Chủ động các phương án, sẵn sàng đối phó với bão Hagupit

Thứ Hai, 08/12/2014, 17:17
Sáng 8/12, Đại tá Đặng Minh Lực, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, nhằm chủ động đối phó với siêu bão Hagupit, góp phần làm giảm hậu quả của thiên tai do bão lũ gây ra nên sáng cùng ngày, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai các kế hoạch PCLB theo công điện khẩn của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.

Theo đó, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo, phối kết hợp với lực lượng công an các vùng xung yếu, ven biển như Công an huyện Phú Vang, huyện Phong Điền, Quảng Điền... tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24; chuẩn bị lực lượng và phương tiện để tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời triển khai thực hiện phương án “5 tại chỗ”, sẵn sàng di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi tránh trú bão an toàn.

Thượng tá Huỳnh Công Thắng, Phó trưởng Công an huyện Phú Vang còn cho biết, trước tình hình siêu bão Hagupit đi vào biển Đông và có thể đổ bộ vào vùng ven biển các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên- Huế nên ngay trong sáng 8/12, đơn vị đã cắt cử 20 đồng chí sĩ quan, có kinh nghiệm trong công tác PCLB về 2 thị trấn và 18 xã vùng biển như: Phú An, Phú Diên, Phú Hải, Phú Dương, Phú Thuận... để tham mưu cho địa phương và hỗ trợ người dân trong công tác di dời, chằng chống nhà cửa khi bão đến.

Công an huyện Phú Vang đến xã ven biển Phú Thuận để tuyên truyền người dân sẵn sàng đối phó bão Hagupit.

Ông Nguyễn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay, trong hai ngày (7 và 8/12), địa phương đã huy động gần 300 tàu thuyền đánh bắt gần bờ và xa bờ vào neo đậu, tránh trú để đợi chờ bão Hagupit đi qua mới tiếp tục ra khơi.

Ghi nhận tại âu thuyền Phú Hải vào sáng 8/12, có hàng trăm tàu thuyền đã men theo cửa biển Thuận An để vào neo đậu ở khu vực này nhằm tránh bão. Ngư dân Hoàng Văn Trị (48 tuổi, ở xã Phú Hải)_chủ tàu cá TTH-15024, công suất 400CV cho biết: “Những mùa bão trước, do ham đánh bắt hải sản nên phải đến khi bão tiến sâu vào biển Đông thì tàu của tui và một số ngư dân khác mới cập bờ trú bão, rất nguy hiểm. Nay chỉ nghe tin bão trên biển Đông là tàu của ngư dân trong thôn đã vào bờ neo đậu tránh trú an toàn rồi. Trên hết là để bảo vệ tính mạng của mình và tài sản trên tàu”.

Tàu thuyền của ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) đã vào bờ neo đậu để tránh bão Hagupit.

Trong khi đó, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch xã Hải Dương (TX. Hương Trà) cho rằng, để tránh việc mất mát tài sản, đặc biệt là những lồng cá nuôi như cá chẽm, mú, hồng... của ngư dân trên phá Tam Giang nên xã đã khuyến cáo người dân thu gom cá lồng, lưới lừ để bán trước khi bão đến. Đến nay, đã có 20 hộ dân ở thôn Thai Dương Hạ thu gom hết 35 lồng cá nuôi trên phá để tránh bão.

Cũng trong sáng 8/12, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phát đi thông báo, kêu gọi gần 1.900 tàu thuyền đánh bắt gần bờ và 150 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh khẩn trương vào bờ trú bão Hagupit. Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho hay, Ban đã phát đi công điện khẩn gửi đến các huyện, thị xã, TP Huế và Cảng vụ hàng hải Thừa Thiên- Huế để yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động đối phó với bão Hagupit nếu bão đổ bộ vào đất liền.

Ngư dân xã Hải Dương (TX. Hương Trà) thu gom lưới, lừ trên phá để tránh bão.
Nhiều tàu cá đã vào khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải tránh bão.

“Qua đó, đã yêu cầu các chủ đầu tư thi công các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông phải có phương án bảo vệ công trình xây dựng; đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công và các công trình cơ sở hạ tầng gần khu vực công trình. Yêu cầu nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới và hồ chứa nước Tả Trạch thực hiện việc điều tiết nước đúng quy trình, đúng theo quy định của UBND tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du”, ông Hòa khẳng định.

Phối hợp với Bộ đội biên phòng di chuyển tàu vào bờ tránh bão 

Thực hiện công điện hỏa tốc vừa được Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang.

Theo đó, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban Quốc gia TKCN đặc biệt lưu ý các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang có tàu hoạt động ở khu vực giữa và Nam Biển Đông cần phối hợp với Bộ Đội biên phòng kiên quyết kêu gọi di chuyển vào bờ gần nhất hoặc tìm nơi trú tránh để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão số Hapupit, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền và giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; rà soát, kiểm tra dân cư sống tại vùng ven biển, vùng cửa sông, vũng trũng, thấp, lồng bè nuôi trồng thủy sản để có phương án chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban Quốc gia TKCN cũng lưu ý các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó khi có yêu cầu. Kiểm soát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình và có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ du đối với các hồ chứa đang thi công, đặc biệt các hồ đang có sự cố.

Lê Anh - Kim Thái
.
.