Gia tăng tai nạn tại đường ngang qua các tuyến đường sắt:

Đối thoại tìm giải pháp

Thứ Ba, 29/11/2016, 18:31
Nhằm tìm giải pháp kiềm chế TNGT tại các đường ngang qua đường sắt, ngày 29-11, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an (CSGT), tổ chức hội thảo đối thoại với các doanh nghiệp đường sắt tìm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Thời gian vừa qua, tình hình TNGT trên các tuyến đường sắt có diễn biến phức tạp, tăng cả 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tại các lối đi dân sinh không có người gác chắn, chiếm tới 84% số vụ.

Để nghiên cứu và đưa ra giải pháp nhằm kiềm chế, giảm TNGT đường sắt trong thời gian tới, nhất là tai nạn tại các điểm giao cắt giữ đường bộ và đường sắt đi vào doanh nghiệp (đường ngang chuyên dùng), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Cục CSGT đã phối hợp với Công an TP Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng và Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải, Hà Ninh tổ chức khảo sát tại thực địa đối với 36 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là lối đi vào 61 doanh nghiệp bằng phương pháp chụp ảnh, đo đạc, vẽ sơ đồ và lập biên bản ghi nhận thực trạng đối với từng vị trí giao cắt, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp để ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp về làm đường ngang, đường gom, việc xã hội hoá khi làm đường ngang, đường gom; những khó khăn, vướng mắc.

Đại tá Nguyễn Hồng Đô,  Phó trưởng Phòng Hướng dẫn và tổ chức công tác bảo đảm TTATGT đường sắt, Cục CSGTcho biết, hiện nay trên toàn tuyến đường sắt Việt Nam có tổng cộng 5.803 đường ngang gồm cả đường ngang hợp phápvà đường ngang dân sinh. 

Đặc biệt, trên tuyến đường sắt do Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải và Hà Ninh quản lí có 36 điểm giao cắt là lối đi vào 61 doanh nghiệp. Trong  đó, có 5 đường ngang có người gác, 16 đường ngang có cảnh báo tự động, 11 đường ngang có biển báo và 4 lối đi dân sinh.
Các đại biểu đối thoại đảm bảo ATGT đường sắt.

Qua khảo sát, cho thấy, hầu hết các đường ngang, lối đi dân sinh vào các doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập gây mất an toàn giao thông như: tầm nhìn bị hạn chế, thiếu các báo hiệu về đường ngang, lối đi dân sinh vào các doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, gây mất an toàn giao thông như: tầm nhìn bị hạn chế, thiếu các báo hiệu về đường ngang, mặt đường nội bộ trong phạm vi đường ngang không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; 

31/32 đường ngang chưa có quyết định khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; hầu hết các doanh nghiệp đều đồng ý đầu tư, đóng góp kinh phí cùng với cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền tổ chức cảnh giới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo bề mặt đường ngang để việc qua lại được đảm bảo an toàn…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận và tham gia nhiều ý kiến. Hội nghị đã đề xuất cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư kinh phí xây dựng, mở đường ngang hoặc cải tạo, nâng cấp đường ngang làm lối đi vào doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông...

Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT kết luận khẳng định, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, đề nghị cần rà soát, bổ sung đầy đủ quyết định thành lập đường ngang của Cục Đường sắt Việt Nam, quyết định đưa đường ngang vào khai thác sử dụng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. 

Tại đường ngang do doanh nghiệp xin phép mở thì tự bỏ kinh phí tổ chức gác cảnh giới, doanh nghiệp cần bố trí người gác cảnh giới khi có tàu qua lại (24/24h). Người gác cảnh giới phải được tập huấn về nghiệp vụ cảnh giới đường ngang do ngành đường sắt tổ chức tập huấn.

Doanh nghiệp phải lắp đặt điện thoại, liên hệ với khu ga gần nhất để nắm giờ tàu qua lại đường ngang... Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về việc tổ chức thi công xây dựng, khai thác sử dụng tại các đường ngang và công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang trong quá trình khai thác, sử dụng.

Phương Thuỷ
.
.