Mẹ của những học sinh một thời lầm lỗi

Thứ Hai, 18/12/2006, 08:38
Một trong những cái khó của cô giáo Hằng (Trường Giáo dưỡng số 5) là dạy chữ vì các học trò ít được quan tâm, dạy dỗ nên học lực đều kém, rất sợ học và chỉ muốn trốn trường cho... yên thân. Chồng đi công tác xa, cô Hằng phải nhờ mẹ trông con giúp để lên lớp phụ đạo cho học sinh.

Lúc đó là 20h, tại phòng học nằm sâu trong Trường Giáo dưỡng số 5 (đóng ở tỉnh Long An, thuộc Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng - Bộ Công an), một cô giáo trẻ đang say sưa đọc mẫu để gần một chục học sinh đọc theo. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Việt cho biết đây là lớp phụ đạo cho số học sinh mới nhập trường do cô giáo Nguyễn Thị Hằng phụ trách.

Tôi trò chuyện với một học sinh da ngăm đen, vóc dáng chắc khoẻ là Lâm Hà, quê ở Sóc Trăng. Do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Lâm Hà đã được đưa nhập trường. Vì nhà nghèo, bố mẹ đều đi làm mướn kiếm sống nên ở tuổi 15, Lâm Hà vẫn chưa học hết tiểu học. Là người Khmer, lại không có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn nên lúc mới nhập trường, Lâm Hà nói tiếng Việt rất khó khăn.

Do học kém, ít có điều kiện giao tiếp nên Lâm Hà rất khó hòa nhập với các bạn cùng lớp. Trong lúc tâm trạng ức chế, lại bị bạn bè chọc ghẹo, Lâm Hà đã tìm cách trốn trường không chỉ một lần. Để Lâm Hà có điều kiện học tập tốt, xóa dần mặc cảm với bạn bè, cô Hằng đã đưa em vào lớp phụ đạo buổi tối và thường xuyên tổ chức ôn tập để em và một số học sinh khác nắm vững kiến thức cũ cũng như những kiến thức mới được học tập.

Nhờ vậy mà chỉ hơn một năm sau, Lâm Hà và các em học sinh cá biệt khác đã dễ dàng tiếp thu được những bài học trên lớp, sống chan hòa với các bạn. Và cũng từ đó, Lâm Hà không còn suy nghĩ đến việc trốn trường nữa.

Khi hỏi về nghề nghiệp của mình, cô Hằng cho biết, đối với các em ở Trường giáo dưỡng, một trong những cái khó là dạy chữ vì ngay từ khi ở gia đình, các em đã ít được quan tâm, dạy dỗ nên học lực đều kém. Vì học kém nên các em rất sợ học và chỉ muốn trốn trường cho... yên thân. Cái khó tiếp theo là dạy dỗ, giáo dục các em sống và rèn luyện theo nội quy, kỷ luật của nhà trường. Qua đó, dần dần hình thành trong các em lối sống lành mạnh, văn minh; biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống.

Để làm được 2 điều khó khăn này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Việt cho biết giáo viên không chỉ là tấm gương sáng cho các em noi theo, mà còn phải thật tâm yêu thương chăm sóc các em như con đẻ của mình. Tấm lòng bao dung, nhân hậu, sự yêu thương chân thành của giáo viên chính là phép mầu để cảm hóa, giáo dục học sinh - những thiếu niên đã có thời lầm lỗi gạt bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên trở thành người lương thiện. Với tấm lòng thương yêu học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Hằng đã nỗ lực phấn đấu để làm tốt hai điều khó khăn đã nêu, trở thành một trong những điển hình tiên tiến của Trường giáo dưỡng số 5 trong dạy dỗ, cảm hóa, giáo dục học sinh.

Sau hai tiết phụ đạo buổi tối, gần một chục em học sinh lễ phép khoanh tay trước ngực chào mẹ Hằng trước lúc ríu rít cùng nhau về phòng ngủ. Cô giáo Hằng uống vội cốc nước, bước theo học sinh. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Việt cho biết, chồng đi công tác xa, cô Hằng phải nhờ mẹ trông con giúp để lên lớp phụ đạo cho học sinh. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cô giáo Hằng đã luôn nỗ lực phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, luôn sâu sát, gần gũi các em để hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn là giáo dục những học sinh đã có thời lầm lỗi trở thành những học sinh chăm ngoan, học giỏi.

Đó là những điều kiện cần có để các em tiếp tục phấn đấu trở thành người hữu ích sau khi ra trường. Cũng qua câu chuyện của thầy Việt, tôi được biết mới đây, các em Võ Văn Thành và Nguyễn Kỳ Việt, những học sinh cũ đã trở lại thăm trường, thăm cô giáo Nguyễn Thị Hằng.

Được biết các em đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, cô giáo Hằng cũng như các giáo viên khác rất xúc động. Cả thầy và trò đều không giấu được những giọt nước mắt khi ôn lại những kỷ niệm thắm đượm tình người ở Trường Giáo dưỡng số 5, nơi đã dạy dỗ, giáo dục các em nên người

Minh Chính
.
.