Đón đầu công nghệ 4.0 phục vụ nhân dân

Thứ Ba, 18/08/2020, 10:08
Bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạo điều kiện tối đa cho người dân về cư trú; đăng ký tạm trú qua mạng; cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam; ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông; thực hiện đăng ký phương tiện, nộp phạt giao thông qua mạng Internet... là những cải cách thủ tục hành chính nổi bật mà lực lượng Công an đang thực hiện để đón đầu công nghệ 4.0 phục vụ người dân.

Biết tin Bộ Công an đang đề nghị sửa đổi Luật Cư trú, trong đó quy định sẽ bỏ quy định điều kiện nhập khẩu vào Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hoà, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội vui lắm. Chị cho biết, gia đình chị gồm 3 thế hệ đã sinh sống ở Hà Nội nhưng vì chưa có điều kiện mua nhà nên không thể nhập hộ khẩu.

“Bố mẹ tôi vẫn phải mua bảo hiểm y tế ở quê, khi cần chữa bệnh phải về quê, chuyển tuyến rất khó khăn, nhiều thủ tục, bệnh nhẹ không chuyển được phải nằm viện ở quê, chúng tôi phải nghỉ làm về chăm sóc. Con tôi phải học trái tuyến, xin rất khó khăn, phải mất “phí”, đóng tiền cũng nhiều hơn các bạn. Nếu bỏ điều kiện nhập khẩu thì những gia đình lao động như tôi may mắn lắm. Vợ chồng tôi đều lao động tự do, bố mẹ bán quán nước nên không có điều kiện mua nhà, nhưng về quê không có ruộng, không có việc làm, chúng tôi vẫn phải bám trụ tại Hà Nội để sống” – chị Hoà hi vọng.

Cán bộ Công an về tận nhà làm Căn cước công dân cho người dân.

Theo dự thảo thì Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu và sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo đó, Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú mà không cần đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Bên cạnh đó, người vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú sẽ bị xoá đăng ký thường trú.

Đây cũng là tin mừng đối với hàng nghìn phụ nữ sau khi ly hôn nhưng gia đình chồng (chủ hộ) không cho phép cắt hộ khẩu đi, bởi khi luật có hiệu lực, chủ hộ (bố mẹ chồng hoặc chồng cũ) sẽ không còn cách nào để cản trở họ có quyền tự do của mình. Bên cạnh đó, nỗi lo về việc cho phép người ở nhờ, ở thuê, mượn nhà nhập khẩu vào nhà mình sẽ phát sinh rắc rối, thậm chí không “đuổi” đi được cũng sẽ được giải toả vì theo dự luật thì khi đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú.

Người đã bán nhà cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú nếu sau 12 tháng không tự cắt hộ khẩu đi (trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú). Điều này sẽ giải toả rất nhiều nỗi lo lắng của người dân liên quan đến hộ khẩu - thứ mà người dân thấy quan trọng hơn sổ gạo thời bao cấp. Đặc biệt, theo quy định của dự thảo luật thì những người sau khi bị xoá đăng ký thường trú có thể khôi phục khi trở về địa phương sinh sống. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính của Bộ Công an nhằm phục vụ người dân.

Anh Nguyễn Tiến Mạnh, quê ở Nghệ An lái xe ra Hà Nội có việc, chạy quá tốc độ cho phép trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Trước đây, anh phải trực tiếp đến cơ quan Công an theo giấy hẹn, rồi đi nộp phạt, quay lại lấy giấy tờ, nhưng nay cải cách hành chính, anh chỉ cần tra trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia là có quyết định xử phạt, anh nộp phạt qua tài khoản sau đó đề nghị cơ quan Công an gửi giấy tờ về địa chỉ cư trú của mình.

Anh Mạnh cho biết: “Tôi cũng không hay đi xa, công việc lại bận nên nếu phải quay ra Hà Nội lần nữa để nộp phạt rồi lấy giấy tờ thì cả đi cả về mất 2 ngày, tốn kém thời gian, tiền bạc. Bộ Công an cải cách hành chính, cho nộp phạt qua mạng, tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”.

Cán bộ Công an hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân.

Còn anh Hoàng Tiến Hải, trú ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, là lái xe khách tuyến Hà Nội – Cao Bằng cho biết, qua đọc Báo CAND, anh biết Bộ Công an đang triển khai lắp đặt camera giám sát trên các tuyến cao tốc và đường nội đô để phát hiện, xử lý các vi phạm về giao thông, thông báo phạt nguội đến các chủ phương tiện.

“Tôi ủng hộ việc ứng dụng khoa học vào công tác đảm bảo an toàn giao thông. Tôi làm lái xe chuyên nghiệp nên luôn tự đề cao sự tự giác chấp hành pháp luật về giao thông vì chỉ sơ sảy một chút có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người. Tuy nhiên, rất nhiều lái xe nếu thấy không có CSGT là phóng nhanh, vượt ẩu. Tôi rất sợ không may những người đó tông vào mình” – anh Hải cho biết.

Ông Floris Langendam, quốc tịch Hà Lan thì vô cùng phấn khởi vì được cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam vừa không phải đến Đại sứ quán làm thủ tục, lại nhanh gọn tiện lợi.

Được biết, để tạo điều kiện cho các công dân nước ngoài, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng và thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định 79/CP.

Theo đó, công dân 80 nước sẽ được cấp thị thực điện tử nhập cảnh vào Việt Nam qua 8 cửa khẩu đường không, 16 cửa khẩu đường bộ, 9 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (tăng 35 nước có công dân diện thí điểm cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam và  5 cửa khẩu so với năm 2017). Song song với việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, Bộ Công an đã triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử.

Việc cấp thị thực điện tử của Việt Nam là một biện pháp tích cực để thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển du lịch và môi trường đầu tư kinh doanh, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Người nước ngoài xin thị thực nhập cảnh Việt Nam đơn giản, nhanh chóng và thuận lợi, không phải di chuyển tới các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm thủ tục xin thị thực. Các tổ chức, cá nhân ở trong nước có thể không cần phải đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh vẫn có thể làm thủ tục bảo lãnh, mời đón người nước ngoài nhập cảnh.

Đối với công dân Việt Nam, Bộ Công an cũng đang áp dụng công nghệ thông tin triển khai việc tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu tại trụ sở cơ quan Cục, Công an các địa phương trong toàn quốc. Với mô hình này, công dân chủ động thực hiện khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu qua mạng Internet vào bất cứ thời gian, địa điểm nào, bằng các phương tiện có kết nối Internet (máy tính xách tay, iPad, điện thoại Smartphone...), công dân không phải xếp hàng lấy tờ khai, giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, giảm số lần đi lại của công dân đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính đồng thời vẫn đảm bảo các yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ của ngành.

Trên cơ sở tiếp thu công nghệ hiện đại tiên tiến, Bộ Công an cũng đã phối hợp với đối tác triển khai thực hiện Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam” để phát hành sau khi Luật nhập cảnh, xuất cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2020.

Không chỉ cải cách hành chính, đầu tư về khoa học, công nghệ đón đầu công nghệ 4.0, Công an các đơn vị, địa phương luôn chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, làm tốt công tác nghiệp vụ, phòng ngừa tội phạm, đấu tranh xử lý nghiêm các loại phạm tội, công tác điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân...

Phương Thuỷ
.
.