Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/7/2007):

Đến với Trung đoàn 20

Thứ Sáu, 13/07/2007, 10:10
Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, Thượng tá Vũ Ngọc Kiềm, Trung đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy cuộc hành quân và cũng là người trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu.

Mệnh lệnh cấp tốc hành quân chiến đấu

"Trung đoàn Cảnh sát cơ động 20 cấp tốc hành quân chiến đấu! Đội hình hành quân: Xuất phát từ ba mũi tại ba vị trí đóng quân. Phương tiện hành quân: Ôtô đặc chủng. Vũ khí: Trang bị theo yêu cầu chiến đấu nghiệp vụ. Đúng giờ G, ba mũi hợp quân tại vị trí X để nhận nhiệm vụ cụ thể". Đó là mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an.

Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, Thượng tá Vũ Ngọc Kiềm, Trung đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy cuộc hành quân và cũng là người trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu. Có thể khẳng định đây là cuộc hành quân chiến đấu có ý nghĩa lịch sử, đối với Trung đoàn, bởi từ ngày thành lập đến nay, cuộc hành quân cơ giới lần này lớn nhất - cấp Trung đoàn; đường hành quân dài nhất; các tiểu đoàn ở xa nhau nhất nên việc tổ chức hiệp đồng khó khăn nhất. Và cuộc chiến đấu để giữ gìn an ninh trật tự lần này cũng phức tạp vô cùng.

Xét về tính thời sự của cuộc hành quân chiến đấu này nay mới nói thì hơi bị "quá đát" và có phần "ăn cơm nguội", nhưng xét ở góc độ phải diễn giải nội dung sự việc để từ đó đúc rút kinh nghiệm làm bài học cho việc tổ chức, chỉ huy hành quân, hiệp đồng chiến đấu sau này, thì đây là vấn đề đang sốt dẻo. Vậy nên tôi định đến thẳng Sở chỉ huy Trung đoàn ở Tây nguyên để tìm hiểu, thu thập thêm tài liệu và phụng mạng viết một bài cho có "khí thế". Ấy thế mà khi ngẫm nghĩ lời dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại lễ kỷ niệm lần thứ 40 Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân năm 1985: "… Cái nghề của các đồng chí là cái nghề làm nhiều, nói ít. Không nói mà làm mới tốt…" rất chí tình, chí lý, nên tôi chuyển hướng "hành quân", đi lên từ cơ sở và bắt đầu từ Tiểu đoàn 3 ở miền đất "chưa mưa đã thấm".

Ôn cố tri tân

Trung tá Đỗ Đình Định vừa được Bộ bổ nhiệm chức Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, tiếp tôi tại thao trường - nơi 3 đại đội đang ôn tập các động tác đội ngũ. "Cái món đi đều"... "đứng lại" tưởng đã mềm lòng như cơm cà, rau muống, nào ngờ khép vào đội hình đại đội chưa được ngon lành lắm. Nhiều đơn vị làm tốt nhưng cũng có đơn vị khi đứng lại còn bị "dồn toa" đùn đẩy nhau. Thế mới biết văn ôn, võ luyện quả không thừa.

Chúng tôi lên tầng hai doanh trại của Đại đội 9 nhìn ra chung quanh. Cảnh nhà dân hoang tàn sau những lần đại bão. Dấu chân "con voi", "bò rừng"… vẫn còn đó. Cỏ mọc ngập ống chân trên những đống gạch vụn, xen lẫn những mảng bê tông ngổn ngang. Chủ nhà phiêu bạt đi làm ăn nơi nào không biết đã mấy lần ngoảnh lại?

Những ngày thiên tai, hoạn nạn ấy, toàn Tiểu đoàn đã triển khai lực lượng đến những địa bàn ác liệt giành giật với gió mưa, với sấm sét để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân. Không ai dự tính hết rằng doanh trại này phút chốc đã thành doanh trại "dân binh", gồm các cụ già, các chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi đến các em bé mới sinh ở các vùng lân cận nhà cửa bị đổ nên chạy vào đây tránh bão…

Thế là đơn vị vừa phải lo chống bão ở tiền phương vừa phải lo công việc ở hậu phương. Phải cung cấp lương thực đầy đủ và phân công người chăm lo công tác hậu cần: Nấu ăn, chợ búa và đặc biệt là phải chăm lo công tác vệ sinh phòng bệnh dịch cho đội "dân binh" hơn 700 người trong suốt hai ngày đêm mưa bão. Tôi có hỏi chuyện mấy chiến sĩ nuôi quân. Anh em nói rất chân thành: "Dân nuôi mình mới là công lao to lớn, mình giúp dân vài ba hôm thì có là bao".

Hậu quả của những cơn bão cũ khắc phục chưa xong, thì cơn bão số 1 năm nay đã vào Quảng Ninh và cơn bão số 2 đang dập dờn ngoài biển Đông… Phó Trung đoàn trưởng Đỗ Đình Định cho biết: Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3 rút kinh nghiệm năm ngoái sẽ chuẩn bị phương án doanh trại này khi cấp bách sẽ thành nhà tránh bão cho dân và những chiến sĩ đang đi đều trong đội ngũ hôm nay cũng đang chuẩn bị "lúc trời đất nổi cơn gió bão", không phải "đi đều bước" mà phải chạy nhanh nhất đến giúp bà con trong cơn hoạn nạn.

Từ Tiểu đoàn 3 đến "hộ chung cư" Tiểu đoàn 1 và Sở chỉ huy Trung đoàn phải vi  vu qua 450 km đường QL1A và QL19. Xa thế mà bão vẫn lên đến đây. Cơn bão số 5, số 6 năm ngoái đã gây thiệt hại cho Trại Gia Trung - đơn vị án ngữ trước cửa Tây Nguyên ít nhất 416 triệu đồng. Thế nhưng doanh trại của Trung đoàn 20 và Tiểu đoàn 1 dù ở trên vùng đồi cao mênh mông gió lộng vẫn trụ vững, không có "thương tích" gì đáng kể.

Khác với lần trước, lần này lên đây tôi thấy nhiều niềm vui thật ấn tượng: Một ngôi nhà hai tầng mới xây xong vừa đàng hoàng, vừa cao đẹp, dành cho đơn vị huấn luyện tân binh phục vụ việc thay quân hằng năm cho Trung đoàn. Một dãy nhà để xe đặc chủng gần trăm chiếc, anh em nói đùa là đã cấp sổ đỏ cho từng xe. Một sân vận động hoành tráng luyện tập quân sự đúng tầm cỡ và rất tuyệt vời bóng đá! Duy chỉ có cái sân khấu, rường cột xi măng, cốt sắt nặng nề quá.

Cũng khác với lần trước, lần này tôi gặp Đại úy Lê Đại Thắng, tân Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Anh hùng. Anh là Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất so với các đời tiểu đoàn trưởng ở đây, trưởng thành từ chiến sĩ nghĩa vụ quân sự.

Với vóc dáng trai trẻ, nhanh nhẹn, lại có năng lực chỉ huy và huấn luyện nên anh được Ban chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ tổng phụ trách huấn luyện khối "quân xanh, quân đỏ" và Đội Đặc nhiệm tinh nhuệ với quân số 1.300 cán bộ, chiến sĩ. Kế thừa kinh nghiệm cuộc thực tập năm ngoái, năm nay đơn vị khẩn trương luyện tập theo các phương án chiến đấu, bảo vệ với yêu cầu cao hơn và với các giả định tình huống phức tạp hơn nhưng sát với thực tế chiến đấu. Toàn Tiểu đoàn 1 đã dồn hết tâm trí, sức lực vào công tác trọng tâm này.

Mới đây, ngày 28/6, cuộc thực tập được tiến hành dưới sự theo dõi, kiểm tra và kiến tập của các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Tổng cục 1 và 2, lãnh đạo các Cục có liên quan và 16 đoàn đại biểu Công an một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã biểu dương: "…Đơn vị có nhiều nỗ lực cố gắng chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho cuộc thực tập. Đáng khen là đã có những tưởng định tình huống sát với thực tế chiến đấu, bảo vệ của lực lượng Cảnh sát cơ động. Trong diễn biến chiến đấu, người chỉ huy đã xử trí rất linh hoạt và dũng cảm. Cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị tham gia diễn tập đã khắc phục khó khăn, thực tập khẩn trương, nghiêm túc, xứng đáng là những chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phụ trách…".

Nếu ở Tiểu đoàn 1, tôi rất tâm đắc là lần nào lên đây cũng cảm thụ được cái đẹp về tinh thần chấp hành điều lệnh nội vụ của cán bộ, chiến sĩ luôn luôn gương mẫu duy trì một cách tự giác thành một nếp sống văn minh, thì cũng như vậy ở Tiểu đoàn 2 - đơn vị đóng quân ở đầu ô thành phố Buôn Ma Thuột. Nhưng ở đây còn có một chi tiết rất thú vị là sự tăng gia mang biểu tượng văn hóa. Hoa hồng, hoa mẫu đơn nở rực rỡ trên cành; những vườn rau cải xanh mơn mởn chen dưới gốc.

Và cứ như thế, hoa và rau vây quanh bên thềm. Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Trung tá Phạm Văn Long là một sĩ quan Cảnh sát lên đây từ năm 1988, nói với tôi: "Trong chương trình công tác năm 2007 của đơn vị có 8 điểm cơ bản thì điểm thứ 8 là: Đẩy mạnh công tác gia tăng sản xuất, trồng rau xanh, chăm sóc cây ăn quả, cây cảnh; tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm để góp phần cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ, chiến sĩ và tạo quỹ vốn cho đơn vị…".

Anh tiết lộ bí mật: "Ngoài 20 đầu lợn thường xuyên vỗ béo trong chuồng, chúng em còn có một trại nuôi bò cách đây đúng 50 cây số…". Thế là sự ngẫu hứng bất ngờ, anh đưa tôi đến đó. Hoàng hôn xuống rất nhanh. Tiết thu se lạnh đầu ngọn gió. Vắng lặng và cô liêu. Ấy vậy mà 5 chiến sĩ được cắt đặt luân phiên làm nhiệm vụ ở đây vẫn yên tâm với công việc không tên, vẫn sống lạc quan, thoải mái. Anh em nhại lời bài hát "Đến Tây Nguyên người ở đừng về" thành lời mời chúng tôi: "Đến Tây Nguyên mời Thủ trưởng ở xơi cơm chiều!"

Trần Liêu
.
.