Hội thảo khoa học “Cơ chế, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ”

Thứ Sáu, 16/10/2020, 14:52

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ Việt Nam giai đoạn hiện nay”.


Trung tướng Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng lý luận Bộ Công an, Giám đốc Học viện Chính trị CAND chủ trì hội thảo. Tham dự  hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, các tướng lĩnh, các chuyên gia nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài lực lượng CAND: GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Chủ nhiệm Chương trình KC.09/16-20; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, chuyên viên nghiên cứu về An ninh phi truyền thống, ĐHQG Hà Nội, Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến- Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và Lịch sử Công an; Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Tổng biên tập Báo CAND…

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tướng lĩnh trong và ngoài lực lượng CAND

Đảm bảo an ninh trật tự từ lâu đã được xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp các ngành, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tiễn, Đảng ta đã tổng kết, ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định thế mạnh về biển của Việt Nam, yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đảo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, cũng cố giữ vững chắc quốc phòng-an ninh. Để làm được điều này, Nghị quyết nêu rõ cần hoàn thiện tổ chức của lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển; Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo… Nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Tổ quốc nói chung, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói riêng, Nhà nước ta đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật tương đối toàn diện, đồng bộ về công tác đảm bảo an ninh trật tự, xác định rõ vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền, biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Hệ thống các văn bản pháp luật, các quy định trên đã tạo cơ sở pháp lý-chính trị vững chắc để các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự nói chung, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ nói riêng. 

Trung tướng Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tại Hội thảo

Mặc dù vậy, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy, môi trường, kinh tế, cướp biển có xu hướng gia tăng. Cùng với đó là tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tăng cường hoạt động chống phá, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Tình trạng xâm phạm lãnh hải Việt Nam của các tàu thuyền nước ngoài vẫn tiếp diễn, có lúc trở nên căng thẳng, nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang trên biển, đảo… Trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đòi hỏi nhận thức của các cấp, các ngành về đảm bảo an ninh, trật tự nói chung, an ninh trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ nói riêng cần sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung làm rõ vị trí địa chiến lược về kinh tế, chính trị, tiềm năng, thế mạnh của các huyện đảo ven bờ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và củng cố, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. Các ý kiến cũng đã phân tích thực trạng công tác đảm bảo an ninh, trật tự, công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, chống khủng bố, đặc biệt là công tác phối kết hợp giữa các lực lượng Công an với Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát kinh tế, Kiểm ngư trong đảm bảo an ninh trật tự nói chung, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ; những khó khăn vướng mắc trong quá trình phối hợp. Các ý kiến cũng đề xuất cần đổi mới cách thức tuyên truyền thông qua các phương tiện phù hợp với khả năng tiếp nhận của ngư dân; có quy hoạch về sử dụng năng lượng phù hợp; Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ chế xác lập mô hình phối hợp, sự vận hành hữu hiệu nhằm xử lý tốt các vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn các huyện đảo ven bờ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

                          
Huyền Thanh
.
.