Một ngày với những người làm công tác cứu hỏa

Thứ Sáu, 04/10/2019, 08:24
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm thông tin chỉ huy, Công an TP Hà Nội những ngày đầu tháng 10. Nơi đây được biết tới là đầu mối thu thập, xử lý thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, giúp Ban Giám đốc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả các mặt, lĩnh vực công tác Công an, trong đó có công tác chữa cháy, CNCH.


Sau khi Công an TP Hà Nội xây dựng hệ thống cập nhật, lưu trữ toàn bộ dữ liệu về an ninh trật tự (ANTT) và đưa vào sử dụng Bản đồ số về ANTT tại Trung tâm thông tin chỉ huy, hiệu quả hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp được nâng lên rõ rệt. Nhất là trong nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã rút ngắn đáng kể thời gian huy động lực lượng, phương tiện tới hiện trường nơi sự cố xảy ra ngay khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân.

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm thông tin chỉ huy, Công an TP Hà Nội những ngày đầu tháng 10. Nơi đây được biết tới là đầu mối thu thập, xử lý thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, giúp Ban Giám đốc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả các mặt, lĩnh vực công tác Công an, trong đó có công tác chữa cháy, CNCH.

Việc tiếp nhận thông tin báo cháy và điều động lực lượng, phương tiện được những người lính nơi đây xử lý kịp thời, chính xác, là một trong những yếu tố quyết định trực tiếp tới hiệu quả công tác chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Thủ đô.

Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC Công an quận Ba Đình kiểm tra phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Chỉ tay lên tấm bản đồ thành phố được hiển thị trên màn hình lớn của Trung tâm, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng, Trung tâm Thông tin chỉ huy, Công an TP Hà Nội lấy ví dụ về một vị trí được anh vừa xác định là nơi xảy ra cháy nổ, sự cố cần cứu nạn cứu hộ. Ngay sau đó, khoảng cách, tuyến đường từ các đơn vị chữa cháy gần nhất tới điểm cháy được hiển thị cụ thể trên bản đồ.

Ngoài ra, còn hiển thị báo một số nội dung trong đó có quân số, phương tiện thường trực chiến đấu đang có tại đơn vị. Vị trí các nguồn nước phục vụ chữa cháy, lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ xung quanh các tuyến đường từ các đơn vị chữa cháy tới điểm cháy…

Theo Trung tá Nguyễn Trung Kiên, từ cơ sở các thông tin cơ bản đó, sỹ quan tác chiến tại Trung tâm thông tin chỉ huy sẽ điều động xe chữa cháy tới hiện trường đảm bảo chính xác và khẩn trương. Theo đó, yêu cầu trung bình thời gian tiếp cận hiện trường là 5 phút ngay sau khi nhận được tin báo. Bên cạnh báo cho lực lượng chữa cháy, sỹ quan trực sẽ thông báo lực lượng Cảnh sát 113, Công an phường xuống địa bàn, đồng thời cũng sẽ thông báo cho lực lượng CSGT mở đường cho xe chữa cháy, làm sao đảm bảo tuyến đường thông thoáng nhất, giúp xe chữa cháy tiếp cận hiện trường được nhanh nhất, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Ngoài ra, Trung tâm thông tin chỉ huy cũng sẽ báo các lực lượng hỗ trợ khác, chi viện tại các quận, huyện nơi xảy ra cháy như lực lượng Cảnh sát trật tự bảo vệ hiện trường, phối hợp bên điện lực, y tế… điều động chính xác tới hiện trường dựa trên những thông tin, phương án tác chiến đã xây dựng trên bản đồ số…

Đối với những vụ cháy có tính chất nghiêm trọng, từ trung tâm thông tin chỉ huy, các phương án tác chiến sẽ được triển khai nhanh chóng, tận dụng từng giây, từng phút để cứu người. Rất nhiều lực lượng, phương tiện tập trung cao độ, tham gia chi viện và trực tiếp chiến đấu. Những tin báo kịp thời từ quần chúng nhân dân thực sự rất quý giá trong cuộc chiến bảo vệ tài sản, giành lại tính mạng cho người bị nạn…

Thế nhưng, bên cạnh đó, những tin báo giả vẫn thường xuyên được chuyển đến tổng tài 114, và theo Trung tá Nguyễn Trung Kiên, điều này gây khó khăn, làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an.

Theo dữ liệu tại Trung tâm thông tin chỉ huy cho thấy, bình thường trong một tuần, đơn vị nhận được cuộc gọi 114 báo cháy trên dưới 4.000 cuộc gọi, trong đó có khoảng 200 tin liên quan đến công tác cháy nổ. Nhiều cuộc gọi đến chỉ bật nhạc…, trêu đùa người trực tổng đài.

“Họ không biết rằng chỉ 1, 2 phút trêu đùa đấy, đối với công tác PCCC, có thể chi viện, điều động phương tiện để cứu người ra khỏi ranh giới của sự sống và cái chết…” - Trung tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ về ý thức kém của một số người cố tình gọi điện thoại tới tổng đài nhằm mục đích trêu đùa.

Để nhận biết các tin báo cháy thật hay giả, tất cả các cán bộ của Trung tâm thông tin chỉ huy đều phải dùng kinh nghiệm và các câu hỏi nghiệp vụ kiểm tra. Theo một cán bộ ở đây, thường nếu xảy ra cháy thật, cùng một thời điểm đơn vị sẽ tiếp nhận liên tục vài cuộc điện thoại báo có cháy một lúc, giọng người dân cũng sẽ rất hoảng hốt…

Đêm 1-10, chúng tôi có mặt tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC Công an quận Ba Đình, Công an TP Hà Nội. Lúc này, dù khá muộn nhưng công tác ứng trực thâu đêm được cán bộ, chiến sỹ đơn vị duy trì rất nghiêm túc. Những chiếc xe chữa cháy, xe chỉ huy, xe cứu nạn được đỗ ngay ngắn luôn trong tình trạng sẵn sàng khi có thông tin báo cháy.

Dù đang là nửa đêm nhưng khi có thông tin báo cháy từ Trung tâm, theo Trung tá Hoàng Hà Trung, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình, chỉ được trong vòng hơn 1 phút là cán bộ, chiến sỹ phải bật dậy, trang bị quân trang nhanh chóng và có mặt trên xe chữa cháy xuất phát tới hiện trường. Nhiều trường hợp anh em đang tắm, xà phòng đang vẫn còn trên đầu chưa kịp xả.

Sau mỗi vụ hỏa hoạn, những chiếc xe chữa cháy trở về trụ sở sẽ được cán bộ, chiến sỹ kiểm tra cẩn thận các thiết bị phương tiện, trang bị nước đầy đủ, sẵn sàng cho những lần chiến đấu với “giặc lửa” kế tiếp. Ngoài ra, đơn vị cũng luôn duy trì nghiêm túc các quy định, mỗi sáng tiến hành thay ca, sau giao ban đơn vị 8h và 16h đều đặn tất cả kiểm tra phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu, ai được phân công nhiệm vụ nào phải kiểm tra cẩn thận từng chút một cái đó. Tất cả phải luôn sẵn sàng.

Chia sẻ thêm về những khó khăn còn tồn tại trên địa bàn, theo Thiếu tá Phạm Việt Dũng cho biết, hiện ngoài các nhà dân, còn nhiều nhà nghỉ, khách sạn có dạng nhà ống cao tầng được chuyển đổi công năng từ nhà ở, tuy nhiên, các thiết bị điện không được cải tạo lại nên dễ xảy ra chập cháy. Các khu này thường tập trung đông người nên chỉ cần các hành vi cá nhân thiếu ý thức như việc hút thuốc hay sử dụng thiết bị điện là rất dễ dẫn đến các thảm họa về cháy, nổ nghiêm trọng.

Hầu hết các nhà ở kết hợp loại hình kinh doanh thường dạng ống hoặc cơi nới nhiều phòng như này không có lối thoát dự phòng. Do vậy, khi xảy ra hỏa hoạn, việc thoát hiểm ra ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn như vụ cháy xảy ra tại gần cổng Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, đơn vị thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra địa bàn, các chủ hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh để chủ động phòng ngừa, ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ. 

Đồng thời khuyến cáo các hộ dân cần đầu tư đầy đủ trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương tiện cứu hộ, thoát nạn; các nhà nghỉ, khách sạn cần thành lập, duy trì hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, phân công người thường trực ban đêm và các dịp lễ, Tết, khi số lượng khách tăng cao. 

Bên cạnh đó, các cơ sở phải xây dựng và thường xuyên thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn nhằm chủ động đối phó khi xảy ra sự cố để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản…

X.Trường – M.Hiền
.
.