Kiềm chế tội phạm tại các khu công nghiệp ở Bình Dương

Thứ Ba, 09/05/2017, 08:49
Để kiềm chế tội phạm tại các KCN, bên cạnh việc thành lập hai đồn Công an trong KCN (gồm: Đồn Công an KCN Sóng Thần và VSIP), Công an Bình Dương đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm, đặc biệt tại cơ sở...

Bình Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Địa phương này hiện có 29 khu công nghiệp (KCN), 17 cụm công nghiệp, 1 khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị thu hút gần 19.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh.

Một băng nhóm tội phạm bị triệt phá.

Những năm gần đây, kinh tế trên địa bàn tăng trưởng ổn định (năm 2016, GDP tăng 8,5%, vượt kế hoạch 8,2%). Song, lao động nhập cư tạm trú trên địa bàn hơn 950.000 nhân khẩu, trở thành một trong 18 địa bàn trọng điểm diễn biến phức tạp về tội phạm của cả nước.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Thời gian qua, lực lượng Công an đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm tập trung vào địa bàn khu, cụm công nghiệp với mục tiêu không để tội phạm lộng hành.

Từ năm 2011 đến năm 2016, Công an tỉnh đã mở 16 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, chuyển hóa tình hình ANTT tại địa bàn trọng điểm, giáp ranh. Qua đó, đã triệt xóa 256 băng nhóm tội phạm nguy hiểm, trong số này có một số băng nhóm hoạt động trong các KCN.

Để kiềm chế tội phạm tại các KCN, bên cạnh việc thành lập hai đồn Công an trong KCN (gồm: Đồn Công an KCN Sóng Thần và VSIP), Công an Bình Dương đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm, đặc biệt tại cơ sở.

Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình “Đội công nhân xung kích tự quản về ANTT trong các doanh nghiệp”. Hơn 245 doanh nghiệp thành lập đội công nhân xung kích.

Ở cấp huyện Công an đã tham mưu chính quyền thành lập được 161 đội công nhân xung kích, có 5.895 đội viên tại 151 doanh nghiệp.  Bên cạnh đó là 240 CLB chủ nhà trọ với gần 24.000 thành viên... Những mô hình này đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác tấn công tội phạm trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, nhờ nguồn tin từ người dân, sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với lực lượng Công an nên họ đã mạnh dạn cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng. Qua đó, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện nhiều thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp.

Điển hình, thành tích triệt phá băng nhóm do Hoàng Phi Hổ và Nguyễn Thành Quốc cầm đầu. Các băng nhóm này lợi dụng việc kinh doanh mua bán phế liệu, kinh doanh dịch vụ bảo vệ để tổ chức hoạt động phạm tội và che giấu tội phạm.

Bên cạnh đó, tại các khu, cụm công nghiệp còn xuất hiện một số băng nhóm lợi dụng lúc vận chuyển hàng đi gia công, xuất khẩu rồi “rút ruột”. Điển hình, băng nhóm do Nguyễn Hoài Hận (37 tuổi, quê An Giang) cầm đầu. Để làm được việc phi pháp, lợi dụng sơ hở trong khâu tuyển dụng nhân viên của một số công ty, Hận “cài” người của mình vào, sau đó tạo thành một đường dây “rút ruột” hàng hóa trong container. Từ phản ánh của các doanh nghiệp, Công an tỉnh đã xác lập chuyên án bắt 21 đối tượng, làm rõ 70 vụ trộm với tổng tài sản bị thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.

“Thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xử lý tin tố giác, tin báo về tội phạm. Mọi tố giác, tin báo phải được tiếp nhận, lập hồ sơ ban đầu chặt chẽ và xử lý theo đúng thẩm quyền, nhất là Công an cấp cơ sở và cấp huyện. Các vụ phạm pháp phải được thông báo truy tìm đúng quy định. Đẩy mạnh tiến độ điều tra, mở rộng các băng, nhóm tội phạm chuyên nghiệp đã bị bắt giữ. Thường xuyên phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử một số vụ án điểm, kết hợp với cơ quan tuyên truyền đưa tin bài, ảnh để răn đe tội phạm và phòng ngừa chung…”, Đại tá Trần Văn Chính kiến nghị.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nhận định: Hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đã thu hút lượng lớn người lao động đến làm việc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, kéo theo đó là các đối tượng xấu lợi dụng tình hình này để hoạt động.

Từ năm 2012 đến nay, tại các địa bàn có khu, cụm công nghiệp đã xảy ra hơn 4.782 vụ phạm pháp hình sự (chiếm 82,5% tổng số vụ phạm pháp hình sự của toàn tỉnh). Trong đó, thị xã Dĩ An có số vụ phạm pháp hình sự cao nhất, tiếp đó thị xã Thuận An, TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên.

Đức Mừng
.
.