Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm

Thứ Sáu, 18/12/2020, 20:14
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) tổ chức Hội nghị về tăng cường đấu tranh với vi phạm pháp luật về vật liệu nổi, dự án sản xuất căn cước công dân…


Chiều 18/12, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH)  tổ chức Hội nghị chuyên đề về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; triển khai Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo và quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về dân cư) và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD). Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì Hội nghị.

Đảm thông tin dân cư chính xác

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH được Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở DLQG về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD toàn quốc. Quá trình triển triển khai đến nay, 2 dự án bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng được Chính phủ, Bộ, ban, ngành đánh giá cao.  

Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, Cục đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 để chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Kết quả thực hiện, đến nay về cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc; triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”; đã tiến hành thu thập thông tin và nhập phiếu, đến nay cơ bản đã hoàn thành, nghiệm thu kết quả nhập liệu và kiểm tra, phúc tra, đối sánh với các cơ sở dữ liệu khác, bảo đảm chính xác thông tin của từng công dân trước khi đi vào hoạt động; phối hợp với Bộ Tư pháp cấp và trả thành công hơn 4,8 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ ngày 1/1/2016 trên toàn quốc.

Thẻ CCCD có gắn chíp có tính ưu việt, đảm bảo an ninh an toàn thông tin.

Việc bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, theo hệ thống CSDLQG về dân cư được xây dựng với yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4 đối với thông tin quan trọng quốc gia theo quy định tại Nghị định số 85 của Chính phủ; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ áp dụng giải pháp bảo mật, cơ yếu, xác thực/ký số toàn vẹn dữ liệu.

Hoàn thành việc thiết kế chi tiết hệ thống phần mềm; thiết kế hệ thống mạng truyền dẫn và thiết bị tại địa phương; thiết kế hạ tầng trung tâm dữ liệu DC, DR tại Hà Nội và TP HCM, dự toán dự án, điều chỉnh thiết kế sơ bộ…

Với thiết kế của dự án, có thể tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua trục tích hợp quốc gia (NGSP); tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia cho phép khai thác CSDLQG về dân cư thông qua kết nối Internet, đồng thời có khả năng tích hợp và liên thông với các hệ thống của các quốc gia khi có yêu cầu.

Thượng tá Tô Anh Dũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của 2 dự án.

Ngày 1/7/2021 hoàn thành dự án và cấp CCCD

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục QLHC về TTXH nêu rõ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1368 ngày 3/9/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, ngày 8/9, Bộ Công an đã bổ sung nhiệm vụ của Ban chỉ đạo dự án dân cư để chỉ đạo thống nhất 2 dự án, đồng thời triển khai Kế hoạch 389 để thực hiện.

Trong đó, xác định 9 nhóm nhiệm vụ với 55 công việc cụ thể và các mốc thời gia hoàn thành, phấn đấu đến ngày 1/7/2021 hoàn thành dự án và cấp CCCD cho toàn bộ công dân Việt Nam đủ độ tuổi.  Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép, tận dụng hạ tầng giữa 2 Dự án CSDLQG về dân cư và CCCD bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và chỉ đạo khẩn trương triển khai các gói thầu theo đúng quy định của pháp luật. Xây dựng, phê duyệt thiết kế hệ thống CCCD theo mô hình kế thừa đảm bảo tận dụng tối đa hiệu quả từ hệ thống CSDLQG về dân cư.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt mẫu Thẻ CCCD mới theo thẩm quyền. Thẻ CCCD có nhiều điểm mới so với thẻ căn cước cũ, trong đó đáng lưu ý là việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin liên quan, đồng thời thay thế việc lấy dấu vân tay phẳng bằng vân tay lăn.

Về sinh trắc học, tiến hành thu nhập 1 ảnh chân dung đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo chuẩn ISO/ICAO, lưu trữ ảnh gốc (chưa qua xử lý) được nén dưới chuẩn JPEG-2000 hoặc JPEG để có thể sử dụng trong công tác giám định và thu nhận vân tay trong công tác cấp, quản lý CCCD phục vụ công tác đấu tranh truy nguyên, truy tìm, phòng, chống tội phạm.

Nghiên cứu, sản xuất thẻ CCCD mới với thiết kế mỹ quan, mang yếu tố lịch sử, truyền thống, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhất là bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của chíp điện tử, tích hợp ứng dựng, lưu trữ, sử dụng thông tin trong chíp điện tử trên thẻ CCCD, đồng thời đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ xây dựng giải pháp bảo mật cho thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Theo đó, khi công dân bị mất thẻ CCCD, rơi vào tay đối tượng sẽ bị vô hiệu hóa, các đối tượng không thể khai thác, sử dụng hoặc hoạt động phạm tội.  

Công an tỉnh Hòa Bình thu thập, phúc tra kiểm tra thông tin công dân tại xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi.

Ngăn chặn tình trạng đốt pháo tràn lan

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 36 của Chính phủ, công tác quản lý, sử dụng pháo đã đạt được những kết quả tích cực. Các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháp trái phép đã được ngăn chặn, kiềm chế, nhận thức, ý thức chấp hành của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt; tình trạng đốt pháo tràn lan ở khu vực đô thị, khu dân cư và khu công cộng được ngăn chặn kịp thời.

Theo số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay, các lực lượng chức năng đã vận động nhân dân giao nộp hơn 30 tấn pháo các loại; phát hiện, bắt giữ hơn 20.000 vụ, với hơn 23.000 đối tượng, thu hơn 369 tấn pháo các loại.

Cùng với đó, kết quả triển khai, thực hiện Kế hoạch số 105 của Bộ Công an đối với  quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có bước tiến mạnh, đạt hiệu quả với nhiều điểm đổi mới, xác định đúng 4 nhóm đối tượng, hình thành phương châm, nguyên tắc vận động thu hồi và đấu tranh với từng nhóm.

Qua đó, 9 tháng cao điểm đã thu hồi hơn 24 nghìn khẩu súng các loại (so với năm 2019 tăng gấp 10 lần); trên 101 nghìn viên đạn các loại; hơn 2 nghìn lự đạn, bom, mìn, đầu đạn; trên 16 nghìn kg thuốc nổ… hơn 9 nghìn công cụ hỗ trợ, trên 28 nghìn vũ khí thô sơ và trên 2 nghìn linh kiện để lắp ráp vũ khí.

Đáng chú ý, 5 thành phố lớn như: TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã vận động thu hồi được 860 khẩu súng các loại…

Minh Hiền
.
.