Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Thứ Bảy, 21/03/2015, 11:07
Trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phòng cháy, chữa cháy (PCCC), yếu tố tại chỗ luôn giữ một vai trò quan trọng mang tính chất quyết định, trong đó không thể thiếu vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu.

Trong những năm qua, một bộ phận người đứng đầu đã phát huy được tính sáng tạo, chủ động tổ chức có hiệu quả công tác ATVSLĐ và PCCC tại cơ sở, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều đơn vị, cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm đến công tác này để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Vì vậy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ và PCCC là một yêu cầu khách quan, tất yếu phục vụ mục tiêu xây dựng một nền sản xuất phát triển bền vững.

Kết quả các cuộc điều tra cho thấy người đứng đầu cơ sở, người sử dụng lao động đã ngày càng quan tâm hơn đến điều kiện làm việc của người lao động, chính người lao động cũng có ý thức bảo vệ mình, nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn lao động, PCCC.

Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp đã ban hành và tổ chức thực hiện các nội quy, quy định, điều kiện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN). Chỉ tính trong 2 năm (2013 – 2014), trung bình mỗi năm, tần suất lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất giảm 5%; tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động; trung bình hằng năm tăng thêm 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống ATVSLĐ.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra an toàn PCCC tại Công ty cổ phần May Bắc Giang.

Hằng năm trên 40.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, 10.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 40.000 cán bộ làm công tác ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Theo số liệu thống kê, năm 2014 cả nước đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, làm 6.943 người bị nạn, trong đó có 630 người chết, 1.544 người bị thương nặng, thiệt hại về tài sản hàng trăm tỷ đồng...

Người đứng đầu, người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ về an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động...

Khi xảy ra tai nạn lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố tình không khai báo để trốn tránh trách nhiệm. Về phía người lao động do không được trang bị những kiến thức về an toàn lao động dẫn đến vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.v.v...

Qua khảo sát các vụ cháy lớn cho thấy, hầu hết các cơ sở đều vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn PCCC mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở như sử dụng sai công năng so với thiết kế ban đầu, tự ý cải tạo, cơi nới để mở rộng sản xuất, kinh doanh… dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện an toàn PCCC; không đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn PCCC; chưa thực hiện tốt công tác phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng chữa cháy nên khi cháy xảy ra không có lực lượng, phương tiện tại chỗ phát hiện, báo cháy và tổ chức chữa cháy; có nơi có thành lập lực lượng, trang bị phương tiện PCCC nhưng lực lượng tại chỗ lại không biết sử dụng vì chưa được huấn luyện về PCCC…

Trong số trên 200.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thì có tới trên 30% cơ sở chưa xây dựng đội PCCC tại chỗ. Hầu hết các vụ cháy lớn ở các cơ sở thường xảy ra vào thời điểm giao ca và ngoài giờ hành chính, khi công tác tuần tra, trực gác bị lơ là. Trong thời điểm này, hầu hết các cơ sở thường chỉ bố trí từ 1 đến 2 nhân viên bảo vệ nên khi cháy xảy ra không đủ lực lượng để triển khai chữa cháy, sơ tán tài sản…

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ – PCCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm bảo vệ thành quả sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân và sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Trong thời gian tới, để người đứng đầu phát huy cao thẩm quyền và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ và PCCC, phải thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều biện pháp phong phú, nội dung sâu sắc nhằm tác động vào nhận thức của người đứng đầu cơ sở trong việc chấp hành và thực thi pháp luật; nêu cao lợi ích và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức và duy trì hoạt động có hiệu quả các biện pháp ATVSLĐ và PCCC; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ và PCCC thông qua việc thực hiện nghiêm Luật Lao động, Luật PC&CC.

Đồng thời, để nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, cần kiên quyết xử phạt nghiêm đối với những hành vi vi phạm các quy định, quy trình ATVSLĐ và PCCC; làm rõ trách nhiệm cá nhân và đưa ra truy tố trước pháp luật đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định ATVSLĐ và PCCC gây hậu quả nghiêm trọng…

Trong năm 2014, sau một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã thành lập nhiều đoàn công tác do lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra công tác an toàn PCCC tại nhiều cơ sở trọng điểm về cháy nổ, tiêu biểu là Công ty cổ phần May Bắc Giang, một doanh nghiệp may mặc lớn của tỉnh Bắc Giang có những vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn PCCC và thoát nạn.

Thông qua công tác kiểm tra, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã chuẩn y kết luận của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bắc Giang, ra kết luận đình chỉ hoạt động một số hạng mục công trình thuộc Công ty cổ phần May Bắc Giang, trong đó nêu rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ sở trong các vi phạm, thiếu sót về PCCC và kiên quyết yêu cầu khắc phục…

Để phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, cần tổ chức nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về ATVSLĐ - PCCN phù hợp với tình hình mới; quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức và duy trì công tác ATVSLĐ – PCCN ở cơ sở.

Bản thân người đứng đầu, người sử dụng lao động cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ – PCCN theo quy định; xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về ATVSLĐ – PCCN cho cả năm, từng quý, tháng phù hợp với cơ quan, đơn vị mình và thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện; chủ động đánh giá rủi ro, có biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ tại nơi làm việc…

Mỗi người lao động chủ động tham gia cùng người đứng đầu, người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp; tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình và cộng đồng, tránh khỏi các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ...

Thiếu tướng, TS Đoàn Việt Mạnh (Cục trưởng Cục Cảnh sát & CNCH)
.
.