Ngăn ngừa thiệt hại cháy, nổ tại các khu công nghiệp

Thứ Hai, 24/02/2020, 10:57
Thống kê từ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, 10 Cụm công nghiệp đưa vào hoạt động nhưng chưa thi công hoàn thiện các hạ tầng cấp nước, trang thiết bị về PCCC đầy đủ theo quy định…

Theo Phòng Cảnh sát  Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh Ninh Bình, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, triển khai sản xuất, kinh doanh, một số khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác PCCC. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều khu, cụm công nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC.

Thống kê từ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình quy hoạch 7 khu công nghiệp, đã có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng số 68 cơ sở. Tuy nhiên mới có Khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn là được thẩm duyệt về PCCC và đầu tư hạ tầng được 90% hạng mục về PCCC theo thiết kế. 10 Cụm công nghiệp đưa vào hoạt động nhưng chưa thi công hoàn thiện các hạ tầng cấp nước, trang thiết bị về PCCC đầy đủ theo quy định… 

Đơn cử, KCN Khánh Cư (huyện Yên Khánh) đang thi công dở dang, các khu công nghiệp còn lại chưa được thẩm duyệt về PCCC. Ngoài ra, trong số cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, chỉ có 2 cụm công nghiệp là Gia Phú (huyện Gia Viễn) và Khánh Thượng (huyện Yên Mô) đã thực hiện thẩm duyệt về PCCC; 1 cụm công nghiệp Gia Vân (huyện Gia Viễn) đang tiến hành thi công hạ tầng và lắp đặt thiết bị PCCC; còn lại các khu, cụm công nghiệp chưa được thẩm duyệt về PCCC.

Phóng viên chúng tôi được các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đưa đi thực tế tại một công ty TNHH chuyên sản xuất kinh doanh đồ nhựa. Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện hàng hóa sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn đến các tủ điện, ổ điện. Thậm chí, chắn cả lối thoát nạn. 

Bình chữa cháy đã không còn sử dụng được nhưng không một ai quan tâm, thay thế. Những thói quen này, chính là những nguyên nhân trực tiếp có thể gây ra cháy và khiến cho công tác chữa cháy, CNCH gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng lại là những vi phạm khá phổ biến tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Trung tá Phạm Văn Thành, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, có rất nhiều cơ sở, chủ doanh nghiệp do bận nên thiếu quan tâm, chú trọng công tác PCCC. Đến khi Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH  đến kiểm tra vẫn phát hiện lỗi vi phạm mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở. Trong những trường hợp này, chúng tôi sẽ cho thời hạn cụ thể để các đơn vị này khắc phục, thực hiện các kiến nghị. 

Nếu quá thời hạn, vẫn chưa thực hiện hoặc để vi phạm kéo dài thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Đây là một trong những biện pháp mạnh được đưa ra để chấn chỉnh công tác PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ trực tiếp có thể gây ra cháy nổ. Qua công tác kiểm tra, rà soát, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cũng đã lập 39 biên bản, xử phạt vi phạm hành chính hơn 200 triệu đồng đối với các cơ sở sản xuất trong Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy nổ, đảm bảo an toàn tại các khu, cụm công nghiệp, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác PCCC trong các KCN; rà soát, lập danh sách và phân loại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để quản lý... 

Trong khi chờ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị về PCCC tại các khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở tại các đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. 

Trong đó chú trọng tổ chức tuyên truyền, tập huấn, tổ chức diễn tập cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng dễ cháy như may mặc, hóa chất, xăng dầu… và xây dựng phong trào thi đua “Toàn dân tham gia PCCC” tại các KCN để nâng cao nhận thức về công tác PCCC cho người đứng đầu các cơ sở và công nhân lao động.

Theo Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Ninh Bình, sau khi xử phạt thì các chủ doanh nghiệp đã nhận ra lỗi vi phạm về PCCC, tổ chức khắc phục ngay những thiết sót mà cơ quan PCCC đã chỉ ra. 

Qua xử phạt cũng như tuyên truyền, các chủ doanh nghiệp cũng thấy được việc đảm bảo an toàn PCCC chính là bảo vệ tài sản cho chính họ. Quan trọng nhất là chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp và người lao động cần tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ không đạt hiệu quả cao nếu chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp, mà rất cần sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, ý thức trách nhiệm của các chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ sẽ ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp.

Minh Hiền
.
.