để thắp nén tâm nhang.

Nhắc lại câu chuyện trên để thấy, ngay từ những năm đầu mới thành lập, Báo CAND đã phát huy vai trò là cơ quan tuyên truyền về cuộc sống, chiến đấu của người chiến sỹ cũng như đóng góp của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Năm 1965, nội san “Rèn luyện” đổi tên thành tuần Báo CAND. Từ đây, Báo CAND trở nên quen thuộc với độc giả trong và ngoài lực lượng CAND. Bước vào thời kỳ đổi mới, Báo CAND phát hành công khai, rộng rãi trong cả nước. Những ấn phẩm của Báo trở thành món ăn tinh thần quen thuộc với nhiều độc giả. Ngoài ấn phẩm Báo CAND hằng ngày, Báo còn có các chuyên đề: An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Văn nghệ Công an, CAND online…

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND trao chăn ấm và máy sấy bát tặng Trường Mầm non Song Giang, Bắc Ninh (tháng 9-2015).

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND cho biết: Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Chính trị CAND, cơ quan của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, Báo CAND có chức năng tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quyết định của Bộ Công an về lĩnh vực ANQG, TTATXH và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, tinh nhuệ. Và từng bước chính quy hiện đại. Thông tin kịp thời tình hình thời sự trong nước, quốc tế; các hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước. 

Thời gian gần đây, Báo có những hoạt động nổi bật như: Tuyên truyền giáo dục chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an được xã hội và bạn đọc quan tâm; đấu tranh sắc bén, hiệu quả chống “Diễn biến hòa bình” và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; dám nghĩ, dám làm, làm chịu trách nhiệm, tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả chống tiêu cực tham nhũng và các loại tội phạm; đi đầu trong công tác tuyên truyền phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… 

Đặc biệt, Báo CAND còn thường xuyên tổ chức vận động và làm công tác Xã hội từ thiện. Chỉ từ năm 2011 -2015, Báo đã vận động và trao 47 tỷ đồng từ thiện với các hoạt động cụ thể như: xây nhà tình nghĩa, giúp học sinh khó khăn, trao quà cho người nghèo… Các thế hệ làm Báo CAND đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết để xây dựng đơn vị thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện theo định hướng của Trung ương và Chính phủ.

Phủ sóng rộng khắp toàn quốc, phát sóng 24/24h, đặc biệt có những chuyên mục “hot” như: Camera giấu kín; Phía sau bản án; Hành trình phá án; Giai điệu bạn bè, Sao&Sao…, Truyền hình ANTV hiện đang là kênh có số lượng người xem rất lớn. Tuy mới thành lập, nhưng những người đặt nền móng và những cán bộ, phóng viên hiện nay đã nỗ lực không ngừng để khán giả ngày càng thêm gắn bó với ANTV. Ngày 11-11-2011, kênh ANTV chính thức ra mắt khán giả cả nước, ghi thêm một dấu son vào lịch sử phát triển báo chí CAND.

Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên kênh ANTV luôn quán triệt sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND, bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ An ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Đồng thời, phản ánh kịp thời tin tức, thời sự trong nước và thế giới. 

Kênh ANTV cũng luôn nhanh nhạy trong việc đưa thông tin về kết quả đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, các quan điểm sai trái, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, gương người tốt, việc tốt... Đồng thời, phản ánh nhanh chóng các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa được dư luận quan tâm. 

Để có những thông tin thời sự cập nhật, kênh ANTV đã xây dựng tốt mạng lưới cộng tác viên tại Công an các tỉnh, thành phố và các đài truyền hình khác. Đây là lực lượng sản xuất chiến lược, quyết định sự thành công của các bản tin thời sự hằng ngày. Số lượng tác phẩm của cộng tác viên ở các đơn vị địa phương luôn chiếm tỷ lệ lớn trong các bản tin thời sự hàng ngày là minh chứng rõ nét nhất trong việc kết nối thành công mạng lưới cộng tác viên của ANTV.

Phóng viên ANTV tác nghiệp tại đảo Phan Vinh (Trường Sa, tháng 5-2013). Ảnh: Duy Hiển 

Cùng nằm trong hệ thống báo chí CAND, Tạp chí CAND lại có đặc thù riêng. Đây là cơ quan lý luận, chính trị, pháp luật, nghiệp vụ của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an. 

Theo PGS.TS Trần Vi Dân, Tổng Biên tập, các bài viết của Tạp chí phục vụ cho công tác lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác đảm bảo ANQG, TTATXH; công tác lãnh đạo, chỉ huy trong CAND với các mặt công tác Công an; góp phần quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện lý luận CAND cũng như phát triển khoa học. 

Tạp chí CAND cùng với báo chí CAND là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh phòng chống sự chống phá của các thế lực thù địch, tự diễn biến, tự chuyển hóa, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, xây dựng đất nước vững mạnh.

Được biết, trong 52 năm xây dựng và trưởng thành, Tạp chí CAND ngày càng vững mạnh với đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên có trình độ chuyên môn tốt. Tạp chí có 100% cán bộ chiến sỹ có trình độ đại học và trên đại học, với 1 PGS, 3 tiến sỹ, 15 thạc sỹ, 6 nghiên cứu sinh. 

Hiện nay, công tác đào tạo chuyên sâu đang được Đảng ủy, Ban Biên tập Tạp chí chú trọng, trong đó phấn đấu đào tạo biên tập viên vừa là nhà báo, vừa là chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động của mình. Năm 2020, Tạp chí phấn đấu chuẩn hóa căn bản đội ngũ lao động theo hướng từ Trưởng ban trở lên có học vị Tiến sỹ. 

Mỗi tháng Tạp chí CAND xuất bản 2 ấn phẩm nội bộ phục vụ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, Công an địa phương và 1 ấn phẩm chuyên đề An ninh xã hội phục vụ hệ thống chính trị cơ sở. Hiện nay, Tạp chí đang có đề án phát triển phiên bản điện tử chuyên đề An ninh xã hội.

Công tác xuất bản trong CAND những năm qua cũng có nhiều khởi sắc. Nhà văn, Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND cho biết, cùng với NXB CAND, hệ thống xuất bản CAND cho ra đời nhiều sách truyền thống. Hằng năm, NXB CAND đều tổ chức hội nghị  về xuất bản CAND để tổng kết về công tác này.

Các bạn trẻ tham quan gian trưng bày sách của Nhà xuất bản CAND. Ảnh: Xuân Trường.

Trong 35 năm qua, riêng NXB CAND đã cho ra đời 13.000 đầu sách. Trung bình mỗi năm xuất bản 350-400 đầu sách. Đó là các đầu sách đi sâu vào các chủ đề: Tổng kết kinh nghiệm xương máu của lực lượng CAND trong hơn 70 năm qua; kinh nghiệm của quần chúng nhân dân trong phòng chống tội phạm, bảo vệ ANQG, TTATXH. Tiêu biểu phải kể đến bộ sách mà NXB CAND phối hợp với Viện Chiến lược CAND về các Bộ trưởng Công an qua các thời kỳ được xuất bản năm 2015. 

Sách giáo trình của của học viện, trường học trong CAND cũng được Nhà xuất bản này in ấn với số lượng lớn. Bên cạnh đó, NXB CAND còn quy tụ các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an tham gia cuộc vận động sáng tác đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”. Qua đây, đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị về hình tượng người chiến sỹ Công an. 

Hiện nay, NXB CAND chuẩn bị ra mắt sách điện tử, số hóa toàn bộ kho dữ liệu trong 35 năm qua. Nhờ ứng dụng công nghệ này, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Công an và độc giả dễ dàng tiếp cận hệ thống sách của NXB. 

Những người cầm bút trong lực lượng CAND cùng sinh hoạt trong Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an. Họ đã và đang đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc đấu tranh bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH. Thông qua các ấn phẩm, báo chí, xuất bản CAND đang thực hiện tốt vai trò là cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an.

Cao Hồng
.
.