Gặp gỡ, trò chuyện với những thương binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu trong CAND

Thứ Sáu, 26/07/2019, 20:36
Bộ Công an tổ chức buổi Gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu trong CAND nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019)....

Ngày 26-7, nhân buổi Gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu trong CAND nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019) được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức long trọng tại Hà Nội với sự tham dự của 350 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu, đại diện cho hơn 4000 thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đang công tác trong CAND trong cả nước. 

Phóng viên báo CAND đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng một số đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sỹ CAND tham dự buổi Gặp mặt đầy ý nghĩa này.

Người chiến sỹ kiên cường chiến đấu với “giặc lửa”

Gặp Thượng sỹ Phan Tấn Quốc, Phòng Cảnh sát PCCC& cứu nạn, cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh tại buổi Gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu trong CAND được Bộ Công an tổ chức trang trọng tại Hà Nội. Anh là một trong những gương mặt thương binh CAND tiêu biểu được ra Thủ đô tham dự cuộc Gặp mặt lần này.

Thượng sỹ Phan Tấn Quốc – Phòng Cảnh sát PCCC HCM

Nụ cười cởi mở cùng cách nói chuyện thân thiện của Thượng sỹ Phan Tấn Quốc cũng không che giấu được những vết sẹo rỗ chằng chịt trên khuôn mặt anh. Thượng sỹ Phan Tấn Quốc cho biết, đó là di chứng thương tích bởi bị bỏng trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra cách đây gần 2 năm tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. 

Vụ cháy kinh hoàng đêm đó đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng người đồng đội của anh là Đại úy Phạm Phi Long (Tiểu đội phó Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, Cảnh sát PCCC TP.HCM) và làm anh cùng Hạ sỹ Bùi Văn Dũng bị thương nặng.

Nhớ lại vụ việc, Thượng sỹ Phan Tấn Quốc cho biết, khoảng 10h đêm 7/9/2017, nhận được tin báo xảy cháy tại một ngôi nhà ở khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa, anh và đồng đội cùng hàng chục xe chữa cháy lập tức lên đường tiếp cận hiện trường. Lúc đó, ngọn lửa rất lớn, rất nhiều quần áo cũ được đóng thành kiện bén lửa ngùn ngụt. 

Khi đó, Phan Tấn Quốc mang hàm Hạ sỹ đang công tác tại Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân cùng với đội của Đại úy Phạm Phi Long và Hạ sỹ Bùi Văn Dũng. Các anh được giao nhiệm vụ ôm lăng chữa cháy tiếp cận từ phía cửa sổ để dập lửa. 

Sau khi khống chế cơ bản ngọn lửa trong căn nhà rộng 500m2, anh Quốc cùng anh Long và Hạ sỹ Bùi Văn Dũng tiến vào kiểm tra xem có nạn nhân nào mắc kẹt hay không thì bất ngờ sàn bê tông trần tầng 1 đổ sập, khiến Đại úy Phạm Phi Long hy sinh tại chỗ. 

Trong khi, anh Quốc bị mảng tường nhà nóng đổ sập đè lên người ngất lịm, còn hạ sĩ Bùi Văn Dũng bị đè gãy chân. Cả hai nhanh chóng được đồng đội kịp thời cứu ra đưa vào bệnh viện cấp cứu. Anh Quốc cho biết “Khi tôi tỉnh dậy mới biết anh Long đã hy sinh trong vụ cháy. Tôi dặn lòng không được khóc nhưng cứ nghĩ tới anh ấy là nước mắt lại chảy”. 

Gần 2 năm đã qua sau trận cháy kinh hoàng đó, Hạ sỹ Phan Tấn Quốc giờ đã chuyển từ Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2, Cảnh sát PCCC quận Bình Tân về Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP Hồ Chí Minh, vẫn vẹn nguyên lòng nhiệt huyết được tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu chống "giặc lửa", bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân.

Mưu trí bẻ tan âm mưu phá hoại của bọn phản động FULRO

Vẻ mặt, nước da bánh mật rắn rỏi và phong cách mang đậm “chất” của con người Tây Nguyên đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp anh – Đại tá Hồ Bắc, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đăk Lăk. Anh là một trong số những thương binh CAND tiêu biểu về Thủ đô tham dự cuộc Gặp mặt được Bộ Công an tổ chức dịp này.

Đại tá Hồ Bắc

Chia sẻ cùng chúng tôi, Đại tá Hồ Bắc cho biết, sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có 2 anh ruột là liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ ruột của ảnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân anh đã có thâm niên tới gần 44 năm gắn bó với ngành CAND và hiện anh là thương binh CAND hạng A.

Trong đợt truy quét bọn phản động FULRO, vào tháng 4-2004, lúc đó, anh đang giữ cương vị Phó trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột. Trong lúc trực tiếp chỉ huy lực lượng chốt tại ngã ba xã Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột) ngăn chặn các đối tượng phản động FULRO dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo, kích động một bộ phận người dân Ê đê gây rối để “đòi đất” và “thành lập nhà nước Đềga”. 

Tuy được các chiến sĩ Công an tuyên truyền, giải thích nhưng một số đối tượng vẫn manh động, dùng hung khí mang theo để tấn công Công an. Với tinh thần dũng cảm, quyết đảm bảo an toàn cho nhân dân và ANTT trên địa bàn, anh đã chỉ đạo tổ công tác kiên quyết bắt giữ, khống chế hàng chục đối tượng cầm đầu, quá khích đưa vào tuyến sau để khai thác, điều tra, bẻ tan âm mưu phá hoại của bọn phản động FULRO với sự chỉ đạo giật dây từ bên ngoài biên giới của đối tượng phản động Kso - Cơt. 

Trong quá trình ngăn chặn số đối tượng gây rối manh động này, anh đã bị thương tích nặng ở đầu, được đồng đội đưa đi cấp cứu kịp thời và được Nhà nước công nhận thương binh CAND hạng A.Trải qua nhiều cương vị công tác, từng đối mặt với biết bao đối tượng tội phạm manh động, nhưng anh chưa một lần nao núng, anh luôn tự nhủ mình phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ CAND bảo vệ bình yên trên rẻo đất Tây Nguyên.

Thiếu tướng Hoàng Trọng Hải, thương binh hạng 3/4, nguyên Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục An ninh

Năm 1982, khi mới 25 tuổi, đồng chí bị thương khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Biên giới phía Bắc và bị mất 1 chân. Những tưởng, những mất mát, thay đổi này sẽ khiến đồng chí suy sụp và bỏ cuộc. Nhưng với nghị lực vươn lên của bản thân, sau 2 năm điều trị, đồng chí đã được trở về đơn vị công tác. 

Thiếu tướng Hoàng Trọng Hải

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, noi gương các thế hệ đi trước, Thiếu tướng Hoàng Trọng Hải luôn tự hào và xác định “thương binh tàn nhưng không phế”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên các cương vị công tác. “Say mê công việc và chính công việc đã giải thoát cho tôi, làm tôi quên đi những mất mát của bản thân và thấy mình vẫn còn có ích. 

Vì vậy, với vị trí của một người đi trước, tôi mong muốn thế hệ trẻ CAND hôm nay, không may bị thương khi làm nhiệm vụ giữ được lửa, ý chí chiến đấu của người chiến sĩ CAND trong bất kỳ hoàn cảnh nào, say mê công việc, không tự ty, vươn lên học hỏi và giữ tâm hồn trong sáng” - Thiếu tướng Hoàng Trọng Hải nói.

Thượng tá Cao Minh Chánh, Phó trưởng Công an huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Là con trai Liệt sĩ Cao Văn Của, tham gia cách mạng khi cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc rơi vào thời kỳ ác liệt. Liệt sĩ Cao Văn Của hi sinh năm 1968, khi tấn công vào đồn của giặc, tại xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, Thượng tá Cao Minh Chánh luôn ý thức được sự mất mát, hi sinh của các thương binh, bệnh binh, các Anh hùng liệt sĩ, trong đó có người cha thân yêu của mình là cao cả. 

Thượng tá Cao Minh Chánh

Để tiếp nối sự nghiệp còn dang dở của cha, mong muốn được cống hiến, phục vụ nhân dân, năm 1979, Thượng tá Cao Minh Chánh làm đơn xin vào lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang. Quá trình công tác, phấn đấu, đồng chí luôn tâm niệm phải sống sao cho có trách nhiệm với vị trí, nhiệm vụ được giao. 

“Có mặt tại buổi Gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu CAND hôm nay, tôi rất vinh dự và tự hào về người cha của mình. 40 năm qua là những năm tháng nỗ lực, rèn luyện bản thân, làm tròn lời hứa với cha, với ngành”- Thượng tá Cao Minh Chánh chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành và các đại biểu tại Gặp mặt

Trong 2 cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Công an có hơn 14 ngàn liệt sỹ, hơn 5 ngàn thương binh, bệnh binh và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Hiện có trên 4000 đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công đang công tác trong lực lượng CAND. 

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã có hơn 200 CBCS Công an hi sinh, hàng ngàn CBCS bị thương để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Từ năm 2016 đến nay có 33 đồng chí hi sinh, 1.058 đồng chí bị thương, 6 tháng đầu năm 2019, có 6 đồng chí hi sinh, 96 đồng chí bị thương, 49 đồng chí phơi nhiễm HIV khi thi hành nhiệm vụ...

Tâm Phạm – Vũ Linh
.
.