Đoàn Ca múa nhạc CAND: Những dấu ấn nghệ thuật

Chủ Nhật, 19/08/2018, 14:20
Mỗi tiết mục thành công hôm nay đều là kết quả từ một quá trình sáng tạo và những giọt mồ hôi, sự đam mê của từng thành viên Đoàn Ca múa nhạc CAND. Bởi hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các chiến sĩ – nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc CAND phải rất cố gắng, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mà vẫn khẳng định được uy tín và thương hiệu trong giới.


Nếu được thưởng thức chương trình nghệ thuật của ban nhạc Biển Đông (Đoàn Ca múa nhạc CAND) vừa dàn dựng, chắc chắn, nhiều người vốn “mặc định” về các chương trình ca múa nhạc của lực lượng Công an thường “khô khan” hẳn sẽ phải thay đổi quan niệm trước sự phong phú, đa dạng và tính nghệ thuật đích thực của chương trình. Âm hưởng truyền thống kết hợp với phong cách hiện đại một cách nhuần nhuyễn sẽ làm “mềm lòng” người xem.

Tạo dựng phong cách mới

Mỗi tiết mục thành công hôm nay đều là kết quả từ một quá trình sáng tạo và những giọt mồ hôi, sự đam mê của từng thành viên Đoàn Ca múa nhạc CAND. Bởi hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các chiến sĩ – nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc CAND phải rất cố gắng, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mà vẫn khẳng định được uy tín và thương hiệu trong giới.

Thượng tá, NSƯT Đặng Văn Hà, Phó trưởng Đoàn, phụ trách Đoàn Ca múa nhạc CAND, cho biết: Để có những chương trình tốt, chúng tôi phải thường xuyên sưu tầm, lựa chọn những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, xây dựng thành các chương trình có chủ đề tư tưởng rõ ràng. Từ đó, tổ chức dàn dựng, luyện tập nâng cao chất lượng cho từng tiết mục, với mong muốn phục vụ tốt nhất các yêu cầu tại cơ quan Bộ, Công an các địa phương và nhân dân.

Một trong những dấu ấn thời gian qua phải kể đến là chương trình nghệ thuật lớn mang tên “Thắm tình hữu nghị Campuchia – Lào – Việt Nam” được Bộ Công an chỉ đạo xây dựng để phục vụ kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào - Campuchia 2017”.

NSƯT Đặng Văn Hà cho biết, để xây dựng chương trình này, lãnh đạo Đoàn đã cùng trao thổi để thống nhất trong việc lựa chọn kỹ từng tiết mục với nội dung xuyên suốt là tình hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, ca ngợi Tổ quốc. Qua đó, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam với bạn bè quốc tế trong từng tác phẩm âm nhạc, những điệu múa, lời ca vv…

Đúng như tên gọi, chương trình “Thắm tình hữu nghị Campuchia –Lào – Việt Nam” đã mang đến không khí ấm áp, thể hiện lòng hiếu khách của nước chủ nhà trong buổi giao lưu với các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tại Hà Nội. Mỗi tiết mục của Đoàn Ca múa CAND đã gieo vào lòng khán giả những ấn tượng sâu đậm, để nhận về những lời ngợi khen ngợi của bạn bè quốc tế về chất lượng chương trình cùng khâu tổ chức bài bản và ấm áp tình hữu nghị.

Thành công của chương trình đã tạo niềm cảm hứng cho các nghệ sĩ của Đoàn để họ tiếp tục cùng nhau vượt qua quãng đường xa xôi, cách trở, đến với những vùng đất lạ ở Lào và Campuchia, để biểu diễn cho các đồng nghiệp và nhân dân nước bạn. Ở mỗi nơi đoàn đi qua, Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Savannakhet, Chăm pa sắc (Lào) hay Thủ đô Phrompenh (Campuchia), đều là những dấu ấn khó quên với khán giả.

Từ đầu năm 2018 đến nay, đoàn cũng đã xây dựng được hàng chuỗi chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, phục vụ các hoạt động kỷ niệm, các sự kiện lịch sử như: Chương trình “70 năm CAND khắc ghi lời Bác dạy” kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ nêu 6 điều dạy CAND và 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018) và khánh thành Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy tại xã Nhã Nam, huyện Tân Yên… Các nghệ sĩ của đoàn còn thường tổ chứcnhiều  chuyến lưu diễn phục vụ nhân dân các vùng biên giới, hải đảo.

Đam mê và sáng tạo

NSƯT Đặng Văn Hà tâm sự: Đoàn vốn có nhiều nhạc công uy tín, đã biểu diễn nhiều chương trình chất lượng, nhưng thương hiệu trong thị trường âm nhạc còn khiêm tốn. Vì thế, Đoàn đã mạnh dạn tập hợp các nghệ sĩ nổi trội để tổ chức thành ban nhạc Biển Đông, biểu diễn những tác phẩm âm nhạc đã “đi cùng năm tháng”, được công chúng yêu mến.

Mặc dù thị trường âm nhạc hiện nay chủ yếu sử dụng đĩa nhạc thay cho nghệ sĩ biểu diễn, nhằm giảm tối đa chi phí, thì chúng tôi vẫn coi trọng tính nghệ thuật bằng việc duy trì ban nhạc hơn chục người, biểu diễn “live”, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cả những khán giả sành nhạc. Các tác phẩm độc tấu, song tấu, hòa tấu của ban nhạc luôn được đón nhận những phản hồi tốt của khán giả, đã động viên những nỗ lực của chúng tôi, đồng thời, còn khẳng định hướng đi của chúng tôi là đúng.

Với những gương mặt nghệ sĩ đã thành danh: NSƯT Đặng Văn Hà, NSƯT Lương Thu Hoài, Nguyễn Tất Nghĩa vv… ban nhạc Biển Đông tiếp tục tạo được dấu ấn trong các chương trình, tạo nên thương hiệu riêng của nhóm nhạc, lan tỏa cả trong và ngoài lực lượng. Vì thế, nhiều nghệ sĩ như Trần Anh Hoàng (guitar), Phạm Hoàng Huy (organ) đã được mời biểu diễn trong các chương trình ca nhạc lớn, hay của các ngôi sao ca nhạc.

Thành công của Biển Đông đã tạo đà để Đoàn Ca múa nhạc CAND tiếp tục ra mắt vũ đoàn Sao băng – một sân chơi mới của các diễn viên múa trẻ đẹp, có nghề, như Thu Huyền, Nguyễn Thái Ngọc Hà, Văn Quý, Ngọc Ánh, Hà Thương, Thùy Anh v.v… do biên đạo Út Lan, Phó trưởng đoàn trực tiếp phụ trách.

Một trong số những tiết mục nghệ thuật do Đoàn Ca múa nhạc CAND dàn dựng đã được ghi nhận.

Thiếu tá, NSƯT Út Lan tâm sự: “Nhiệm vụ chính của Đoàn Ca múa nhạc CAND là xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ chính trị, các chương trình kỷ niệm, mít tinh chào mừng các ngày Lễ lớn của Ngành và phục vụ các đơn vị trong lực lượng CAND nên chương trình luôn được xây dựng có chủ đề, nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi hình ảnh người chiến sĩ CAND không ngại gian khổ, khó khăn, sẵn sàng hy sinh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngoài ra, đoàn còn biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên toàn quốc với các tiết mục hiện đại trẻ trung, sôi động, các tiết mục múa đương đại kết hợp dân gian, dân tộc... Với việc xây dựng chương trình nghệ thuật nhiều màu sắc, sinh động đã đáp ứng được lòng mong mỏi và nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của đông đảo khán giả trên cả nước.

Ngày 27-6, đoàn đã tổ chức báo cáo chương trình tập huấn múa, dàn dựng một số tiết mục múa mới, múa phụ họa cho ca khúc như: “Giữ cho cuộc sống bình yên” biên đạo: NSƯT Út Lan, NSƯT Văn Dũng, “Bến quê” biên đạo Xuân Chiến, “Son” biên đạo NSƯT Út Lan... Đây là các tiết mục mới bổ sung vào chương trình biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh phía Nam nhân dịp Ngày truyền thống lực lượng CAND”.

Với sự quan tâm của Bộ Công an, Đoàn còn nhiều lần mời các chuyên gia Hàn Quốc sang tập huấn về nhảy hiện đại. Vì thế, các diễn viên múa đã được tiếp cận với những điệu nhảy “hot” nhất, hấp dẫn nhất để phục vụ công chúng. Các đêm diễn của đoàn ngày càng đa dạng, thu hút các tầng lớp khán giả qua các tiết mục múa đôi, múa đơn, múa bale, dân gian đường đại, hiện đại, múa phụ họa vv… phong phú, sinh động và cuốn hút.

Với những thế mạnh mà Đoàn đã tạo dựng được từ chính những nghệ sĩ thành viên, NSƯT Đặng Văn Hà chia sẻ về những dự định: Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động xây dựng những chương trình có chất lượng với tính nghệ thuật đặt lên hàng đầu, để phục vụ CBCS và nhân dân. Các tác phẩm có chất lượng sẽ là cơ sở để các nghệ sĩ tham dự và có thể giành huy chương trong các hội diễn chuyên nghiệp.

Năm 2017, Đoàn Ca múa nhạc CAND được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba . Nhiều cá nhân cũng được nhận Bằng khen của Tổng cục Chính trị CAND. Năm 2015, Đoàn có 5 cá nhân được phong tặng NSƯT và một cá nhân được phong tặng NSND.
Thanh Hằng
.
.