Giúp nhau như thế hoá bằng... hại nhau

Thứ Ba, 28/12/2004, 07:16

Có một “Mạnh Thường Quân” bao tiền in thơ trong thời buổi hiện nay là niềm ao ước đối với các cây bút trẻ. Ấy vậy mà lại có một nữ tác giả đâm đơn kiện người đã đứng ra bỏ tiền in thơ cho mình, đồng thời yêu cầu người này phải thu hồi, tiêu hủy các ấn bản đó.

Cầm trên tay tập thơ in chung của hai tác giả Nguyễn Thị Việt Nga - Nguyễn Xuân Hùng ấn hành cuối năm 2003 vừa rồi, ấn tượng ban đầu của chúng tôi là nó không có gì phải chú ý cả. Tên sách vào loại... thật thà. Thơ của hai người thì đặt là Thơ hai người, vậy thôi. Đã thế, hình thức sách lại dễ tạo cảm giác... quê quê, từ màu sắc nửa tím nửa vàng cho đến cái hình vẽ hai người đứng ôm nhau dưới ánh trăng ở phần bìa 1.

Nếu có gì đáng lưu tâm một chút có lẽ chỉ là mấy dòng thơ có tính chất “đăng đối” in ở phần bìa 4. Một bên là lời cô gái: Thôi, đừng nhìn em, đừng nói với em/ Phũ phàng đấy, anh ơi/ Em sợ lắm nếu như lỡ bước/ Hai chúng ta đang sống giữa cõi người, và một bên là lời chàng trai: Em lặng lẽ nằm hình dấu hỏi nghiêng/Ánh sáng vẫn chảy tràn vào căn phòng nhỏ/ Anh ao ước được cùng em chia sẻ/ Gió đầu mùa cứ thổi ngược mái hiên. Đọc các trích đoạn này, người ta dễ liên tưởng tác giả của chúng hiện đang là những người gặp trắc trở trên con đường kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi và thơ ca là nhịp cầu đưa dẫn họ đến để chia sẻ tình cảm với nhau.

 

Bìa 1, bìa 4 và phần mép gấp tập thơ Thơ hai người

Thật ra, ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, việc một tác giả nam, một tác giả nữ đứng ra tổ chức in chung với nhau một tập sách đã không còn là chuyện quá hiếm hoi. Khoảng chục năm trước đây, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (công tác tại báo Nhân Dân) đã in chung với chị Trần Kim Hoa tập thơ Nơi em về (NXB Thanh Niên ấn hành). Gần đây, chị Nguyễn Thị Hương (Phó chủ tịch Hội VHNT Hưng Yên) và anh Nguyễn Nguyên Tản cũng in chung tập bình thơ Duyên thơ (NXB Thanh Niên, 2003). Thậm chí, nếu như ở tập Thơ hai người, phần thơ của chị Việt Nga và của anh Xuân Hùng còn được phân định rạch ròi bằng dòng tên tác giả chạy trên đầu mỗi trang in, thì ở hai tập nhắc tới kia, người đọc khó lòng phân biệt được bài nào của ai vì chủ đích của các tác giả là muốn có một sự hòa trộn như thế.

Tuy nhiên, việc in chung sách giữa anh Nguyễn Sĩ Đại và chị Trần Kim Hoa cũng như giữa chị Nguyễn Thị Hương và anh Nguyễn Nguyên Tản có một điểm khác biệt cơ bản so với trường hợp của chị Việt Nga và anh Xuân Hùng: Ấy là, hiện họ đều đã nên vợ nên chồng trong khi chị Nga và anh Hùng ai nấy lại đang có tổ ấm riêng. Chuyện trục trặc xung quanh việc xuất bản tập Thơ hai người bắt nguồn từ đây.

Trong đơn khiếu nại gửi NXB Thanh Niên, nữ tác giả Nguyễn Thị Việt Nga nêu vấn đề: “Vừa qua, NXB Thanh Niên có cấp giấy phép xuất bản số 142/1348/ CXB- QLXB cho cuốn Thơ hai người của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga và Xuân Hùng. Trong cuốn thơ ấy có in 18 bài thơ của tôi (từ bài Tâm sự trang 5 đến bài Viết cho chồng trang 39). Cuốn thơ ấy được cấp giấy phép xuất bản và được in ra khi không có sự đồng ý của tôi, đã làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tôi”.

Tác giả Nguyễn Thị Việt Nga hiện còn trẻ, mới 28 tuổi, nhưng đến nay chị đã có gần chục đầu sách gồm cả thơ lẫn truyện được xuất bản. Chị cũng từng có truyện ngắn đăng trên Văn nghệ Công an và hiện đang là biên tập viên  của tạp chí Côn Sơn (Hội VHNT Hải Dương).

Chị Nga cho biết: Vào giữa năm 2002, sau khi báo Văn nghệ Trẻ giới thiệu chùm thơ kèm ảnh chân dung và đôi dòng tóm tắt về tác giả Nguyễn Thị Việt Nga, anh Nguyễn Xuân Hùng công tác ở một tờ báo tỉnh đã viết thư làm quen với Việt Nga và đề nghị Nga gửi cho anh một số bài thơ để đăng ở báo trên đó. Việt Nga đã đáp ứng yêu cầu này và hai người làm thơ trẻ trở nên quen nhau. Bản thân anh Hùng đã có lần về Hải Dương chơi và tìm đến gặp Việt Nga ở cơ quan.

Thế rồi, đầu năm 2003, anh Hùng bất ngờ nảy ý định in chung với chị Nga một tập thơ. Anh gọi điện xuống cho chị Nga, đề nghị chị gửi bản thảo cho anh, còn tiền in thì anh lo hết. Thoạt nghe, Việt Nga có nói đùa: “Anh cứ in đi để chồng em và vợ anh đều nhảy thách lên”. Sau rồi nghĩ lại, thấy chuyện đùa như vậy rất tai hại nên Việt Nga đã gọi điện nói lại là: “Dứt khoát em không thể hợp tác in chung với anh được”. Thậm chí, chị còn dọa: “Nếu anh cứ cố tình in thì em sẽ kiện anh đấy”.--PageBreak--

Tưởng mọi chuyện đến thế là chấm dứt, ai dè... Sau khi biết tập thơ in chung ấy đã được ấn hành, Việt Nga thực sự choáng váng, lúng túng không biết xử trí thế nào. Chị tâm sự: “Sách in ra, nhiều người thân, bạn bè nhìn em như có những đánh giá khác trước. Có thể họ cho là em có sự quan hệ gì đó không đúng mức, thậm chí có phần coi nhẹ tổ ấm vốn có của mình...”. Cũng theo Việt Nga cho biết thì chồng chị (hiện đang công tác tại Tổng cục Cảnh sát nhân dân) mặc dù rất thông cảm với vợ và vốn dĩ anh là người hiền lành, điềm đạm, song trước sự việc xảy ra cũng không khỏi có lúc mặt nặng mày nhẹ… Tất cả những bức xúc ấy đã buộc tác giả Nguyễn Thị Việt Nga phải làm đơn gửi tới NXB Thanh Niên, kiên quyết yêu cầu cơ quan này phải “ra quyết định thu hồi hết cuốn Thơ hai người vì việc xuất bản cuốn sách đã vi phạm Luật Xuất bản và Bản quyền tác giả”.

Trở lại với cách hành xử của anh Nguyễn Xuân Hùng, đồng tác giả tập thơ, công bằng mà nói, việc cất công sưu tập bài vở rồi bỏ tiền in thơ cho bạn gái như thế, trong trường hợp nào đó có thể là một nghĩa cử đáng trân trọng. Không những vậy, để xảy ra việc in sai một dòng thơ của bạn, anh Hùng còn cất công làm “đính chính” gài vào bên lề trang sách - hành động ấy cho thấy ở anh một lòng nhiệt thành với thơ ca. Tuy nhiên, việc Xuân Hùng bố trí, sắp xếp thơ mình và thơ Việt Nga theo kiểu “đăng đối tình cảm” trong hoàn cảnh chị Nga đã có chồng là một việc làm thiếu tế nhị, dễ gây hiểu lầm cho độc giả. Làm sao những người thân của nữ tác giả Việt Nga không “nghĩ ngợi” cho được khi đọc thấy ở chỗ này một người thì day dứt: Biết em không hạnh phúc/ Nếu cứ thấy đắng lòng/ Mười năm rồi không gặp/ Từ khi em lấy chồng (Bài Gặp lại người yêu cũ, thơ Nguyễn Thị Việt Nga, trang 34) còn ở  chỗ kia một người lại vẩn vơ: Chiếc xe hoa đưa em về phương trời xa mà không phải phía nhà ta/ Giọt lệ lăn từ khóe mắt em hòa vào không gian mặn chát... (bài Gửi người yêu cũ, thơ Nguyễn Xuân Hùng, trang 48)... Cho dù trong thực tế có thể những bài thơ đó Việt Nga sáng tác trước thời điểm chị quen biết Xuân Hùng và việc tưởng tượng ra các cảnh ngộ để xây dựng tứ thơ là chuyện bình thường trong sáng tạo.

Là nơi cấp giấy phép để tập Thơ hai người ra đời, ngay sau khi nhận được lá đơn đầy bức xúc của tác giả Việt Nga, lãnh đạo NXB Thanh Niên đã nhanh chóng liên hệ với tác giả Xuân Hùng để bàn hướng giải quyết. Theo những người có trách nhiệm ở cơ quan này thông tin lại thì qua trao đổi, anh Hùng đồng ý sẽ có lời xin lỗi tác giả Việt Nga và chấp nhận thu hồi cơ bản số bản in tập thơ nói trên. Và mặc dù đến nay - vẫn theo lãnh đạo NXB Thanh Niên cho biết - họ chưa có điều kiện thẩm tra lại việc thực hiện cam kết đó, song căn cứ vào những gì anh Hùng thổ lộ trong lá thư gửi tác giả Việt Nga cách đây ít lâu, chúng tôi tin việc anh “sẽ tự nguyện thiêu đốt toàn bộ số sách đó” là có cơ sở. Chẳng gì thì Xuân Hùng cũng coi việc xảy ra như một “tai nạn văn chương” và nó sẽ là “một bài học” đi theo anh suốt cuộc đời này.

Về kẽ hở của quy trình xuất bản, theo ông Mai Thời Chính, Q. Giám đốc NXB Thanh Niên, thì việc cán bộ NXB quá tin vào những lời nói không thật của anh Hùng mà không thẩm tra lại xem tác giả Việt Nga có đồng thuận in chung tập thơ hay không là một sơ suất cần rút kinh nghiệm.

Điều quan trọng là qua sự cố ấy, cần tính đến một hiện tượng nữa vốn dĩ ít được các NXB lường tới, ấy là việc những người làm sách tự tiện nhồi nhét các tác giả vào chung một tập mà không tính đến yếu tố họ có thể không thích “ngồi chung một chiếu” với nhau vì trước một vấn đề nào đó, họ có thái độ hoặc chính kiến khác nhau. Trường hợp của TS Đinh Công Vĩ, một trong 3 tác giả có bài in trong cuốn chuyên luận Nhìn lại lịch sử do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm vừa rồi, là một ví dụ. Ông Vĩ tỏ ra không hài lòng khi những người làm sách đã để xuất hiện trong tập sách một tác giả mà ông không đánh giá cao về trình độ học vấn và là người có những quan điểm quá khác biệt với ông trong vấn đề nhìn nhận một số nhân vật và sự kiện lịch sử

Phạm Khải - Đoàn Xuân Trường
.
.