Giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc

Thứ Ba, 24/02/2015, 13:46
Nà Khương - nơi cực Tây của huyện Quang Bình (Hà Giang) nghe thấy xa thật xa, nhưng khi đến thấy gần, rất gần. Chúng tôi đến nơi đây khi những nụ đào rừng đua nhau khoe sắc thắm. Cơn mưa phùn đầu xuân càng tô thêm vẻ đẹp của sắc xuân nơi các thôn bản Nà Khương.

Hôm đó đúng vào ngày 27 tháng Chạp, nhà anh Lùng Văn Cung ở bản Nà Pẻng, người La Chí có đông người đến. Không khí rộn ràng của ngày Tết. Anh Cung chia sẻ, mỗi độ xuân về Tết đến, gia đình anh thường cùng một số hộ gia đình trong bản Nà Pẻng chung nhau mổ trâu, xẻ thịt ăn Tết.

Khác với đồng bào Mông, Tày sinh sống ở Nà Khương, với người La Chí, dịp Tết cổ truyền là thời điểm mà người dân hướng về tổ tiên, tưởng nhớ người thân đã mất. Và việc mổ trâu, cúng lễ là một trong những nét văn hóa truyền thống của bà con La Chí nơi đây.  

Có mặt tại nhà anh Cung, bên bếp lửa rực hồng nơi góc nhà, anh Bùi A Quý, cán bộ văn phòng UBND xã Nà Khương nhấp chén rượu ngô nồng hương thơm, say sưa kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống, phong tục tập quán của đồng bào La Chí nói riêng và người dân nơi đây nói chung.

Theo Quý, đối với đồng bào Nà Khương, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để các hộ gia đình cúng tổ tiên mà còn là thời khắc để các gia đình chúc tụng nhau một năm mới được an lành hạnh phúc.

Đáng chú ý hơn, riêng đối với đồng bào La Chí, trong dịp Tết, bà con sẽ chung nhau mổ trâu. Hộ gia đình có điều kiện, kinh tế khá giả theo như đã hẹn sẽ được nhận đầu trâu về cúng trong đêm giao thừa. Còn con cháu trong các gia đình sẽ đem thịt trâu sau khi xẻ thịt đến những khu đất trống trong bản chế biến món ăn.

Công an huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) thăm hỏi, chúc Tết bà con xã Nà Khương.

“Mọi người có thói quen này cũng bởi họ muốn “ăn cho người đã mất”, rước tổ tiên về đón Tết cùng gia đình”, anh Quý tiếp lời. Chưa hết, trong đêm giao thừa, bên cạnh tiến cúng thủ trâu, đồng bào La Chí còn bài trí một mâm cỗ cúng với đầy đủ bánh chưng đen (còn được gọi là bánh gio), hoa quả, cành đào phai…

Riêng đối với đồng bào Tày, Dao… ở Nà Khương, thay vì mổ trâu, các hộ gia đình vào dịp Tết Nguyên đán thường hẹn ước với nhau sẽ mổ lợn trong những ngày cận Tết. 27-28 tháng Chạp là thời điểm mà các hộ gia đình sẽ mổ lợn, chia nhau thịt để mừng đón xuân về.

Chưa hết, trong những ngày cận Tết Nguyên đán, tiếng giã gạo, làm bánh chưng rộn rã khắp các thôn bản người Tày, Dao… tựa những nốt nhạc vui đang ngân lên giữa trùng trùng điệp điệp nơi núi đá tai mèo hiểm trở Quang Bình. Ở Nà Khương, nhà có kinh tế khá giả thì thường làm 7-9 chiếc bánh chưng, còn nhà có gia cảnh khó khăn thì 4-5 chiếc.

Đại úy Giàng Mý Phủng, cán bộ Công an huyện Quang Bình “cắm bản” Nà Khương đến nay cũng đã được ngót 5 năm tâm sự: Bà con tiến cúng bánh chưng, bánh khảo trong ngày Tết cũng nhằm mong muốn cho một mùa xuân mới “mưa thuận gió hòa”, “ruộng lúa được mùa”.

Ở Nà Khương, cũng có những nét tương đồng với đồng bào dưới xuôi, vào các ngày mùng 1, 2 Tết, các gia đình thường lục tục đến nhà nhau chúc Tết. Quây quần bên bếp lửa rực hồng nơi góc nhà, nâng chén rượu ngô mừng nhau một mùa xuân mới rộn rã tiếng cười. Cũng chính từ những thời khắc này, tình cảm giữa các hộ gia đình trong các thôn bản càng trở nên thân tình hơn bao giờ hết.

Theo các bậc trưởng lão ở Nà Khương, trong mấy ngày Tết, tuy bà con có thói quen lấy chút rượu để chúc tụng nhau, song rất kiêng kỵ cảnh say sưa, nhất là nảy sinh cãi vã, đánh nhau… Bởi theo quan niệm của bà con, nếu ai phạm vào những điều kiêng kỵ trên thì không chỉ trong năm đó, bản thân sẽ gặp điềm xấu, mà người thân xung quanh cũng phải gánh chịu.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Nà Khương, toàn xã có 522 hộ dân với 2.809 nhân khẩu gồm 6 thành phần dân tộc. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, trong những năm qua, đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của bà con đã có những đổi thay đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo không ngừng được đẩy lùi. Dẫu sự khó khăn trong cuộc sống vẫn còn, nhưng không vì thế mỗi độ xuân về, Tết đến, không khí đón xuân ấm áp lại vơi đi.

Có đặt chân đến Nà Khương trong những ngày này mới thấy được hết sắc xuân đang lan tỏa nơi các chòm bản Nà Khương. Bên dưới dãy núi ngăn cách Quang Bình với các huyện khác, con suối Nà Pẻng róc rách như thể reo vui cùng tiếng xuân đang tỏa khắp các bản làng Quang Bình. Cũng ở nơi ấy, nơi rừng thiêng nước độc, địa hình hiểm trở, cuộc sống yên bình của bà con luôn có hình bóng của các anh – cán bộ, chiến sĩ Công an “cắm bản”.

Thượng tá Đinh Văn Phúc, Phó trưởng Công an huyện Quang Bình, người đến nay đã có hơn 20 mùa xuân “cắm bản” ăn Tết cùng bà con thôn bản cho biết, Quang Bình là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn. Khác với các địa bàn dưới xuôi, do địa hình hiểm trở, nên Quang Bình có những khó khăn nhất định đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ phải luôn phải vượt gian khó, góp yên bình cho cuộc sống người dân.

Trong dịp Tết năm nay, ngay từ 26 tháng Chạp, Công an huyện đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ ăn tất niên tại đơn vị và triển khai lực lượng xuống cơ sở, bám bản, bám làng, đảm bảo cho bà con vui xuân đón Tết. Riêng trong đêm Giao thừa – thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, 100% cán bộ chiến sĩ Công an huyện đều phải trực để giải quyết kịp thời các sự việc phát sinh liên quan đến tình hình ANTT, góp yên bình cho bà con vui xuân, đón Tết.

Cũng tại nơi đây, tiếp xúc với anh em Công an có thâm niên “cắm bản” trong những dịp Tết Nguyên đán như các đồng chí Đặng Xuân Thủy, Giàng Mý Phủng, Hoàng Văn Đôn, Nguyễn Xuân Mạnh…, chúng tôi thấy rằng, dẫu có những nỗi nhớ nhung, dẫu có những khó khăn trước mắt, thế nhưng vì sự bình yên nơi các chòm bản Quang Bình, các anh – những cán bộ Công an “cắm bản” đã tạm gác khó khăn sang một bên, tận tụy, dốc lòng vì công việc để những bản làng vùng cao luôn bình yên và hạnh phúc.

Trần Huy
.
.