Cán bộ phải nghiêm, quản lý phải giỏi

Thứ Sáu, 28/12/2007, 14:26
Sau 10 năm thực hiện cai nghiện 3 giai đoạn, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc duy nhất và cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ tái nghiện thấp nhất trong cả nước (4,6%).

Ngày 24/12 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình cai nghiện 3 giai đoạn của Tuyên Quang và mô hình cai nghiện kết hợp tại trung tâm và cộng đồng của xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho 16 tỉnh miền núi phía Bắc nhằm thực hiện quyết liệt chiến dịch đẩy lùi tệ nạn ma tuý, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tìm lại ý nghĩa cuộc sống từ các công trường 06

Tiếng đục đẽo gỗ, tiếng máy khoan đá chạy ầm ầm cùng những bước chân hối hả của 35 lao động tại công trường 06 huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang.

Bất ngờ hơn khi 35 lao động đang miệt mài sản xuất kia lại chính là những người nghiện ma tuý, sau một thời gian cai nghiện cắt cơn, được đưa vào công trường để học nghề và tham gia sản xuất, tự nuôi sống bản thân. Đại uý Vũ Trọng Khải, Chỉ huy trưởng công trường 06 Yên Sơn, cán bộ Công an huyện 10 năm được điều động sang quản lý công trường, cho biết: Toàn bộ cơ ngơi của công trường 06 Yên Sơn rộng trên 2ha.

Từ những ngày đầu khó khăn, phải trích tiền túi để bù vào suất ăn cho các công trường viên, đến bây giờ công trường đã sắm được một số máy ủi, máy xúc, máy khoan để khai thác đá và các dụng cụ của một xưởng mộc.

Ngoài ra, công trường còn có ao cá, một khu nuôi rắn hổ mang và khu vườn rộng cho anh em cai nghiện tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cảm hóa người cai nghiện bằng tình cảm, bằng sự ấm áp của gia đình nên công trường không cần xây tường rào, không có bảo vệ nhưng chưa có trường hợp nào bỏ trốn.

Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Phải mất gần chục năm mày mò tìm đường, Tuyên Quang mới xây dựng được mô hình cai nghiện mới mang tính đặc thù của một địa phương miền núi phía Bắc. Từ năm 1996 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức cai giai đoạn 1 cho 2.865 người nghiện ma tuý; tổ chức 28 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 795  đối tượng cai nghiện tại công trường 06 gồm các nghề: thợ xây, mộc dân dụng, trồng nấm rơm… với tổng kinh phí dạy nghề trên 100 triệu đồng.

Xét duyệt cho 68 dự án vay vốn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của đối tượng cai nghiện giai đoạn III và số đối tượng đã được công nhận hoàn thành cai nghiện ma tuý với số tiền trên 500 triệu đồng; tạo việc làm cho trên 160 lao động có thu nhập ổn định. 

Mọi người nghiện đều phải đưa vào cai nghiện

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của mô hình cai nghiện 3 giai đoạn của Tuyên Quang, Đại tá Bạch Hồng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống ma tuý của tỉnh khẳng định: Sự tham gia tích cực, đồng bộ của lực lượng Công an có vai trò quyết định đến sự thành công của mô hình.

Công an tỉnh tổ chức huy động cán bộ, chiến sỹ có kinh nghiệm thuộc các lực lượng quản lý trại giam, Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý từ tỉnh, thị xã đến Công an 5 huyện và 104 xã, phường, thị trấn tham gia vào tất cả các giai đoạn quản lý và giáo dục, cảm hoá các đối tượng nghiện. Cảnh sát khu vực, Công an xã có nhiệm vụ nắm tình hình số đối tượng nghiện hút trên địa bàn phường, xã, lập danh sách và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa vào cai nghiện. Đây là giai đoạn gian nan nhất.

Trong số người nghiện ở Tuyên Quang có tới 70% đối tượng từng có tiền án, tiền sự, khi vào trung tâm cai thường gây rối, trộm cắp cả đồ đạc của trung tâm. Trấn át số đối tượng này chỉ có lực lượng Công an mới đủ khả năng và khiến các đối tượng không dám bỏ trốn ra ngoài, cũng chỉ lực lượng Công an mới làm tốt việc quản lý con người.

Toàn bộ số người hoàn thành cai nghiện, học nghề và làm việc tại các công trường 06 khi trở về gia đình sẽ tiếp tục được giám sát, quản lý chặt chẽ của cả cộng đồng từ bí thư chi bộ, tổ trưởng thôn, xóm, bản.

Tại hội nghị triển khai mô hình cai nghiện hiệu quả của Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc nhấn mạnh: Sau hội nghị này, 16 tỉnh miền núi phía Bắc phải thực hiện rà soát số đối tượng nghiện, đánh giá chính xác thực trạng cai nghiện tại địa phương để đề xuất với Chính phủ các phương án thực hiện vào hội nghị tổng kết 10 năm Chỉ thị 06 của Chính phủ, đồng thời áp dụng mô hình có hiệu quả để mọi người nghiện đều phải đưa vào cai, phòng ngừa, ngăn chặn không để phát sinh người nghiện mới

Tố Quyên
.
.