Xây dựng Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông:

An toàn giao thông đạt hiệu quả cao hơn

Thứ Tư, 23/10/2019, 07:49
Với phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chuyên sâu của Nhà nước về TTATGT đường bộ, cần thiết phải tách thành 2 đạo luật cụ thể.

Bài 1: Những bất cập trên đường tiềm ẩn tai nạn giao thông

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về 2 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng 1 đạo luật, đó là lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực quản lý về đảm bảo TTATGT đường bộ. 

Với phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chuyên sâu của Nhà nước về TTATGT đường bộ, cần thiết phải tách thành 2 đạo luật cụ thể.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm (từ năm 2009 đến tháng 5-2019), cả nước đã xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Riêng năm 2018 tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 18.490 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người. 

Kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Những “điểm đen” cướp đi sinh mạng

Loạn biển báo lối lên xuống cầu Chương Dương.

Trăn trở về những điểm đen cướp đi sinh mạng của hàng chục người, Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chỉ riêng 2 điểm tại km 133+200 và 142+600 QL1A mỗi điểm đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến hàng chục người tử vong. 

Quá trình TTKS và phối hợp điều tra xử lý tai nạn, chúng tôi đã xác định có rất nhiều bất cập trong tổ chức giao thông tại đây nên đã có văn bản kiến nghị tới vài chục lần nhưng hiện nay vẫn chưa được khắc phục. Tai nạn vẫn xảy ra, người dân vẫn thiệt mạng. CSGT cũng chỉ biết kiến nghị chứ không biết làm gì hơn”.

Sở dĩ CSGT chỉ được quyền kiến nghị vì theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì CSGT chỉ có quyền kiến nghị để khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông (trong đó có các “điểm đen”) còn ngành GTVT mới có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa những bất cập đó. 

Chính vì vậy, mặc dù mỗi “điểm đen” đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nhưng Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đành “bó tay” vì không có thẩm quyền xử lý, khắc phục. Hay như tại Tiền Giang, thông qua công tác TTKS, xử lý vi phạm, CSGT đã phát hiện hàng chục bất cập gây nguy hiểm, tai nạn giao thông, cũng kiến nghị hàng chục lần nhưng không được quan tâm giải quyết. 

Như việc lắp biển cấm dừng đỗ trên tuyến ĐT 878 của tỉnh Tiền Giang. Đây là tuyến đường trọng yếu của tỉnh nhưng các xe tải, xe container đỗ hàng dài chiếm dụng phần đường lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm khiến tai nạn xảy ra liên tục. 

Thậm chí, có những thời điểm xảy ra tới 9 vụ làm 3 người tử vong liên quan đến việc xe dừng đỗ nhưng các kiến nghị của Phòng CSGT không được giải quyết kịp thời. Rồi  những bất cập trong tổ chức giao thông ở tuyến tránh thị xã Cai Lậy đã được Phòng CSGT, Công an tỉnh Tiền Giang kiến nghị từ ngày 13-9-2018 nhưng đến văn bản kiến nghị ngày 30-7-2019 (gần 1 năm sau)  vẫn nhắc lại đề nghị khắc phục, nhất là tình trạng ổ voi, ổ gà tại đầu vào, đầu ra tuyến tránh này.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT khẳng định, quy định về tổ chức giao thông chưa phù hợp tình hình thực tiễn. 

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý; không quy định trách nhiệm tham gia tổ chức giao thông cho lực lượng Cảnh sát giao thông, trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chủ yếu thực hiện chỉ huy điều khiển giao thông và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, Vì vậy, khi thực thi nhiệm vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông thường là đơn vị chủ động đề xuất phối hợp với các đơn vị của ngành Giao thông, Ban An toàn giao thông các địa phương để tiến hành khảo sát, kiến nghị về công tác tổ chức giao thông. 

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông có thẩm quyền trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, khám nghiệm, điều tra giải quyết tai nạn giao thông nhưng các ý kiến tham gia của Cảnh sát giao thông không được các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục theo thẩm quyền, nhiều kiến nghị chậm được tiếp thu, không khắc phục kịp thời.

Ngã ba tiềm ẩn TNGT trên QL18.

Ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân

Cũng trong 10 năm qua (từ 2009 đến tháng 5-2019), toàn quốc xảy ra 528 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT, làm 7 cán bộ CSGT hy sinh, 166 đồng chí bị thương, bắt 507 đối tượng. Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong đó có nguyên nhân do hành lang pháp lý về trật tự, an toàn giao thông chưa đủ mạnh; công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. 

Tình trạng vi phạm: Điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, lái xe sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện; đi mô tô xe máy không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép để làm nơi buôn bán hoặc trông giữ xe; tình trạng làm đường đến đâu, xây nhà đến đó, xây nhà ven quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Bức xúc vì mỗi năm ra Toà hành chính hàng chục lần bởi các vụ kiện về các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay trong các văn bản hướng dẫn Luật GTĐB cũng mâu thuẫn với Luật. Ví dụ như quy định về đèn vàng, Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) quy định, khi thấy đèn tín hiệu vàng lái xe phải dừng trước vạch, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì mới được đi tiếp. 

Như vậy, nếu người tham gia giao thông đi chưa đến vạch dừng mà đèn đã chuyển sang màu vàng nhưng không dừng lại và cố tình đi tiếp thì mới bị phạt. Còn nếu đã đi quá vạch dừng, lúc đó đèn mới chuyển sang màu vàng vẫn có quyền đi tiếp mà không bị phạt. 

Nhưng tại  Mục 10.3.2, Điều 10 Quy chuẩn 41 quy định về ý nghĩa của đèn vàng: “Tín hiệu vàng báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”. 

Nội dung “cho phép đi tiếp vượt đèn vàng nếu đã tiến sát đến vạch dừng mà nếu dừng lại sẽ nguy hiểm...” là khá mơ hồ ở góc độ từ ngữ pháp luật, gây nhiều gây tranh cãi khi lực lượng chức năng xử phạt vì chính người tham gia giao thông cũng không thể xác định được việc “nếu dừng lại sẽ nguy hiểm” là như thế nào.

Được biết, về quy định này, thì hầu hết các Phòng CSGT Công an các địa phương đã phải ra Toà hành chính vì người vi phạm khiếu kiện.

Bên cạnh đó, hàng loạt các quy định trong Quy chuẩn 41 “vênh” với Luật GTĐB gây hiểu lầm, khiếu kiện như tại mục 38.3, Điều 38 Quy chuẩn 41 có quy định 

Điểm đấu nối bất hợp pháp trên đường tránh TP Hà Tĩnh.

“Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lệnh”. 

Trong khi đó, trong mục diễn giải ý nghĩa của biển số R.420 “Bắt đầu khu đông dân cư” có ghi “Biển báo số R.420 có hiệu lực khu đông dân cư đối với tất cả các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt biển báo số R.421” (Biển báo số R.421 “Hết khu dân cư”), gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Tại mục 15.2, Điều 15 Quy chuẩn 41 về “Phân loại biển báo hiệu” có quy định “… Trừ một số biển đặc biệt, các biển thể hiện hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người tham gia giao thông đường biết”. Việc thay đổi biển số R.420, R.421 từ nhóm biển chỉ dẫn có đặc trưng “… 

Hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh lam” sang nhóm biển hiệu lệnh dễ gây hiểu lầm cho người tham gia giao thông. Không chỉ bị khiếu kiện vì những quy định gây hiểu lầm, gây ảnh hưởng đến công tác, mất nhiều thời gian, công sức mà nhiều đối tượng không chấp nhận bị xử phạt do cho rằng mình không vi phạm đã chống lại CSGT.

Như vậy, từ sự bất cập trong quá trình thực hiện Luật GTĐB và các văn bản hướng dẫn khiến khó khăn cho CSGT trong thực hiện nhiệm vụ và người dân khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân mỗi khi tham gia giao thông.

Phương Thuỷ
.
.