Bộ Công an và Bộ LĐTB & XH:

Ký kết Thông tư liên tịch về phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong xuất khẩu lao động

Thứ Hai, 17/01/2005, 07:25

Ngày 14/1, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hướng dẫn công tác phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Dự lễ ký có các đồng chí: Nguyễn Thị Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Lương Trào, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐTB&XH cùng đại diện các đơn vị chức năng của hai Bộ.

Sau một thời gian trầm lắng, mấy năm qua, XKLĐ đã dần lấy lại được vị thế. Hiện cả nước có khoảng 6,7 vạn lao động làm việc ở nước ngoài, các thị trường truyền thống được khai thác tốt. Hàng năm, lượng ngoại tệ do lao động chuyển về đạt hàng tỷ USD... Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu này, các hành vi vi phạm pháp luật trong XKLĐ cũng gia tăng. Nạn cò mồi, lợi dụng XKLĐ để trục lợi của người lao động đã dẫn tới một số hậu quả xấu. Một số người lao động ở nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại cũng như bỏ trốn khỏi nơi tu nghiệp, đã ảnh hưởng lớn đến XKLĐ của Việt Nam. Thông tư liên tịch được ký lần này giữa hai Bộ Công an - LĐTB&XH là nhằm hạn chế những vi phạm đó.

Theo tinh thần của Thông tư này, công tác phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong XKLĐ là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, UBND các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và mọi công dân.


Mọi hành vi vi phạm pháp luật về XKLĐ đều thuộc đối tượng phòng chống gồm: Lợi dụng danh nghĩa XKLĐ để lừa đảo; để tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài; tuyển chọn lao động, đào tạo, thu tiền và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trái quy định của pháp luật; người lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc có hành vi lôi kéo, dụ dỗ người lao động khác đã cam kết; giả mạo giấy tờ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chứng nhận sai các giấy tờ để đi làm việc ở nước ngoài; người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật của nước sở tại làm ảnh hưởng đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước; hoạt động của cá nhân, tổ chức chống đối lại chính sách XKLĐ của Việt Nam. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về XKLĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh: XKLĐ không đơn thuần là vấn đề kinh tế, bởi vì bên cạnh việc giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, còn liên quan đến ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế. Bằng văn bản này, các đơn vị có liên quan của hai Bộ sẽ cương quyết hành động mạnh mẽ để hạn chế nạn tham nhũng, cò mồi và các tiêu cực trong XKLĐ, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động chân chính. Đối với bạn bè quốc tế, Thông tư này cũng là thông điệp để chúng ta khẳng định thiện chí thực hiện mọi cam kết trong quan hệ XKLĐ đã được hai bên thỏa thuận

Lâm Phong
.
.