Bộ Công an Hội thảo về phòng, chống tội phạm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế:

Chủ động đối phó với loại tội phạm mới

Thứ Bảy, 15/09/2007, 10:15
Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu thế quốc tế hóa, buộc cơ quan chức năng phải nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện, đầy đủ tình hình, các dự báo cũng như điều chỉnh, đổi mới trong phương thức, biện pháp phòng, chống tội phạm.

Điều này được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý về an ninh - trật tự trong và ngoài lực lượng CAND thẳng thắn nhìn nhận, phân tích sâu sát trong cuộc hội thảo do Bộ Công an tổ chức ngày 14/9: "Phòng, chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế".

Đây là hội thảo được chuẩn bị hết sức công phu, tập hợp 53 chuyên đề quan trọng do các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, các viện, trung tâm nghiên cứu, lãnh đạo các cấp trong CAND đánh giá tác động giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, những thay đổi, diễn biến mới về tình hình tội phạm, thủ đoạn, quy mô và tính chất tội phạm, đồng thời đưa ra những kiến nghị trên các lĩnh vực khác nhau.

Đồng chí Lê Thế Tiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an sau khi nghiên cứu các bài viết tập hợp trong kỷ yếu và trình bày tại hội thảo, những phân tích, đánh giá, kiến nghị của các nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo, khẳng định: Đó là những vấn đề thiết thực, sẽ tiếp tục được Bộ Công an nghiên cứu để vận dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Thứ trưởng nhận định, những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ và làm xuất hiện nhiều loại tội phạm mới ở Việt Nam, đặc biệt là sự gia tăng tội phạm mang tính quốc tế như tội phạm ma tuý, buôn người, tội phạm công nghệ cao, khủng bố, lừa đảo ngân hàng… Xu thế hình thành các băng, nhóm tội phạm trong nước với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, cấu kết chặt chẽ với nhau, hoạt động xuyên quốc gia sẽ diễn biến phức tạp.

Việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm được xem  là nội dung lớn, tiếp tục đổi mới. Thông qua các kênh hợp tác khu vực và quốc tế, lực lượng Công an Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý trên 26.000 lượt thông tin, trong đó có 11.000 lượt thông tin liên quan đến đối tượng truy nã quốc tế, trên 9.000 lượt thông tin liên quan đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia…

Qua kênh hợp tác Interpol, Cảnh sát Việt Nam đã bắt và trao trả hàng trăm đối tượng truy nã quốc tế, đồng thời phối hợp Cảnh sát các nước bắt giữ nhiều đối tượng truy nã từ Việt Nam trốn ra nước ngoài. Mặc dù vậy, những hạn chế trong giai đoạn hội nhập cũng ngày càng bộc lộ.

Trên góc độ pháp lý, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm đánh giá: Việc tham gia ký kết các điều ước quốc tế đa phương, song phương có khi mang tính hình thức vì nội dung không phù hợp thực tế Việt Nam như: vấn đề dẫn độ, quốc tịch, hợp tác… Khi thực hiện, cán bộ thi hành pháp luật xử lý các yêu cầu liên quan hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự còn thiếu kinh nghiệm.

Kiến thức về pháp luật quốc tế, ngoại ngữ, các thiết bị hỗ trợ phục vụ việc giải quyết tội phạm quốc tế của cán bộ thực thi pháp luật ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Thời kỳ hội nhập, xuất hiện một số loại tội phạm mới mang tính chất xuyên quốc gia, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

"Theo tôi, chúng ta cần xây dựng một chương trình, kế hoạch tổng thể nhằm chủ động trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài nói chung và tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam nói riêng trong những năm tới" - Thứ trưởng Lê Thế Tiệm đề nghị.

Liên quan vấn đề này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá tác động toàn cầu hoá đối với an ninh kinh tế, xã hội trên các góc độ: Mở cửa thị trường sẽ đối mặt sự xâm nhập, thậm chí đồng hóa về văn hoá, tư tưởng, lối sống. Thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán dễ bị rủi ro, nợ nước ngoài, sự cạnh tranh, gian lận thương mại, buôn lậu quốc tế trở nên gay gắt, tội phạm buôn người, rửa tiền xâm nhập sâu.

Một số phần tử thù địch lợi dụng hợp tác kinh tế để hoạt động gây nguy hại đến sự ổn định ở nước ta. Nguyên Phó Thủ tướng khẳng định: Những mối đe dọa an ninh không chỉ nằm ở bên ngoài mà xâm nhập sâu vào nội địa, tới mọi vùng miền và tầng lớp dân cư, thậm chí vào từng nhà thông qua Internet. Do đó chỉ có thể đảm bảo an ninh nếu củng cố vững chắc nội bộ, làm cho mỗi người dân tự nhận thức để phòng ngừa, miễn dịch…

Những vấn đề này cũng được làm nổi bật qua phân tích của Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh về "Quan điểm an ninh quốc gia và một số giải pháp chính bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế"; GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát về "Dự báo xu hướng phát triển của tội phạm trên thế giới và ở Việt Nam, các giải pháp phòng chống"; Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam về "An ninh tài chính ngân hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế"; Trung tướng Tăng Huệ, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với "Tình hình tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu quốc tế từ nay đến năm 2020 và giải pháp phòng, chống"…

"Phải chủ động nắm chắc tình hình từ xa, phát hiện kịp thời và giải quyết có hiệu quả các yếu tố phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự; tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Phải xây dựng lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm có lập trường tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao, sắc bén về chuyên môn nghiệp vụ, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng hiệu quả hợp tác để đề xuất với Chính phủ chỉ đạo ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn, đặc biệt là các hiệp định hợp tác song phương về lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ tội phạm với các nước có chung đường biên giới, các nước có quan hệ truyền thống và các nước có nhiều yêu cầu hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam… Phát huy các khuôn khổ hợp tác sẵn có như INTERPOL, ASEAN, ASEANAPOL để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm"

(Phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng
tại hội thảo ngày 14-9).

Phan Đăng
.
.