Giám thị Trại giam Thủ Đức -Anh hùng LLVTND, Đại tá Trần Hữu Thông

Đất cằn tạo anh hùng

Thứ Ba, 03/05/2016, 15:19
Khi vào tù, phạm nhân đã mất niềm tin. Nếu mình lại khiến họ mất niềm tin thêm lần nữa thì họ sẽ nảy sinh tâm lý bất cần. Phải cho họ một niềm tin, tạo cho họ lối thoát. Nhà tù không chỉ đơn thuần là nơi giam giữ mà còn là nơi cảm hoá những số phận lầm lạc, hướng họ tới sự lương thiện”. - Đại tá Trần Hữu Thông


1. Trại cải tạo Hàm Tân, nay là Trại giam Thủ Đức (Z30D) thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) Bộ Công an là đơn vị 2 lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Có 3 đồng chí Giám thị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sáng sớm, tản bộ từ khu nhà B xuống dưới Hội trường, chỉ sau đó vài bậc tam cấp, chợt cảm nhận mùi hương trầm lan tỏa thơm phảng phất. Tôi xúc động nhìn thấy Đại tá Trần Hữu Thông - Giám thị trại giam trong bộ lễ phục trang nghiêm ngồi nhặt nhạnh những chiếc lá khô quanh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi thành kính dâng hương… Xung quanh vắng lặng như tờ vì trời hẵng còn sớm. Lát nữa đây, anh sẽ đón nhận danh hiệu cao quý -  Anh hùng LLVTND.

Giám thị Trần Hữu Thông đón nhận danh hiệu Anh hùng.

Sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Linh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), nay là phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1976, anh vào học Trung cấp Cảnh sát, và sau đó được điều động vào công tác tại Trại cải tạo Hàm Tân (nay là Trại giam Thủ Đức - Z30D).

Sức trẻ với tinh thần hăng hái anh “xung phong” vào Hàm Tân công tác.  Đến nơi, anh và đồng đội mới biết đây là vùng đất nổi tiếng “cằn khô sỏi đá, rừng thiêng nước độc” ngày xưa còn có tên là Rừng Lá. Nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị là xây dựng Phân trại K2, theo tinh thần “cây rừng, sức người” tự túc hoàn toàn. Anh đã cùng đồng đội vào rừng chặt cây về dựng trại. Hai bàn tay phồng rộp, đau buốt…

Anh nhớ lại: "Chúng tôi được đơn vị khoán mỗi người, mỗi ngày phải làm một cây cột dài 5m, đường kính 25cm. Hồi đó không có phương tiện vận chuyển, chặt cây xong thì hè nhau cõng về… Không có nhà dân, đói rã ruột, anh em ăn khoai mì, khoai lang cho đỡ dạ. Không có nước ngọt, chúng tôi đào giếng lấy nước uống…".

Đã có một trận sốt rét rừng ập đến, suýt nữa đã cướp đi sinh mạng của anh. Vài đồng đội của anh đã phải hy sinh trong khi làm nhiệm vụ do sét đánh và bệnh tật. Năm 1977, Phân trại 2 chính thức tiếp nhận phạm từ Tây Ninh chuyển ra và ngay sau đó tiếp tục xây dựng Phân trại 1 với diện tích 1.000ha. Sau này lúc cao điểm, tại đây quản lý trên 10.000 phạm nhân từ Trại giam Thủ Đức chuyển xuống, chủ yếu là hình phạm và phạm nhân là ngụy quân, ngụy quyền chế độ cũ cải tạo sau ngày miền Nam giải phóng. Do đó, sau này trại có tên gọi là Trại giam Thủ Đức.

Từ tháng 4-2006 đến nay, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam, Đại tá Trần Hữu Thông luôn thể hiện vai trò chỉ huy xuất sắc, quyết đoán nhưng rất nhân văn, nhân ái, đoàn kết, tập hợp đơn vị thành một khối sức mạnh, sáng tạo nhiều biện pháp, cách làm hay trong quản giáo, giáo dục, cảm hóa tội phạm.

Đại tá Thông luôn đặc biệt quan tâm đến việc dụng “tâm”. Anh quan niệm: “Khi vào tù, phạm nhân đã mất niềm tin. Nếu mình lại khiến họ mất niềm tin thêm lần nữa thì họ sẽ nảy sinh tâm lý bất cần. Phải cho họ một niềm tin, tạo cho họ lối thoát. Nhà tù không chỉ đơn thuần là nơi giam giữ mà còn là nơi cảm hoá những số phận lầm lạc, hướng họ tới sự lương thiện”. Từ năm 2007, anh bắt đầu khởi xướng Quỹ Tấm lòng vàng, đến nay đã quyên góp được số tiền hơn 3 tỉ đồng để giúp đỡ các phạm nhân bệnh tật hoặc không có người nhà đến thăm nuôi.

2. Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã đánh giá: Trong nhiều công việc mà Trại giam Thủ Đức đã làm cùng với vai trò chỉ huy của đồng chí Giám thị Trần Hữu Thông, giá trị cốt lõi nhất mà những năm qua đã làm được chính là công tác giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân. Sau khi chấp hành xong hình phạt, hòa nhập với cộng đồng, nhiều phạm nhân đã vươn lên làm giàu, thành đạt. Chính họ đã tìm về trại gặp gỡ các phạm nhân và nhận những phạm nhân cải tạo tốt vào làm việc ngay sau khi được đặc xá, tha tù… Con đường hoàn lương của phạm nhân đã giảm bớt rất nhiều sự gập ghềnh, chông chênh và ánh lửa niềm tin, hy vọng được đốt lên sáng lạn hơn.

Cán bộ, chiến sĩ Trại giam Thủ Đức những ngày đầu tiên thành lập.

Trại giam Thủ Đức có hàng ngàn phạm nhân đủ các án tù, trong đó cả những phạm nhân là người nước ngoài, nhiều phạm nhân mù chữ, phạm tội nguy hiểm liên quan đến ma túy, HIV... Từ năm 2005 đến nay, Trại giam Thủ Đức luôn giữ vững kỷ cương, nề nếp không xảy ra vụ phạm nào trốn khỏi trại giam. Đại tá Thông luôn chủ động xây dựng nhiều chương trình, biện pháp nhằm xóa bỏ những mặc cảm cách biệt, cảm hóa và cảm tình thu phục nhiều đối tượng phạm nhân bất hợp tác trở thành nhân tố tốt trong quản lý đội, trại giam phạm nhân.

Quỹ Tấm lòng vàng, Hội nghị gia đình phạm nhân, viết thư xin lỗi…là những hoạt động mang tính nhân văn, nhân ái thường xuyên tại Trại giam Thủ Đức. Trại giam còn là đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phát huy rất hiệu quả phong trào toàn dân bào vệ An ninh Tổ quốc, tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội và nhiều hoạt động khác tại các địa phương Trại giam đóng quân. Nhờ đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn luôn tuyệt đối đảm bảo. Trong 10 năm qua, Trại đã trích từ quỹ sản xuất 14 tỷ đồng xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, 100 căn nhà cấp cho CBCS cùng gia đình để sớm ổn định yên tâm công tác. 

Trên mảnh đất cằn cỗi một thời giờ đây đang từng ngày thay da đổi thịt thành đất lành gieo mầm nhân ái. Góp một phần công sức quan trọng để làm nên điều diệu kỳ ấy có công của anh – người cán bộ quản giáo có 40 năm gắn bó với Trại – Anh hùng LLVTND, Đại tá Trần Hữu Thông.

Hoàng Châu
.
.