Đảm bảo bí mật dữ liệu cư trú đã được “số hóa”

Thứ Tư, 02/05/2007, 08:14

Theo Bộ Công an, chỉ những người được giao nhiệm vụ quản trị cơ sở dữ liệu về cư trú ở các cấp mới có quyền vận hành, xử lý dữ liệu trong cơ sở dữ liệu cư trú. Mọi sự truy nhập đến cơ sở dữ liệu về cư trú phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú.

Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết, ngoài việc soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú, Bộ Công an cũng đang hoàn tất, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về đảm bảo điều kiện cho hoạt động quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú.

Đáng chú ý, thay cho việc quản lý bằng sổ sách, hồ sơ thông thường, dự thảo quy định rõ việc quản lý cơ sở dữ liệu về cư trú đều phải được thực hiện trên mạng điện tử.

Lưu giữ lâu dài các thông tin dữ liệu mỗi người từ khi sinh đến khi chết

Có thể xem việc số hoá toàn bộ dữ liệu về cư trú, chỉ cần nhấp chuột biết rõ các thông tin cơ bản của trên 80 triệu công dân đã đăng ký quản lý cư trú như họ tên, giới tính, nơi sinh, quê quán, số chứng minh nhân dân... là bước cải cách hành chính rõ nét.

Theo Thượng tá Đỗ Văn Cương, Phó trưởng Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Vụ Pháp chế Bộ Công an, thì việc sớm hoàn tất dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành là cơ sở đảm bảo việc thực hiện đồng bộ Luật Cư trú ngay từ ngày 1/7/2007.

Hoạt động của cơ sở dữ liệu về cư trú quán triệt nguyên tắc "Được thực hiện trên mạng điện tử, bảo đảm lưu giữ lâu dài các thông tin dữ liệu của mỗi người từ khi sinh đến khi chết, bảo đảm việc cung cấp, sử dụng các thông tin dữ liệu được nhanh chóng, thuận lợi, chính xác và hiệu quả".

Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia, được bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và văn bản pháp luật liên quan. Với những quy định đổi mới đề cập trong dự thảo Nghị định vừa đảm bảo yêu cầu truy cập, xử lý dữ liệu nhanh chóng, thuận tiện, vừa thực hiện tính bảo mật của dữ liệu, tính ổn định lâu dài...

Theo tinh thần dự thảo Nghị định, tổ chức cơ sở dữ liệu về cư trú gồm hệ thống thông tin, tài liệu về cư trú được thu thập, xử lý, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật.

Cơ sở dữ liệu về cư trú bao gồm: sổ đăng ký thường trú, tạm trú, các biểu mẫu, giấy tờ, tài liệu khác liên quan cư trú; các thông tin về cư trú của cá nhân, hộ gia đình được thu thập, xử lý, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng bằng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, theo phân tích của Vụ Pháp chế, tổ chức mạng điện tử cơ sở dữ liệu về cư trú được xem là bước cải tiến mạnh mẽ, trong đó mạng điện tử cơ sở dữ liệu về cư trú phải đảm bảo lưu trữ một khối lượng lớn dữ liệu tập trung, tra cứu, truyền và nhận dữ liệu nhanh chóng, an toàn, chính xác.

Mạng điện tử này cũng phải đảm bảo khả năng khắc phục nhanh chóng các sự cố, công nghệ hiện đại và với nguyên tắc mở và được kết nối với các mạng điện tử cơ sở dữ liệu khác.

Ai có quyền mở tra cứu dữ liệu cá nhân người khác?

Thông tin về cư trú của cá nhân lưu trong cơ sở dữ liệu về cư trú gồm có mã số cá nhân, họ tên khai sinh, tên gọi khác, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quê quán, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống, dân tộc, nghề nghiệp, các thông tin liên quan khác.

Thông tin về cư trú của hộ gia đình gồm mã số cá nhân, địa chỉ hộ gia đình, họ tên chủ hộ, mối quan hệ các thành viên trong hộ với chủ hộ...

Chỉ những người được giao nhiệm vụ quản trị cơ sở dữ liệu về cư trú ở các cấp mới có quyền vận hành, xử lý dữ liệu trong cơ sở dữ liệu cư trú. Theo đó, mọi sự truy nhập đến cơ sở dữ liệu về cư trú phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú.

Chế độ quản lý này rất nghiêm ngặt, dựa trên quy định cụ thể về quy trình quản lý, khai thác, sử dụng, vận hành thì mỗi mạng điện tử cơ sở dữ liệu cư trú các cấp phải có cán bộ chuyên trách bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ cơ sở dữ liệu cư trú.

Từ nay đến thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực thi hành chỉ còn 2 tháng. Cùng với việc hoàn tất 2 dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành, vấn đề quan trọng tiếp theo là chuẩn bị nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành được ngay, tránh các vướng mắc làm chậm tiến độ.

Để làm tốt điều này, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã có Chỉ thị số 05/2007/CT-BCA về việc triển khai thi hành Luật Cư trú trong CAND. Chỉ thị yêu cầu: Khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho Luật Cư trú được thực hiện ngay từ ngày 1/7/2007 (thời điểm Luật có hiệu lực thi hành) và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, cải cách hành chính trong lực lượng CAND, của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lực lượng CAND năm 2007, 2008.

Việc đảm bảo điều kiện cho hoạt động quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú góp phần đắc lực thực hiện hiệu quả Luật Cư trú. Theo tổng kết của Bộ Công an, thông qua công tác đăng ký, quản lý cư trú, lực lượng Công an và cơ quan chức năng đã nắm chắc di, biến động của dân cư, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các âm mưu phá hoại, giúp quản lý Nhà nước về an ninh - trật tự.

Tổng kết 8 năm gần đây cho thấy, công tác này đã đóng góp có hiệu quả việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần phát hiện, bắt giữ trên 37.000 đối tượng phạm tội, cung cấp thông tin, phục vụ điều tra, khám phá hơn 127.000 vụ án hình sự với gần 200.000 đối tượng phạm tội

Phan Đăng
.
.