Bạo loạn ở Mỹ vì vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da đen

Thứ Hai, 15/12/2014, 18:05
Quyết định không truy tố viên cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da đen đã đẩy nước Mỹ vào hỗn loạn trong suốt mấy ngày qua. Mặc dù tình hình đã lắng dịu nhưng những tranh cãi về tình trạng phân biệt đối xử với cộng đồng người da màu lại bùng lên.

Ngày 25/11, một bồi thẩm đoàn công bố quyết định không truy tố sĩ quan cảnh sát da trắng Darren Wilson, người xả súng bắn chết thanh niên da đen 18 tuổi Michael Brown hôm 9/8. Khi phán quyết được đưa ra, cư dân thành phố Ferguson bang Missouri đã bàng hoàng đến nửa phút, trước khi cơn giận bùng nổ. Mẹ của Michael Brown nghẹn ngào không nói ra lời. Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân thành phố Ferguson, bang Missouri chấp nhận phán quyết của bồi thẩm đoàn. Tuyên bố trên đồng nghĩa với việc quyết định của tư pháp Mỹ là không thể đảo ngược. Bất mãn gia tăng, trong 3 ngày từ 25 đến 27/11, bạo động đã bùng phát tại 137 thành phố ở Mỹ.

Ở Ferguson ngay hôm 25/11, người biểu tình bắn vào cảnh sát, cướp phá các cửa hàng, đốt cháy nhiều tòa nhà và xe cộ. Chính quyền Ferguson cho biết, đây là cuộc bạo động tồi tệ nhất kể từ khi Brown bị sát hại. Khoảng 12 tòa nhà ở Ferguson đã bị đốt cháy. Phản ứng lại lực lượng an ninh đã dùng hơi cay để trấn áp đám đông cuồng nộ. Còn tại thành phố University gần Ferguson, một cảnh sát đã bị bắn trúng tay. Hàng nghìn người cũng đổ ra đường tại Los Angeles, Philadelphia, New York, Washington... để phản đối việc không truy tố sĩ quan Wilson.

Trước tình hình bạo động có chiều hướng gia tăng, ngày 26/11, chính quyền bang Missouri đã triển khai 2.200 lính thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia tới thành phố Ferguson để trấn áp bạo động. Từ Washington, Tổng thống Obama lên tiếng chỉ trích những kẻ gây bạo động ở thành phố Ferguson và coi đó là hành vi phạm tội. Đã có hơn 400 người biểu tình bị bắt giữ trong mấy ngày qua vì tội gây rối.

Đến ngày 28/11, tình hình bạo động và biểu tình đã lắng dịu ở Ferguson cũng như ở các thành phố khác ở Mỹ. Nhưng những tranh cãi về quyết định của tòa án và rộng hơn nữa là về vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mỹ lại bùng lên mạnh mẽ. Dường như không ai tin được vào quyết định của tòa án Mỹ, cho dù tất cả đều cho thấy, đặc biệt qua các tin tức rò rỉ trong quá trình tòa nghị án, rằng Darren Wilson chắc chắn sẽ không bị truy tố. Công tố viên Robert McCulloch khẳng định, bồi thẩm đoàn đã xem xét kỹ càng các bằng chứng và lời khai trước khi ra kết luận. Nhưng theo các nhà quan sát, cư dân Ferguson hết sức sững sỡ, bởi lẽ họ không thể hiểu nổi 3 tháng tranh luận lại có thể dẫn đến phán quyết này. Viên công tố thụ lý vụ án đã không tuân thủ các thủ tục tố tụng thông thường. Hơn 30 người đã ra làm chứng, nhưng vô ích. Nhiều luật gia có mặt tại Ferguson ghi nhận viên công tố đã tìm mọi cách để làm nhiễu thông tin và hướng 12 bồi thẩm viên đi theo quan điểm của mình. Đã có những tiếng nói cất lên yêu cầu thay công tố viên Robert McCulloch và đòi xét xử lại vụ án nhưng quyết định của tòa án là “bất hồi tố”.

Xuất hiện trên truyền hình, sĩ quan Wilson mô tả Brown đã đe dọa tính mạng anh ta, buộc anh ta phải nổ súng. Wilson cho biết “sẽ không bị ám ảnh” bởi anh ta đã làm nhiệm vụ của mình. Wilson cũng nhấn mạnh rằng, màu da của Brown không phải là yếu tố dẫn đến vụ xả súng.
Người dân biểu tình phản đối phán quyết của tòa án liên quan tới vụ cảnh sát da trắng bắn người da đen.

“Cuộc khủng hoảng lòng tin giữa nhân viên thi hành công lực và các công dân không có gì là mới mẻ. Vấn đề đã có từ thời nội chiến. Bất cứ ai nghiên cứu về lịch sử nước Mỹ cũng thấy luôn có những vấn đề tồn tại trên toàn quốc giữa cảnh sát với chiến thuật bạo hành đối với người da màu nói chung và người nghèo nói riêng” - Giáo sĩ Al Haj Abdur Rashid, Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo Hồi giáo tại New York nói.

Trong hai thập niên qua, cảnh sát Mỹ giữ gìn trật tự cộng đồng theo lý thuyết “Cửa sổ vỡ”. Lý thuyết này nói nhân viên công lực phải chứng tỏ thái độ không dung thứ đối với tội phạm dù nhỏ, vì tội phạm nhỏ rồi sẽ dẫn đến tội phạm lớn hơn nếu không được ngăn chặn. Tuy nhiên, việc này có khi lại dẫn tới những hành vi quá đáng của cảnh sát. Cảnh sát bắt giam thay vì cảnh cáo người dân vì những vi phạm nhỏ như xả rác, chơi nhạc quá lớn hay uống bia nơi công cộng. Robert Ganji, Giám đốc Dự án Tổ chức Cải cách Cảnh sát tại New York, nói nhân viên cảnh sát thành phố New York có chỉ tiêu bắt giữ. Một số cảnh sát xem cư dân trong những khu vực có tỉ lệ tội phạm cao và các sắc tộc thiểu số, là những người hay gây rối và phạm tội, không phải là những công dân họ có nhiệm vụ phục vụ. Thái độ này đã gây nên bất mãn sâu rộng trong cộng đồng.

Theo giới quan sát, vụ cảnh sát da trắng Wilson bắn chết người da đen cho thấy rằng, xã hội Mỹ vẫn chưa loại bỏ được sự phân biệt chủng tộc. Nước Mỹ tuy không còn cảnh bạo lực sắc tộc của những năm 1990 ở Los Angeles nhưng vẫn chưa đẩy lùi được vấn đề sắc tộc vào quá khứ.

Ở Mỹ, những lời nói tuyên truyền chính thức về nhân quyền và thực tiễn cuộc sống vẫn còn rất xa vời. Ông Obama tin tưởng rằng, xã hội Mỹ là khoan dung, đã loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc, nhưng điều này là không đúng sự thật. Mặc dù Mỹ thường xuyên lên tiếng kêu gọi bảo vệ nhân quyền, nhưng trên thực tế, ngay cả vị tổng thống da đen cũng không thể đảm bảo các quyền của người da đen. Mỹ tiếp tục vấp phải những vấn đề nghiêm trọng về phân biệt chủng tộc.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/11 cho rằng; “Sự phẫn nộ của người dân Mỹ đã bùng phát nhưng các cơ quan thực thi pháp luật lại ứng xử không thỏa đáng. Điều này một lần nữa khẳng định lỗ hổng mang tính hệ thống trong nền dân chủ Mỹ. Trong đó, nước Mỹ đã không thể vượt qua được nạn phân biệt chủng tộc, tình trạng phân biệt đối xử và bất công đang xảy ra nặng nề”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.