Để bà con thêm yêu quê hương, bản làng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh

Thứ Tư, 06/05/2020, 08:47
Phóng viên Báo CAND có cuộc phỏng vấn Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an về chủ trương đậm tính nhân văn, nhân ái, làm nhà cho hộ nghèo ở Mường Nhé với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”.

Như Báo CAND đã thông tin, nhằm phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách” của dân tộc và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên thực hiện chủ trương hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân nghèo tại huyện Mường Nhé.

Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, Công an tỉnh Điện Biên đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tham mưu cho Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU ngày 4/10/2019 về chủ trương hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo ở Mường Nhé với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”.

Đồng thời, Công an tỉnh Điện Biên phối hợp cùng các đơn vị chức năng của Bộ và chính quyền địa phương, tích cực triển khai chủ trương hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho bà con huyện vùng cao, vùng sâu Mường Nhé.

Những ngày qua, phóng viên Báo CAND, Truyền hình ANTV đã có chuyến đi thực tế, ghi nhận công tác xây dựng, sữa chữa nhà ở tại địa bàn, những đổi thay tại các bản vùng cao Mường Nhé sau khi có nhà ở mới cũng như tâm lý phấn chấn, tin tưởng của bà con Mường Nhé với Đảng, Nhà nước, Bộ Công an...

Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND, có cuộc phỏng vấn Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an về chủ trương đậm tính nhân văn, nhân ái nói trên.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn trao nhà tặng hộ dân nghèo ở Mường Nhé.

- Thưa Bộ trưởng, chủ trương hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bước đầu đã đạt kết quả rất tích cực, thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về chủ trương này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Lực lượng Công an trong quá trình triển khai công tác của mình luôn luôn nhận được sự thương yêu giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, đặc biệt là nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc, đều được đồng bào, nhân dân ủng hộ.

Trong quá trình triển khai công tác đảm bảo an ninh, giữ gìn an ninh trật tự thì lực lượng CAND cũng nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở các vùng tình hình an ninh, trật tự có những vấn đề phức tạp như vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính được sự hỗ trợ của nhân dân đã mang lại kết quả rất tốt đẹp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Trong quá trình triển khai công tác, lực lượng CAND bằng các biện pháp khác nhau cùng chia sẻ với những khó khăn của đồng bào vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.  

Đảng ủy Công an Trung ương có kế hoạch thống nhất với các ban thường vụ tỉnh ủy, đặc biệt là các tỉnh biên giới, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thống nhất các chủ trương làm sao vừa phát động được phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực để ổn định, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân. Giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh luôn luôn có một mối quan hệ rất chặt chẽ.

- Việc lựa chọn thực hiện bước đầu tại huyện Mường Nhé có ý nghĩa như thế nào trong triển khai chủ trương chung của Bộ, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tô Lâm: Mường Nhé là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Do đó, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải luôn luôn gắn liền với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân trong bảo vệ quốc phòng, an ninh tại địa bàn.  Xuất phát từ những yêu cầu đó, chúng tôi là một trong những lực lượng gắn bó với nhân dân nên rất hiểu, chia sẻ với khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng miền núi, biên giới như Mường Nhé.

Chúng tôi đã gắn bó nhiều năm với vùng đồng bào dân tộc miền núi, trong đó có những huyện như Mường Nhé, Mường Tè, Nậm Pồ và nhiều huyện khác nữa nên rất chia sẻ, thông cảm với khó khăn của đồng bào. Chúng tôi vừa phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động được nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời phối hợp cùng với các địa phương, các ngành để góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. 

Theo báo cáo của nhiều địa phương thì mặc dù Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm rất nhiều đến đồng bào các dân tộc ở miền núi, nhưng thực tế đời sống đồng bào vẫn còn khó khăn. Theo đánh giá của chúng tôi thì Mường Nhé là một điểm khó khăn nhất trong tất cả những vùng khó khăn. Chúng tôi cũng bàn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường vụ huyện ủy Mường Nhé có những cách làm để từng bước đưa Mường Nhé bừng sáng lên, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, từ đó góp phần củng cố quốc phòng, an ninh tại địa bàn.

- Thưa Bộ trưởng, những năm qua, đi cùng những khó khăn của đồng bào vùng cao là tình trạng di canh, di cư, ảnh hưởng tới đời sống và vấn đề quốc phòng, an ninh. Những ngày qua, khi phóng viên đi thực tế, trao đổi với bà con đều cảm nhận sự phấn chấn của đồng bào khi có được căn nhà ổn định, với ý nghĩa rất quan trọng là “an cư mới lạc nghiệp”... 

Bộ trưởng Tô Lâm: Cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều tỉnh thành, nhiều ban ngành, sự nỗ lực của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã đóng góp và bước đầu xây dựng tại Mường Nhé gần 1.300 căn nhà, gồm sửa chữa và làm mới để đảm bảo những người nghèo, những người chưa có nhà ở tại huyện Mường Nhé có nhà ở, từng bước ổn định cuộc sống, không phải di cư tự do. Qua đó, để bà con yêu quê hương mình, làng xóm mình, bản mình, góp phần vào công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Việc thực hiện chủ trương trên, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, của các tổ chức ngân hàng, đóng góp cùng với các cơ quan, ban ngành tỉnh Điện Biên nhân dịp chào mừng kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tới nay, cơ bản hoàn thành số lượng xây dựng nhà ở cho bà con, làm cơ sở để giúp bà con thoát nghèo. Vùng đồng bào dân tộc cần nhất là nhà ở cố định, có một bể nước, một đôi trâu, đôi bò thì có thể đã xóa được đói nghèo. Những kết quả đạt được nói trên cũng góp phần chào mừng Đại hội Đảng bộ của huyện Mường Nhé cũng như tỉnh Điện Biên trong dịp này.

- Ngoài Mường Nhé, chủ trương này tới đây sẽ được triển khai mở rộng như thế nào tới các huyện nghèo khác trong cả nước, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tô Lâm: Trên cơ sở làm tốt ở Mường Nhé, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai ở các huyện nghèo khác. Toàn quốc hiện nay có 61 huyện nghèo, chúng ta sẽ có những cách làm cụ thể để xóa dần khoảng cách giàu nghèo và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng miền núi để góp phần củng cố an ninh, trật tự ở những địa bàn này.

Sau khi rút kinh nghiệm hoàn thành chương trình tại Mường Nhé, chúng tôi sẽ cùng với cấp ủy các địa phương, trong số 61 huyện nghèo này thì trước mắt sẽ tập trung giải quyết làm tốt tại một số huyện như Mường Tè (Lai Châu), Vân Hồ (Sơn La), Nậm Pồ (Điện Biên)... Trên cơ sở triển khai ở những huyện khó khăn đó, chúng tôi sẽ tổng hợp lại để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để đánh giá một cách toàn diện hơn, từ đó kêu gọi sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp để cùng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương còn lại.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đ.Trường
.
.