Lập lại trật tự ATGT đường sắt tại Hà Nội:

Không thể 'khoán trắng' cho CSGT

Thứ Bảy, 08/08/2015, 10:12
Ngày 7/8, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) mở đợt ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt trên toàn thành phố. Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, việc lập lại trật tự đơn giản nếu thiếu sự hợp tác tích cực từ người dân…

10h sáng, đoàn công tác có mặt tại huyện Thường Tín, một trong những địa bàn có tuyến đường sắt đi qua dài nhất của Hà Nội với 17km, chạy song song và sát tuyến  QL1A, qua 10 xã, 1 thị trấn.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, dù đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, song tình trạng tự ý mở đường sắt để có lối đi vào nhà người dân diễn ra khá phổ biến. Thậm chí có những đoạn hai nhà sát nhau, cũng mở 2 lối, dù lối đi chính chỉ cách đó vài mét. Không chỉ tự ý mở lối đi, tại đây còn cả tình trạng đỗ xe hay để vật liệu xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường sắt như trường hợp của anh Trần Văn Thật ở Quất Động, Thường Tín, Hà Nội. 

Do nhà trong ngõ hẹp, nên khi điều khiển ôtô tải về đến nơi, anh đã vô tư dừng ngay đầu ngõ cách đường ray chừng hơn 1m. Bên cạnh đó là những đống cát, đống gạch cũng được người dân xếp và đổ sát đường. 

Khi CSGT Đội 8 (Phòng CSGT Hà Nội) xuất hiện, muốn tìm chủ xe và lập biên bản  đã phải nhờ người dẫn vào trong ngõ tìm nhà lái xe. Thế nhưng, ra đến nơi, anh Thật vẫn vô tư  hỏi “em vi phạm gì?”. Sau một hồi được CSGT giải thích thì mới hay, đỗ xe như vậy là vi phạm vào phạm vi an toàn của đường sắt, rất nguy hiểm. Với lỗi này, anh Thật phải nộp phạt hành chính từ 600.000-800.000đ, tuy nhiên anh Thật cũng thừa nhận “có nộp một lần, mới nhớ lỗi, để lần sau tránh”.

Một chiếc xe tải ngang nhiên đỗ xe sát đường ray.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp biết sai mà vẫn vi phạm, Trung tá Nguyễn Văn Đoàn, Đội trưởng Đội CSGT Trật tự phản ứng nhanh (Công an huyện Thường Tín) cho biết, trên địa bàn huyện Thường Tín có tổng số 167 đường cắt ngang qua đường sắt. Nhưng trong đó chỉ có 59 đường dân sinh và đường ra cánh đồng (bao gồm 2 tỉnh lộ cắt ngang qua đường sắt và giao với QL1A) tức là chiếm 35%, còn lại 108 đường tự mở vào nhà dân, chiếm tới 65%.

Về tín hiệu và gác chắn, có 22 điểm đã có đèn tín hiệu chuông cảnh báo và 39 điểm có biển báo nguy hiểm; có 6 điểm có gác chắn với người gác 24/24h; và 7 điểm có gác chắn, có người gác từ 5h sáng đến 21h và 4 điểm do nhân dân tự quản.

Theo Trung tá Đoàn, với từng đấy đường tự mở, không phải người dân không biết là vi phạm, nhưng vì nhiều lối được mở từ lâu nên giờ không phải lực lượng chức năng muốn đóng là đóng ngay được. Trong khi đó, các điểm không đèn báo hiệu, không chuông cảnh báo cũng còn nhiều nên rất dễ xảy ra tai nạn. Mới tháng 6 vừa qua, do không chú ý quan sát khi băng qua đường dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt nên đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người chết. 

Trung tá Đoàn kiến nghị, ngành Đường sắt nên chủ động giải tỏa những vi phạm hành lang giao thông như tháo dỡ toàn bộ số sắt đan đặt trong lòng đường ray; tháo dỡ biển quảng cáo nằm trong khổ giới hạn an toàn giao thông đường sắt; xóa bỏ các lối đi tự mở; đồng thời bổ sung đèn tín hiệu, chuông cảnh báo; biển báo tại các đường dân sinh nhất là những điểm có nhiều phương tiện và người tham gia giao thông qua lại. 

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Thường Tín cần xây dựng hệ thống đường gom dân sinh tại các xã Nhị Khê, Quất Động, Thắng Lợi; phía Bắc ga Tía thuộc xã Tô Hiệu và từ km 28+970 đến km 29+040 nơi có 30 hộ dân sinh sống, buôn bán ở phía Bắc ga Đỗ Xá xã Vạn Điểm.

Không chỉ ở địa bàn huyện Thường Tín, trật tự ATGT đường sắt mới phức tạp. Theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, năm 2014, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 23 vụ TNGT liên quan đến đường sắt, khiến 25 người chết và 2 người bị thương. 6 tháng đầu năm 2015, toàn thành phố xảy ra 11 vụ, làm 11 người chết, 1 người bị thương. Điều đáng chú ý, không ít vụ tai nạn xảy ra ở khu vực không có người gác hay cảnh báo tàu. 

Thống kê cũng cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có 157km đường sắt chay qua, với 544 đường ngang dân sinh. Trong đó, lối mở có phép là 183 vị trí, còn lại tới 361 vị trí là lối đi do người dân mở trái phép nên không có cảnh báo. Năm 2014, Phòng CSGT cũng đã đề xuất tại 61 đường ngang dân sinh, Sở GTVT cần bố trí  người ra cảnh giới, nhưng đến nay, sau hơn một năm, mới thực hiện được 17 vị trí. Điều này có thể thấy, nếu chỉ một mình lực lượng CSGT vừa điều tiết giao thông, vừa đảm bảo an toàn trật tự đường sắt thì là rất khó.

“Vì vậy, để thực sự kìm chế được TNGT đường sắt, rất mong sự đồng lòng từ các cấp chính quyền địa phương và sự quan tâm của ngành đường sắt, của Sở GTVT”, một lãnh đạo Phòng CSGT giãi bày. Được biết, kế hoạch ra quân lập lại trật tự ATGT đường sắt lần này sẽ được Phòng CSGT Hà Nội thực hiện đến hết ngày 31/8/2015.

Phạm Huyền
.
.