Liên tiếp những vụ khủng bố trên đất Pháp:

Hình thái mới của chủ nghĩa khủng bố đã xuất hiện

Thứ Tư, 21/01/2015, 08:00
Vụ khủng bố đẫm máu vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, sau đó là vụ bắt cóc con tin, giết người tại siêu thị Kosher ngay tại thủ đô Paris … được coi là những vụ tấn công đẫm máu nhất do những kẻ khủng bố Hồi giáo trên đất Pháp thực hiện. Các chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng, hình thái chủ nghĩa khủng bố mới đã xuất hiện, đe dọa an ninh toàn cầu

Đào tạo bài bản, cách thức tấn công "phi truyền thống"

Hai kẻ khủng bố người Pháp gốc Algeria là Said và Cherif Kouachi từng nằm trong "tầm ngắm" của tình báo Pháp. Hai anh em từng có tiền án và dần trở thành đối tượng cực đoan. Cherif bị bắt giữ vào năm 2008 và bị kết án 3 năm tù. Nhiều người đặt câu hỏi là, làm thế nào mà Said và Cherif Kouachi có thể vào trung tâm Paris trên chiếc xe được trang bị súng trường tự động và tiến thẳng đến tòa soạn báo Charlie Hebdo. Làm sao mà những tên khủng bố có thể xác định được đúng thời điểm tòa soạn đang tiến hành họp giao ban định kỳ nên có mặt đầy đủ lãnh đạo của báo. Cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng, hai tên khủng bố gọi tên các nạn nhân, bắn vào nạn nhân nhiều lần, cướp xe ô tô và chạy trốn mà không bị bắt giữ.

Các cuộc tấn công khủng bố ngay tại thủ đô Paris những ngày qua dường như là "chương" tiếp theo của những vụ tấn công trước đó. Trong thực tế, từ ngày 20-22/12/2014 đã có ba vụ tấn công do người Hồi giáo thực hiện tại Pháp. Ở Tours, một người đàn ông mang theo dao, tấn công vào đồn cảnh sát vũ trang khiến ba nhân viên cảnh sát bị thương. Sau đó, người đàn ông này bị bắn chết. Ở Dijon và Nantes, một chiếc xe trên đường bất ngờ chuyển hướng lao thẳng vào phần đường dành cho người đi bộ. Trong cả ba trường hợp, những kẻ tấn công đều hét lên "Allahu Akbar".

Hayat Boumeddiene, 26 tuổi, nữ nghi can bắt cóc con tin, giết người tại siêu thị Kosher.

Một số nhà thờ Hồi giáo cũng đã bị tấn công trên lãnh thổ Pháp. Mặc dù không có thương vong nào được thống kê, nhưng rõ ràng, nguy cơ bùng phát bạo lực, làm thế nào để "lan truyền" hận thù và bạo lực trở thành một trong những mục tiêu của khủng bố mới. Ngày 24/3/2014, Mehdi Nemmouche - một người Pháp gốc Algeria có "lịch sử" thánh chiến ở Syria và hồ sơ hình sự đã bắn vào du khách thăm quan Bảo tàng Do Thái ở Bruxelles, làm chết bốn người. Mehdi Nemmouche bị bắt tại Marseilles khi vừa bước chân xuống xe bus.

Các chuyên gia an ninh nhận định rằng, những gì xảy ra ở Pháp đang cảnh báo về hình thái mới của chủ nghĩa khủng bố. Những tên khủng bố không tiến hành đánh bom tự sát mà thay vào đó, sát thủ máu lạnh được đào tạo tại các trại tập trung ở Trung Đông. Theo thống kê của Mỹ, có khoảng 51 trại huấn luyện đang hoạt động, trong đó có 38 trại nằm trên lãnh thổ Syria, 13 ở Iraq, IS điều hành 27 trại. Trong những trại huấn luyện, chiến binh được rèn luyện thể chất, học sử dụng các loại vũ khí hiện đại của Mỹ, Nga, Australia, học tiếng Ả rập… Bên cạnh đó, khủng bố được trang bị những kỹ năng cần thiết để hoạt động như thu thập thông tin cần thiết, lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công vào châu Âu một cách cực kỳ hiệu quả, chạy trốn và khiến các nhà chức trách gặp nhiều khó khăn trong việc điều tra, truy tìm. Các phần tử khủng bố đang chĩa mũi tấn công vào những thành phố lớn có ý nghĩa tượng trưng, đô thị có mật độ dân số cao hay sự kiện đông người tham dự. Để tiến hành khủng bố, tội phạm không cần nhiều thời gian để chuẩn bị và xây dựng kế hoạch tấn công như trước đây.

Những thế hệ tiếp theo của chủ nghĩa cực đoan

Sau những vụ khủng bố đẫm máu, Pháp mạnh mẽ lên án các cuộc tấn công. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những kẻ cực đoan đang cổ vũ cho hành vi mất nhân tính trên mạng xã hội. Đó là thế hệ thứ hai và thứ ba của những người chuyển đổi quốc tịch Pháp. Họ không cảm thấy "thỏa mãn" ở Pháp và vẫn "ôm ấp" một ý thức hệ cực đoan. Từ góc độ xã hội, rõ ràng rằng, nhiều người Pháp cảm thấy như bị "bao vây" bởi kẻ cực đoan. Các chuyên gia nhận định rằng, sự hòa tan giữa chủ nghĩa cực đoan tôn giáo với chủ nghĩa giáo điều có thể tạo ra "một loại cocktail cực kỳ nguy hiểm". Xu hướng "địa phương hóa" trong đối tượng khủng bố càng trở nên rõ nét sau vụ tấn công ở Pháp. Các phần tử khủng bố không chỉ là những đối tượng ở Ảrập hay một số nước Châu Âu như trước mà đang dần hướng sang dân địa phương, con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba của người di dân.

Trước đó, Mỹ cũng đã từng xác định rằng, mối đe dọa khủng bố không chỉ từ những cuộc tấn công quy mô lớn được lên kế hoạch từ trước và được chỉ đạo từ bên ngoài mà là từ chính những nhóm hoặc cá nhân sinh sống ở Mỹ. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ban bố cảnh báo, đề nghị công dân Mỹ tiếp tục nêu cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo an ninh cho bản thân sau chuỗi vụ việc khủng bố xảy ra tại Pháp.

T.Phạm (tổng hợp)
.
.
.