Lực lượng Công an nỗ lực đảm bảo an ninh, trật tự tại các trạm thu phí BOT:

Đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt trong dịp Tết

Thứ Ba, 13/02/2018, 18:15
Liên tục những ngày vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an có chỉ đạo hạn chế hội họp, đảm bảo an ninh, trật tự và trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đặc biệt là ANTT tại các trạm thu phí BOT. Lãnh đạo Bộ cũng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải và chỉ đạo Công an các địa phương có trạm BOT có các phương án đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt, an toàn.


Phải nói rằng, BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, giải bài toán” vừa phát triển hạ tầng vừa giảm áp lực nợ công, phần quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế địa phương và vùng miền. Tuy nhiên, do các trạm thu phí quá dày đặc, có nơi khoảng cách giữa 2 trạm thu phí chỉ 12km – 15km như trạm thu phí Hầm Đèo Ngang; nhiều địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến cho người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu đã lợi dụng sự thiếu minh bạch trong việc xây dựng, thu phí tại các trạm BOT để lôi kéo, kích động người dân gây mất ANTT, ùn tắc giao thông để thực hiện mưu đồ của mình.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra toàn diện, tổng thể các trạm thu phí BOT để có chỉ đạo đúng đắn, toàn diện và phù hợp. Tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn đang kích động một số người dân quá khích gây ùn tắc giao thông, làm phức tạp tình hình ANTT. 

Chính vì vậy, cùng với việc tham mưu cho chính quyền địa phương các phương án xử lí tình huống, Công an các tỉnh, thành phố có trạm BOT đi qua đã có kế hoạch cụ thể, thành lập các tổ công tác ứng trực 24/24h tại các trạm BOT để phân luồng, hướng dẫn giao thông; đảm bảo ANTT để nhân dân đi lại thông suốt.

Tại Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang – nơi có tình hình phức tạp Công an tỉnh đã vận động các nhà xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; vận động nhân dân quanh trạm BOT không tham gia gây mất ANTT ở các trạm BOT, đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giảm giá vé cho người dân quanh vùng.

Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an Tiền Giang cho biết đã mời 1 số đối tượng quá khích, cầm đầu lôi kéo người dân cố tình làm cảm trở giao thông, gây mất ANTT tại trạm BOT Cai Lậy để làm rõ hành vi. "Trong số các đối tượng trên, nổi lên là các đối tượng trong nhóm “Bạn hữu đường xa”, Công an tỉnh đã từng bước giáo dục, tác động đồng thời thành lập tổ công tác TTKS, nắm tình hình, đảm bảo ANTT xung quanh khu vực trạm thu phí để đảm bảo an ninh, an toàn, xử lí vi phạm; đề nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận để giảm tải cho QL 1A. Tuyến QL 1A qua địa bàn chỉ có 2 làn xe, mật độ phương tiện đông, xe mô tô thường xuyên lấn làn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn” – Đại tá Nguyễn Hữu Trí nhấn mạnh...

Lực lượng Công an đảm bảo an ninh trật tự tại trạm BOT.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, lực lượng Công an luôn ứng trực tại trạm BOT, khi ùn tắc giao thong đã yêu cầu xả trạm để giải toả, xe nào gây ùn tắc sẽ xử lí nhưng Trạm BOT không phối hợp tốt, sợ mất tiền nên chần chừ, kéo dài thời gian, Công an phải làm quyết liệt mới chấp hành. 

Tại BOT Sóc Trăng, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh gặp gỡ, vận động các nhà xe kinh doanh trên địa bàn; tập trung lực lượng đến hiện trường, giải quyết ùn tắc; ngăn chặn từ xa các đối tượng trọng điểm, không để các đối tượng này tuyên truyền, kích động gây rối; ghi hình những hình ảnh tài xế, phương tiện tiện cố tình gây ùn tắc để có phương án xử lí; xây dựng phương án phân luồng, giải toả giao thông. 

Công an Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo giảm giá vé, đặc biệt là mở rộng phạm vi giảm giá phương tiện không đi tuyến tránh; lãnh đạo Trạm BOT phải có mặt 24/24h để chỉ đạo kịp thời việc xả trạm khi có ùn tắc...

Lo ngại vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tái diễn tình trạng lái xe dùng tiền lẻ để trả tiền mua vé, dừng xe tại trạm thu giá, gây ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, các tài xế không nên dùng các biện pháp tiêu cực gây ùn tắc, ảnh hưởng đến những người có công việc, nhu cầu cần phải đi lại nhanh. 

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc.

“Cùng với việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm thu giá, Tổng cục Đường bộ Vệt Nam đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các lái xe cố tình gây ách tắc giao thông tại trạm thu giá, đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018”, ông Huyện cho biết.

Nhắc lại việc đảm bảo TTATGT, không để xảy tai nạn nghiêm trọng,  đảm bảo cho  người dân đi lại thông suốt, an toàn, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố, trực tiếp là đồng chí Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tập trung đôn đốc, chỉ đạo CSGT và các lực lượng khác của Công an địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm các đối tượng, phương tiện vi phạm quy định về TTATGT. Nhất là đối với người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, đi lấn đường, uống rượu bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy…

Lãnh đạo Công an các cấp cần hạn chế họp hành, dành nhiều thời gian kiểm tra, đôn đốc trực tiếp trên các tuyến đường... đặc biệt, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự tại các trạm BOT, không để xảy ra ùn tắc kéo dài.

Phương Thuỷ
.
.