COINTELPRO: Chiến dịch phản gián lớn nhất của FBI thời kỳ chiến tranh lạnh

Thứ Sáu, 14/09/2007, 17:53
Ngày 25/3/1978, Viola Gregg Liuzzo - một nhà nữ hoạt động nhân quyền - bị một nhóm thanh niên người da đen vây đánh và giết hại tại thành phố Birmingham, bang Alabama, Mỹ. Sau khi điều tra, cảnh sát đã bắt giữ được thủ phạm, hắn ta khai tên là Gary Rowe.

Gary Rowe thú nhận là nội gián của Cục Điều tra liên bang (FBI) cài vào tổ chức đấu tranh vì quyền lợi của người da đen có tên gọi "Những con báo đen" nhằm thu thập thông tin và phá nát tổ chức này từ bên trong.

Việc một nhà hoạt động nhân quyền bị một nội gián của FBI giết hại đã khiến dư luận quan tâm.

Để bảo vệ và bao che cho tội trạng của Rowe, FBI phao tin Viola là đảng viên đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA), là cộng tác viên cho một cơ quan tình báo nước ngoài và có sinh hoạt tình dục bừa bãi với nhiều thành viên của tổ chức Những con báo đen. Kiểu phao tin đồn để chạy tội này của FBI đã khiến dư luận bất bình.

Và để làm rõ sự thật, Kênh truyền hình NBC đã thực hiện một phóng sự điều tra và kinh hoàng khi phát hiện ra rằng vụ sát hại nhà hoạt động nhân quyền Viola Liuzzo chỉ là một trong vô số vụ việc đen tối gây ra bởi FBI trong một chiến dịch phản gián lớn nhất thời kỳ chiến tranh lạnh có tên viết tắt là COINTELPRO (Counter Intelligence Program).

Theo điều tra của Kênh truyền hình NBC và được xác định sau đó bởi cuộc điều tra của một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ có tên gọi Ủy ban Church do Nghị sĩ Quốc hội Frank Church làm chủ tịch, thì COINTELPRO là một chiến dịch phản gián quy mô được Tổng thống Dwight Eisenhower cho phép FBI bí mật triển khai từ năm 1956 theo đề nghị của John Edgar Hoover, Giám đốc FBI.

Vào thời kỳ đó, do Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn các hoạt động tình báo nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ và nguy cơ lớn mạnh của CPUSA, nên FBI quyết định triển khai một chiến dịch phản gián quy mô nhằm trấn áp triệt để các hoạt động này.

Hàng ngàn nhân viên FBI đã được bí mật cài vào các tổ chức khoa học, chính trị, xã hội, để cố lần ra manh mối các đường dây điệp báo nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, FBI còn tung tiền mua chuộc nhiều đảng viên CPUSA làm nội gián để tìm ra những người cộng tác với tình báo nước ngoài hay có hành động làm phương hại đến an ninh nước Mỹ.

Nhờ các hoạt động phản gián tích cực này mà nhiều điệp viên hay đường dây điệp báo nước ngoài, chủ yếu của Liên Xô, hoạt động trên lãnh thổ Mỹ đã bị phá vỡ như đường dây điệp báo Perlo, đường dây điệp báo Moe Berg.

Đến thập niên 60, đối tượng để điều tra, theo dõi của COINTELPRO không chỉ là các cá nhân, tổ chức nghi vấn hoạt động cho tình báo nước ngoài mà còn là nhiều tổ chức xã hội, nhân quyền có chủ trương bạo động hay bất bạo động, đều nằm trong tầm ngắm của chiến dịch phản gián quy mô này với mục tiêu là theo dõi, điều tra và tổ chức triệt phá.

Nằm trong danh sách tổ chức chính trị, xã hội hay nhân quyền bị triệt phá bởi FBI, ngoài CPUSA còn có đảng Công nhân Xã hội Mỹ (SCWP), tổ chức cực hữu KKK, các tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi cho người da đen như tổ chức Những con báo đen, tổ chức Quốc gia Hồi giáo và toàn bộ các tổ chức cánh tả mới, bao gồm các tổ chức chống chiến tranh như tổ chức Sinh viên đấu tranh vì một xã hội công bằng (SDS), tổ chức Đấu tranh vì độc lập của Puerto Rico (PRIC)...

Ngay cả những cá nhân chủ trương đấu tranh bất bạo động như mục sư Martin Luther King cũng thuộc diện theo dõi, giám sát và trấn áp của COINTELPRO.--PageBreak--

Theo điều tra của Kênh truyền hình NBC và Ủy ban Church thì FBI chủ trương áp dụng 5 phương pháp nghiệp vụ trong triển khai chiến dịch COINTELPRO. Đó là:

- Trà trộn và cài người thâm nhập: Hàng ngàn nhân viên FBI và hàng chục ngàn nội ứng do FBI tuyển chọn đã trà trộn vào các tổ chức nằm trong diện phải triệt phá, theo dõi để phát hiện các âm mưu cấu kết với tình báo nước ngoài hay chuẩn bị triển khai những hoạt động gây nguy hại đến an ninh nước Mỹ.

- Phao tin đồn nhảm để làm nhiễu thông tin: Để làm tổn hại uy tín của cá nhân hay tổ chức mà FBI muốn bắt giữ hay triệt phá, FBI dùng tiền mua chuộc một số các phương tiện truyền thông để phao tin đồn nhảm. FBI còn tạo ra những chứng cớ giả để bắt giữ một cá nhân hay triệt phá một tổ chức nào đó. Việc gây áp lực bằng cách dọa dẫm để người thân tố cáo lẫn nhau, đồng nghiệp tố cáo lẫn nhau cũng nằm trong các kế hoạch của FBI.

- Tổ chức quấy rối liên tục để gây áp lực: Một trong những phương pháp bất hợp pháp mà FBI áp dụng trong triển khai chiến dịch COINTELPRO là tiến hành quấy rối các cá nhân hay tổ chức như gọi điện hay gửi thư đe dọa, tổ chức các vụ ám sát giả, phá hỏng phương tiện đi lại kể cả thâm nhập vào nơi ở và nơi làm việc để phá hoại.

Việc đưa ra ánh sáng chiến dịch phản gián lớn nhất của FBI trong thời kỳ chiến tranh lạnh của Kênh truyền hình NBC và Ủy ban Church đã khiến người dân Mỹ bàng hoàng khi lo ngại rằng có thể trong một thời gian trước đó, hàng triệu người Mỹ đã trở thành mục tiêu để bí mật điều tra, theo dõi bởi FBI.

Tranh biếm hoạ về COINTELPRO sau khi chiến dịch này được đưa ra ánh sáng.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ra lệnh cho FBI phải chấm dứt ngay việc triển khai chiến dịch COINTELPRO trên toàn lãnh thổ Mỹ và giao cho Bộ Tư pháp tổ chức điều tra nhằm làm sáng tỏ những vụ việc bị tố cáo có liên quan đến chiến dịch COINTELPRO, như vụ giết hại nhà hoạt động nhân quyền Viola Liuzzo.

Vào ngày 27/5/1984, Tòa án thành phố Birmingham đã tuyên phạt tù chung thân Gary Rowe, nội ứng của FBI, về tội giết hại nhà hoạt động nhân quyền Viola Liuzzo và buộc FBI liên đới bồi thường cho gia đình Liuzzo 798.730 USD thiệt hại

Văn Hòa (theo Le Monde)
.
.