Câu lạc bộ Dân vũ CAND: Nơi đam mê và tài năng tỏa sáng

Thứ Tư, 20/06/2018, 09:20
Một trong những hoạt động ngoại khóa tại các trường CAND được các bạn trẻ yêu thích, tích cực hưởng ứng là Câu lạc bộ (CLB) Dân vũ - loại hình nghệ thuật sinh hoạt văn hóa cộng đồng lý thú, giúp các học viên hiểu biết thêm về những động tác, điệu nhảy mô tả đời sống sinh hoạt, lao động và lễ hội của các dân tộc trong nước và thế giới…


Những hạt mưa không ngừng rơi tại Vòng chung khảo Liên hoan dân vũ quốc tế TP Hà Nội lần thứ 4. Mặc cho thời tiết “ẩm ương”, điều đó chẳng làm các đội tham dự cuộc tranh tài nao núng, thậm chí các tiết mục dân vũ được trình diễn có phần còn bùng cháy, sôi động hơn trước sự cổ vũ, hò reo không ngớt từ hàng nghìn đoàn viên thanh niên đang dầm mình trong mưa và rất đông những người dân tới xem.

Nhiều người còn nhún nhảy theo các đội thi trên sân khấu, dù cho họ chưa từng biết điệu nhảy đó là gì.  Ấn tượng từ những vũ điệu trên nền nhạc các bài hát rất đỗi quen thuộc đã cuốn hút và khiến tôi muốn tìm hiểu về nó.

Hoạt động nhảy dân vũ luôn thu hút đông đảo mọi người tới cổ vũ.

Chia sẻ sau khi đội tuyển dân vũ Học viện ANND giành Cup vô địch Liên hoan dân vũ quốc tế TP Hà Nội lần thứ 4, Trung úy Nguyễn Tiến Thiệu, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên nhà trường cho biết: Các điệu nhảy dân vũ mang tính cộng đồng rất cao, ai cũng có thể tham gia, tạo nên sự gần gũi, thân thiện và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

 Hoạt động dân vũ cũng đã và đang bổ sung cho đời sống tinh thần của sinh viên Học viện thêm phong phú và sáng tạo, làm mềm hóa cuộc sống dựa trên kỷ luật chặt chẽ của Học viện thuộc lực lượng vũ trang. “Tuy động tác nhảy dân vũ dễ học, dễ thuộc nhưng để một đội thi với hàng chục người có thể cùng nhau trình diễn, cho ra “lò” một tác phẩm nhuần nhuyễn, ăn ý khớp với nhau tới từng động tác, đẹp mắt, truyền tải được cái hồn của từng bài dân vũ, các bạn học viên nhà trường phải tập luyện thường xuyên hàng tháng trời với nhau…” – Trung úy Nguyễn Tiến Thiệu chia sẻ.

Chúng tôi có mặt tại Học viện ANND một ngày cuối tuần, dù đã 21h30 nhưng một nhóm gần 50 bạn thanh niên vẫn đang hăng say tập luyện trong tiếng cười rộn ràng, vui tươi. Là một học viên học giỏi, được các bạn cùng Học viện rất ngưỡng mộ bởi tài MC duyên dáng, ít ai biết, trước đó Trần Hà My, lớp B11D47, Học viện ANND là một cô gái nhút nhát, rất ngại đứng trước đám đông.

Cũng nhờ tham gia CLB Dân vũ đã giúp Hà My gạt bỏ sự ngại ngùng khi đứng trên sân khấu, phát biểu trước nhiều người, bản thân dần trở nên năng động, tự tin. Đến nay ngoài xuất hiện thường xuyên với vai trò MC, Hà My còn là một thành viên quan trọng của CLB Dân vũ, CLB Cầu lông…

Các học viên trường CAND dạy trẻ nhỏ nhảy dân vũ trong một chuyến đi thực tế.

Tạm dừng nghỉ nhấp ngụm nước sau khi hướng dẫn các động tác khó tới các bạn cùng đội dân vũ, Hà My chia sẻ: “Để có thể dựng bài thi nhảy kéo dài khoảng 10 phút, mọi người biểu diễn nhuần nhuyễn như này, bọn em phải tập luyện từ gần một tháng trước. Do sinh viên phải học tập, làm việc theo lịch cố định nên mỗi ngày, chúng em chỉ có thể tập cùng nhau sau giờ tự học (từ 21h đến 22h30)…”.

Cũng theo Hà My, dân vũ có thể chia làm ba loại, đó là dân vũ lễ hội, dân vũ đời sống và dân vũ sử thi. Cả 3 loại này đều có điểm chung là thông qua điệu múa, kể những câu chuyện muôn màu trong cuộc sống.

Nếu như dân vũ lễ hội được dùng để thể hiện các điểm đặc trưng của mỗi lễ hội, với một số bài dân vũ đặc trưng cho loại hình này như bài "Té nước" trong lễ hội té nước ở Thái hoặc bài "Cà chua" trong lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha thì dân vũ đời sống là một lời kể nhẹ nhàng êm ái về cuộc sống hằng ngày, được lãng mạn hoá qua điệu nhảy nhưng vẫn giữ được những điểm đặc trưng trong đời sống của người dân.

Còn loại hình thứ ba, dân vũ sử thi, lại là những điệu nhảy đầy tự hào, mang đầy dấu ấn lịch sử dân tộc như Việt Nam có bài "Uy vũ" nói về văn minh lúa nước với săn bắn hái lượm hay Nhật Bản có bài "Soran Bushi" nói về đấu tranh với quái vật.

Có thể thấy, các điệu múa dân vũ thật muôn màu muôn vẻ, mang đậm các dấu ấn lịch sử, giá trị văn hoá và truyền thống của mỗi dân tộc với mỗi bài múa lại kể một câu chuyện riêng. Bên cạnh đó, chẳng cần sân khấu hào nhoáng, múa dân vũ có thể được biểu diễn ở bất kì đâu, có lẽ bởi vậy mà những điệu nhảy này càng có thể ảnh hưởng tới nhiều người hơn. Tham gia dân vũ cũng giúp bản thân mỗi người hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa mỗi nước…

Học viên Nguyễn Thị Thanh Huyền nổi bật bên cạnh đội nhảy dân vũ của mình.

Mới đây, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Đoàn Thanh niên Bộ Công an đã tổ chức Hội trại “Tuổi trẻ CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”. Trong đó, một trong những hoạt động nổi bật của Hội trại, Ngày đoàn viên 2018 diễn ra sôi nổi với sự tham gia của gần 2.000 đoàn viên thanh niên đến từ Công an, Cảnh sát PCCC của 64 đơn vị, địa phương trong toàn quốc.

Ngay sau lễ khai mạc, những vũ điệu dân vũ sôi động từ các đội đến từ các đơn vị diễn ra, hàng ngàn người dân vây quanh, quây chật kín quảng trường để theo dõi và nhún nhảy theo. Không khí tươi vui, những nụ cười tràn ngập khắp quảng trường, tuổi trẻ các đơn vị Công an và nhân dân như hòa vào nhau thông qua các điệu múa dân vũ sôi động. Sau khi cuộc giao lưu dân vũ chính thức trên sân khấu lớn kết thúc, các bạn trẻ các đơn vị trường CAND còn hào hứng trổ tài nhảy dân vũ, giao lưu với nhân dân ngay trước các khu trại của mình.

Nở nụ cười tươi sau giây phút “thăng hoa” cùng đội nhảy dân vũ của mình giao lưu với nhân dân trước cổng trại, học viên Nguyễn Thị Thanh Huyền, lớp L2K2, Học viện CSND hào hứng chia sẻ: “Mình khá kém tự tin khi đứng trước đám đông nhưng từ ngày tham gia CLB Dân vũ, mình đã rèn được kỹ năng đứng trước đông người và tự tin thuyết trình.

Cũng nhờ dân vũ, mình cảm thấy năng động hơn, cơ thể uyển chuyển, dẻo dai, năng lực cảm thụ âm nhạc tinh tế, xây dựng nếp sống có trách nhiệm với tập thể. Ngoài ra còn được trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều, giao lưu với nhiều người bạn trong và ngoài trường, ở các đơn vị khác nhau…”.

Còn với học viên Trần Hữu Sơn, lớp B1D42, Học viện CSND, dân vũ không chỉ đem đến sự tự tin cho bản thân mà còn là cầu nối giúp anh gắn kết yêu thương với mọi người dân những nơi mà anh và đồng đội được đặt chân tới. Trong chuyến đi thực tế vào tháng 8 năm 2017 tại xã Hương Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, ngoài dạy học, giúp bà con nhân dân các công việc lao động, sản xuất, Hữu Sơn và các bạn học viên còn dạy nhảy dân vũ cho các em nhỏ trên địa bàn. Sau một tuần tập luyện hăng say, trong đêm diễn văn nghệ quần chúng cùng các em nhỏ ở đây, nhiều phụ huynh đứng chật kín sân nhà văn hóa xã để xem và cổ vũ em Trần Hữu Sơn nhớ lại.

Được biết, Đoàn Thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân là một trong những đơn vị khối trường thành lập CLB Dân vũ khá sớm, từ năm 2011. Ngay sau đó, tại giải Liên hoan dân vũ TP Hà Nội lần thứ I - năm 2012, đội tuyển dân vũ của nhà trường đã giành Cup vô địch.

Trung úy Đặng Bá Vinh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: CLB dân vũ nhà trường phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng có nhiều bạn đoàn viên tham gia với niềm đam mê lớn, trách nhiệm, nhiệt tình. Đặc biệt trong môi trường lực lượng vũ trang nhưng các bạn luôn biết sắp xếp công việc học tập, rèn luyện để mỗi người có thời gian tham gia các hoạt động của Bộ, của ngành…

Thảo Vy
.
.