Cái "đầu lạnh" của người làm nhiệm vụ ở điểm nóng

Thứ Ba, 15/08/2017, 10:09
Muốn giải cứu an toàn con tin, hay khống chế, bắt giữ thành công đối tượng phạm tội nguy hiểm, đòi hỏi những cán bộ Công an làm nhiệm vụ ở “điểm nóng” phải có một “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, biết quyết đoán trước các tình huống xảy ra…

Những con tin đang run rẩy trong tay các đối tượng phạm tội hung hãn. Dao kề vào cổ, mìn dắt xung quanh, thậm chí có trường hợp con tin bị đối tượng tẩm xăng vào người chực đốt… Muốn giải cứu an toàn con tin, hay khống chế, bắt giữ thành công đối tượng phạm tội nguy hiểm, đòi hỏi những cán bộ Công an làm nhiệm vụ ở “điểm nóng” phải có một “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, biết quyết đoán trước các tình huống xảy ra…

Không kịp nghĩ đến bản thân mình

Đối với lực lượng Công an, khi đối mặt với đối tượng hung hãn đang khống chế con tin, các anh luôn đặt mục tiêu hàng đầu phải tìm mọi cách để đưa nạn nhân an toàn ra ngoài.

Thời khắc ấy không cho phép các anh nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Câu chuyện của Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk giải cứu con tin ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được kể trong buổi giao lưu với các điển hình tiên tiến của lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đưa người nghe đến những tình huống thót tim ấy.

Lúc đó khoảng 22h ngày 24-4-2016, trên đường đi công tác TP. Hồ Chí Minh vừa về đến sân bay TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đại tá  Phạm Minh Thắng nhận được điện thoại của lãnh đạo Công an Thành phố báo cáo vụ đối tượng Nguyễn Xuân Minh (31 tuổi), trú tại xã Buôn Triết, huyện Lắk (Đắk Lắk)  đưa vợ là Hoàng Thị Đào (26 tuổi), thuê phòng số 2, nhà nghỉ Tiến Thành ở đường Ngô Gia Tự, phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột) để giải quyết mâu thuẫn.

Minh mang theo 3 quả mìn tự chế, cố thủ trong nhà nghỉ, khống chế đe dọa giết vợ và tự sát bằng mìn. Trên đường từ sân bay về thẳng hiện trường, máy điện thoại di động của anh Thắng nóng rẫy việc báo cáo và chỉ đạo án.

Ruột anh như lửa đốt, bởi đối với những vụ việc như thế này, lực lượng chức năng không giải quyết khéo léo sẽ xảy ra hậu quả khôn lường.

Khi anh Thắng đến hiện trường, đối tượng Minh giăng mìn xung quanh giường, một tay khống chế vợ, tay còn lại không rời quả mìn, tâm lý bất ổn, hành vi manh động, hung hãn. Tình thế vô cùng nguy cấp.

Với kinh nghiệm dày dặn của người chỉ huy án, anh Thắng đưa ra hai phương án, một là thuyết phục đối tượng, hai là nếu đối tượng ngoan cố, sẽ cố gắng vô hiệu hóa, nhưng quan trọng là không để nguy hiểm đến con tin.

“Với cương vị là lãnh đạo cấp cao nhất tại hiện trường, tôi đã trực tiếp thuyết phục, vận động đối tượng tháo mìn tự chế và ra khỏi nhà nghỉ”. Sau gần 1 giờ đồng hồ thuyết phục, đối tượng đã đồng ý gỡ 3 quả mìn, cùng vợ ra khỏi phòng và hứa sẽ giao nộp mìn cho cơ quan Công an.

Sau khi rời khỏi nhà nghỉ, lực lượng Công an đã bố trí cho chị Đào thoát khỏi sự khống chế của đối tượng. Lúc này, Minh có biểu hiện tâm lý bất thường, liên tục la hét, không chịu giao nộp 3 qủa mìn cho cơ quan Công an và hăm dọa nếu ai lại gần sẽ kích cho mìn nổ khiến cho nhiều người dân chứng kiến vụ việc sợ hãi bỏ chạy.

Khi vừa ra đến ngã tư giao nhau giữa đường Ngô Gia Tự và Nguyễn Tất Thành, đối tượng Minh đột nhiên ném một quả mìn ra đường và bị xe tải chèn gây nổ. Đứng chỉ đạo tại hiện trường, Đại tá Phạm Minh Thắng bị một viên bi từ quả mìn tự chế bắn ra gây nứt xương cánh tay trái.

Khi chúng tôi hỏi anh Thắng  về việc trực diện với đối tượng luôn sẵn sàng gây nổ quả mìn, anh có nghĩ đến những nguy hiểm cho bản thân, anh Thắng chỉ cười, nụ cười lành khô của nắng gió Tây Nguyên.

Anh trả lời, rất giản dị rằng mình là chỉ huy cao nhất, mình còn sợ nguy hiểm thì làm sao chỉ đạo được anh em. Mà ở những vụ nóng như thế này, sự xuất hiện trực tiếp của người chỉ huy rất có ý nghĩa, kịp thời đưa ra được những kế sách quan trọng và khích lệ tinh thần anh em đang tham gia vụ việc. 

Câu chuyện giải cứu con tin của Đại tá Phạm Minh Thắng đã gây ấn tượng tại cuộc giao lưu với các điển hình tiên tiến của lực lượng Cảnh sát

Thành công bằng “thương thuyết”

Nhiều vụ án giải cứu con tin bị bắt giữ trái pháp luật đã được lực lượng Công an thực hiện thành công bằng “thương thuyết”. Thời nào cũng vậy, thương thuyết vẫn được coi là vũ khí sắc bén trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Vụ Nguyễn Ánh Hùng (47 tuổi), từng có 6 tiến án, trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dùng dao đâm người rồi vào nhà cố thủ bằng xô đựng đầy xăng xảy ra tại phố Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội vào ngày 12-5 vừa qua là một điển hình.

Trước đó, khoảng 13h, anh Phạm Văn Minh, ở ngách 21, phố Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu phát hiện một người đàn ông lạ vai khoác túi xách từ trong nhà mình đi ra đã hỏi và giữ lại để làm rõ, liền bị đối phương dùng dao nhọn đâm 5 nhát gây thương tích nặng.

Sau đó, kẻ gây án được xác định là Nguyễn Ánh Hùng đã chạy về nhà người anh trai tại ngõ 28, phố Ngô Sỹ Liên cố thủ bằng dao và xô đựng đầy xăng. Trong thời gian này, Hùng liên tục đe dọa sẽ châm lửa đốt nhà và tự sát.

Khi đó, trong nhà ngoài Hùng còn có người anh trai và chị dâu của đối tượng. Đề phòng nghi can manh động phóng hỏa, Công an quận Đống Đa vừa vận động Hùng hợp tác, vừa đưa các thiết bị chữa cháy cầm tay đến hiện trường.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề điều tra hình sự, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến Phó Trưởng Công an quận Đống Đa đã dùng lý lẽ, tình cảm thuyết phục, động viên, tác động vào tâm lý để đối tượng bớt căng thẳng, không manh động dẫn đến gây án nghiêm trọng.

Sau 5 giờ “thương thuyết”, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến cùng đồng đội đã thuyết phục được Nguyễn Ánh Hùng tự nguyện giao nộp hung khí gây án là con dao nhọn và xô đựng xăng.

Khéo léo kết hợp giữa thuyết phục và khống chế:

Trong các vụ bắt cóc con tin, khi đối tượng manh động thì rất cần sự chỉ đạo quyết đoán của người chỉ huy, sự phối hợp tác chiến kịp thời, thống nhất của người thuyết phục và người khống chế, bao vây đối tượng. Bởi các anh hiểu rằng, chỉ cần một sơ suất nhỏ, chỉ cần không hiểu ý nhau, có thể vụ việc bị đẩy đến nhưng hậu quả khó lường.

Trong vụ án đối tượng Nguyễn Văn Đức (21 tuổi), trú tại xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đổ xăng ướt người rồi kề dao vào cổ khống chế, dọa giết cô sinh viên Đinh Thị Thêu, học viên trường Trường Cao đẳng Y Thái Bình vào sáng 4-4-2016 là vậy.

Thiếu tá Bùi Nhân Ái, Đội phó của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Thái Bình, một trong những người trực tiếp giải cứu cho chị Thêu vẫn bồi hồi khi kể lại sự việc.

Khi các anh đến hiện trường, đối tượng mặc một bộ quần áo và đội mũ rằn ri, tay trái đang cầm dao nhọn kề vào cổ nữ sinh Thêu, tay phải anh ta cầm bật lửa, đe doạ sẽ đâm chết cô gái rồi bật xăng thiêu sống cả hai người. Mùi xăng nồng nặc bốc ra từ người đối tượng và con tin. Cô gái  bị khống chế liên tục kêu khóc, cầu xin.

Không màng đến sự sợ hãi của nạn nhân, đối tượng vẫn hung hãn yêu cầu mọi người phải đưa người bạn gái mà anh ta đơn phương thích, cũng là sinh viên trường Cao đẳng Y Thái Bình đến thì anh ta mới thả nạn nhân.

Đã có kinh nghiệm chiến đấu với tội phạm, nên Ban Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã đặt phương án hàng đầu là thuyết phục, động viên, đảm bảo an toàn tính mạng cho con tin và lực lượng giải cứu, đồng thời tìm sơ hở của đối tượng rồi hành động.

Một mặt thuyết phục đối tượng, mặc khác Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình chỉ đạo Thiếu tá Bùi Nhân Ái và tổ công tác tiếp cận đối tượng.

Khi bắt gặp ánh mắt tên Đức đảo sang hướng khác, Bùi Nhân Ái đã lao vào dùng tay phải bẻ quặt tay trái đang cầm dao của hắn, đồng thời tay trái của anh đẩy nạn nhân ra xa mũi dao của đối tượng. Nhưng, vốn là lính đặc công, đối tượng đã chuyển dao sang tay phải rất nhanh và tự đâm vào ngực mình gây thương tích.

Đồng đội lao vào hỗ trợ Bùi Nhân Ái bắt gọn đối tượng, đồng thời tổ chức đưa đối tượng và nạn nhân đi cấp cứu.

Cho đến bây giờ, em Đinh Thị Thêu vẫn không sao quên được giây phút kinh hoàng bị tên Đức khống chế, đe dọa tính mạng. Em đã viết thư gửi tới Công an tỉnh Thái Bình, bày tỏ lòng biết ơn tới các anh Công an cứu em thoát khỏi tên côn đồ hung hãn. 

Minh Hiền – Nhật Quang
.
.