Khi sinh viên cảnh sát “học và hành” như người lính chuyên nghiệp

Thứ Hai, 19/03/2018, 17:28
Nhiều năm qua, chủ trương “Học đi đôi với hành”, “giảm lý thuyết, tăng thực hành” đang được các trường CAND triển khai mạnh mẽ, để sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu công tác, chiến đấu ngày càng đòi hỏi quyết liệt.

Tại Học viện CSND, cơ sở đi đầu trong việc đưa sinh viên bám cơ sở, đã có nhiều đổi mới sáng tạo để “giảm lý thuyết, tăng thực hành” cho học viên khi tổ chức đào tạo sinh viên chuyên ngành theo hình thức “thực tập môn học”, giống với mô hình đào tạo sinh viên y khoa, gắn nhà trường với bệnh viện…Mô hình này đã và đang đạt hiệu quả mạnh mẽ, giúp các sỹ quan cảnh sát tương lai trưởng thành, bản lĩnh hơn.

Thượng tá Trần Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của Học viện CSND chia sẻ, mỗi khóa học, Học viện đều tổ chức 3 đợt thực hành cho sinh viên: Đợt 1 là thực hành chính trị - xã hội (thời gian 3 tuần), sinh viên thực hiện “3 cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân tại cơ sở; đợt 2 là thực tập nghiệp vụ cơ bản (8 tuần) và đợt 3 là thực tập tốt nghiệp (16 tuần). 

Đây là những đợt thực hành, thực tập bắt buộc mà các trường CAND phải thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới quyết liệt, nên không dừng lại ở đó, Ban Giám đốc Học viện CSND đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị giảng dạy tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, định hướng để đổi mới phương thức đào tạo.

Sinh viên được trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, giúp họ rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Trước yêu cầu đó, Phòng Quản lý đào tạo đã chủ động tham mưu đề xuất Ban Giám đốc mô hình đổi mới tổ chức đào tạo sinh viên các chuyên ngành giống mô hình đào tạo của nhiều trường đại học y khoa. Đây là một trong những điểm nhấn, một thành quả sáng tạo trong công tác giáo dục và đào tạo của Học viện nhiều năm qua.

Sinh viên năm thứ 4 Lê Ngọc Sơn, Khoa Kỹ thuật hình sự chia sẻ với chúng tôi, đợt thực tập môn học, em được phân về Ban Công an xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa. Đây là một xã thuần nông, 95% người dân là dân tộc Kinh. Em được trực tiếp đi điều tra cơ bản về địa bàn, tìm hiểu về đối tượng hình sự, đến từng thôn, xóm để vận động quần chúng tìm hiểu pháp luật.

 Trong đợt thực tập, Lê Ngọc Sơn được tham gia, hỗ trợ Công an xã Đông Lĩnh khám nghiệm hiện trường một vụ trộm cắp 57 triệu đồng, xảy ra tại nhà một người dân ở thôn Thắng, xã Đông Lĩnh. 

Em còn được tham gia giải quyết một số vụ đánh nhau, gây thương tích tại địa bàn. Điều đó đã giúp Sơn hệ thống lại được những kiến thức về nghiệp vụ cơ bản được học trên lớp, được tiếp xúc với nhiều tình huống không có trong bài giảng.

Hiện nhiều khoa chuyên ngành của Học viện CSND đang tích cực triển khai mô hình “nửa thời gian giảng đường, nửa thời gian sinh viên ở cơ sở”, với sự giúp đỡ tích cực của Công an TP Hà Nội, Viện Khoa học hình sự, Công an một số địa phương và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao của Bộ Quốc phòng... 

Đối với chuyên ngành Cảnh sát giao thông, sinh viên được đưa đến những địa bàn “nóng bỏng” về giao thông của Hà Nội như: Các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, trực tiếp cùng lực lượng CSGT Hà Nội phân luồng giao thông, xử lý tình huống khi xảy ra ùn tắc.

Những đợt thực hành bám cơ sở, bám nhân dân giúp các sỹ quan cảnh sát tương lai trưởng thành hơn.

Thượng úy Phạm Quang Bắc, giảng viên Khoa Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho chúng tôi biết, sau mỗi đợt thực tập môn học, sinh viên bớt bỡ ngỡ, trưởng thành hơn bởi các em có thực tế “soi vào bài giảng” và được rèn cách tiếp xúc, ứng xử văn hóa với người dân.

 “Tại các nút giao thông, các em học được sự cấp thiết phải can thiệp kịp thời khi xảy ra ùn tắc. Với phương tiện vi phạm, các em được quan sát, thực hành động tác dừng phiên tiện, hiệu lệnh, ngay cả động tác còi, cũng được thực hành đúng quy định.

Trước tình huống “chống đối Cảnh sát giao thông” và những tình huống nguy hiểm khác nảy sinh, sẽ xử trí như thế nào, các em cũng được thực hành ngay trên các cung đường, tuyến giao thông nóng bỏng. 

Sau khi kết thúc thực tập môn học, trong các báo cáo chuyên đề, viết thu hoạch, các em đều rút ra được nhiều bài học sâu sắc và rất hào hứng với cách học mới, bởi không gì hiệu quả hơn khi được học trực tiếp từ cơ sở” - thầy giáo Phạm Quang Bắc cho hay.

Tại Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội, sinh viên cho biết, họ được tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực tiễn về tổ chức, hoạt động của lực lượng cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự, công an phường, đồng thời được phân công kiến tập, thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an phường. 

Một số sinh kể rằng, khi cùng cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự thăm hỏi, tiếp xúc với nhân dân, được tham gia cùng sinh hoạt, giao ban với lực lượng bảo vệ dân phố, các tổ chức quần chúng ở cơ sở, họ càng hiểu thêm vai trò quan trọng của biện pháp “vận động quần chúng”, đồng thời thấy tự tin hơn khi tiếp xúc với người dân. Các em sinh viên ngoài giờ làm việc còn xuống cơ sở giúp đỡ người dân vệ sinh môi trường, tu bổ đường làng ngõ xóm…

Tại Khoa Quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, sinh viên được xuống các trại giam để nghiên cứu hệ thống tổ chức, đặc điểm tình hình phân trại quản lý phạm nhân tại trại tam giam, cùng tham gia hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo vệ trại tạm giam…

Công an một số đơn vị, địa phương đặc biệt tâm đắc với mô hình đào tạo này của Học viện CSND và kỳ vọng, mô hình này sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng trong các trường CAND, không chỉ giúp rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tăng cường khả năng xử lý tình huống thực tiễn cho sinh viên, mà quan trọng còn góp phần hạn chế quá trình đào tạo lại…


Thu Phương
.
.