Đấu tranh mạnh với nạn buôn lậu thuốc lá

Thứ Bảy, 28/09/2019, 11:23
Sản xuất, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá...


Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua việc buôn lậu thuốc lá vẫn chưa giải quyết được triệt để dù các cơ quan chức năng như công an, bộ đội biên phòng vẫn nỗ lực huy động lực lượng, dùng các biện pháp phát hiện, đấu tranh trên lĩnh vực này.

Gần đây nhất, ngày 24-9, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Công an huyện Phước Long kiểm tra hành chính nơi ở của gia đình ông Trương Minh Thành ở ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, phát hiện, thu giữ hơn 11.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Số thuốc lá này mang các nhãn hiệu Hero, Scott, Jet… 

Cơ quan công an thu giữ thuốc lá lậu.

Trước đó, ngày 10-9, Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cũng đã phát hiện và bắt quả tang xe ô tô 4 chỗ do tài xế Lê Linh Dương trú tại xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có vận chuyển hơn 10.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trên đường đi tiêu thụ. Số thuốc trên ông Thành khai nhập lậu từ khu vực biên giới tỉnh An Giang. 

Đầu tháng 9, Công an huyện Trảng Bàng phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Trảng Bàng phát hiện 1 ô tô chở 3.500 bao thuốc lá điếu Jet và 2.500 bao thuốc lá hiệu Craven. Lái xe khai khách thuê chở hàng từ cửa khẩu Mộc Bài về TP Hồ Chí Minh.

Các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn để đưa thuốc lá lậu qua biên giới, tuồn sâu vào nội địa tiêu thụ. Hơn nữa, từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%, giá thuốc tăng nên tình trạng buôn lậu cũng hết sức phức tạp. 

Các khu vực biên giới hay diễn ra tình trạng buôn lậu thuốc lá là Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh)… và nhiều tỉnh biên giới Tây Nam.

Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn vận chuyển như: dùng xe máy chở hàng hoặc bọc kỹ thuốc lá, ký gửi qua xe khách... 

Tháng 5-2019, các lực lượng chống buôn lậu của An Giang đã phát hiện hơn 120 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Trong đó, thuốc lá lậu bị bắt giữ hơn 103.000 gói. 

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, để vận chuyển thuốc lá lậu, các đối tượng liên tục thay đổi thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Họ sử dụng xe mô tô chạy với tốc độ cao, cắt cử người canh gác trên các tuyến đường. Thậm chí, nhiều đối tượng không tập kết hàng về kho mà đặt tại các bãi đất trống, cử người canh giữ, khi bị phát hiện thì người canh giữ bỏ chạy thoát thân, thuốc lá lậu trở thành hàng vô chủ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. 

Bên cạnh đó, nhằm lách luật, các đối tượng chia lẻ số hàng để khi bị phát hiện, cơ quan chức năng sẽ không xử lý được hình sự theo quy định vì không đủ định lượng…

Trước đó, vào tháng 6-2019, tại Long An, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã họp triển khai kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại 6 tỉnh khu vực Tây Nam gồm: Long An, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp và Bình Phước. 

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có mặt hàng thuốc lá, tăng cường lực lượng, phối hợp đấu tranh ngăn chặn từ tuyến biên giới và nội địa. 

Những vụ việc liên tục được phát hiện, xử lý cho thấy nỗ lực và quyết tâm cao của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống tội phạm buôn lậu thuốc lá.

Ngọc Lan
.
.