Góp phần hoàn thiện Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Thứ Ba, 16/12/2014, 17:02
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của Bộ luật TTHS hiện hành, bày tỏ đồng tình ý kiến cần thiết phải xây dựng, sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2003.

Tại Hội thảo “Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)” do Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm Bộ Công an tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội, đa số các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, đề xuất với Ban Chỉ đạo tổng kết Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung theo phương châm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm trong tình hình hiện nay cũng như trong thời gian tới; đồng thời, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố TTHS.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của Bộ luật TTHS hiện hành, bày tỏ đồng tình ý kiến cần thiết phải xây dựng, sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2003.

Theo đó, Bộ luật TTHS năm 2003 được Quốc hội ban hành ngày 10/12/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004 là một dấu mốc quan trọng trong điều tra, giải quyêt các vụ án hình sự. Bộ luật đã quy định rõ trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng… nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm phát biểu chủ trì Hội thảo.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước, trong đó việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, tiến hành cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo đường lối đổi mới của Đảng, Bộ luật TTHS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, một số quy định chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng…

Các đại biểu tham luận cũng chỉ rõ, tổng kết 10 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 cho thấy nhiều trường hợp, do không quy định họ được tiến hành một số hoạt động tố tụng nên có những hoạt động tố tụng giản đơn cũng phải do Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trực tiếp thực hiện mới có giá trị pháp lý.

Cần thiết quy định các biện pháp điều tra đặc biệt trong Dự án Bộ luật TTHS để phúc đáp yêu cầu mới của Hiến pháp, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm thời gian qua; các thủ tục và tác nghiệp cụ thể khi tiến hành các biện pháp điều tra đặc biệt do văn bản dưới luật quy định. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu rõ cần thiết phải quy định chung thời hạn giải quyết tố giác, tin báo; thời hạn điều tra; thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTHS là các ngày làm việc…

Trần Xuân
.
.