Anh hùng Hà Lân, người xây dựng căn cứ Khu ủy Khu V

Thứ Năm, 20/08/2015, 16:51
Cho đến nay, tên tuổi của ông vẫn còn truyền tụng trên các bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong dãy đại ngàn Trường Sơn của miền rẻo cao Nam – Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam…

Một ngày cuối tháng Bảy, khi cả nước đang chuẩn bị đại lễ tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi may mắn có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Đại tá Bùi Đình Thông, nguyên cán bộ An ninh Khu V, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý cán bộ địa phương tại miền Trung, về Anh hùng LLVTND, Đại tá Hà Lân. 

“Tên khai sinh của anh là Hà Lân, nhưng ở chiến khu hồi đó ai cũng gọi anh bằng bí danh Ba Đen, gọi riết thành quen. Cho tới bây giờ, đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Cor… của hai huyện miền núi Nam và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, vẫn còn rất nhiều người nhớ anh Ba Đen, nhất là các già làng. Họ thường kể cho con cháu nghe về anh cán bộ cách mạng người Kinh một thời đã gắn bó với núi rừng, cùng với cha ông mình đánh giặc bảo vệ căn cứ Khu ủy Khu V, bảo vệ bản làng…”, Đại tá Thông tâm sự. 

Bên chén trà nóng, bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh trận mạc, Đại tá Bùi Đình Thông cho hay, ông tham gia cách mạng hoạt động trong lòng địch từ năm chưa tròn 18 tuổi. Sau khi cơ sở bị lộ, tháng 9/1963, ông được cấp trên điều động về chiến khu. 

“Ngày ấy, khi đặt chân đến căn cứ Khu ủy V tại xã Tân, Trà My, tôi đã gặp anh Ba (Ba Đen) ở đây rồi. Nhìn bề ngoài ảnh ốm nhom, nước da đen như cột nhà cháy, lại đóng khố, cà răng, căng tai nên lúc đầu tôi cứ ngỡ ảnh là người dân tộc thiểu số. Sau này thân thiết mới biết, ảnh gốc người ở xã biển Tam Hòa, huyện Núi Thành. Ảnh đóng khố, cà răng, căng tai là để thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng và Bác Hồ đến với các bản làng; vận động người dân bản địa trụ bám bản làng đánh giặc, xây dựng căn cứ Khu ủy Khu V…”.

Di ảnh Anh hùng LLVTND, Đại tá Hà Lân.

Hớp một ngụm trà, Đại tá Thông kể tiếp rằng, Anh hùng Hà Lân sinh năm 1926, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Thuở còn thiếu niên, cậu bé Hà Lân đã được tổ chức cơ sở giác ngộ cách mạng, cho tới tháng 8/1945, thì được cấp trên phân công giữ chức vụ Xã đội trưởng dân quân. Đây là thử thách đầu tiên mà Đảng và nhân dân giao phó cho chàng trai quê biển chưa đầy 22 tuổi, giàu nghị lực và bản lĩnh cách mạng. 

Nhận nhiệm vụ, Hà Lân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xây dựng và phát triển lực lượng dân quân tự vệ, mua sắm vũ khí, ngày đêm tập luyện, canh gác, sẵn sàng chiến đấu khi giặc càn quét. Mặt khác, vận động nhân dân thực hiện chiến dịch “vườn không, nhà trống”, cất giấu lương thực, tổ chức tuần tra, trấn áp kịp thời mọi hoạt động phá hoại của kẻ địch; đồng thời phát động phong trào thi đua sản xuất, tổ chức các lớp bình dân học vụ để xóa mù chữ cho người dân trong các thôn, xóm… 

Nhận thấy năng lực lãnh đạo của đồng chí Hà Lân, tháng 11/1950, cấp trên điều động ông về Ban Tổ chức Huyện ủy Tam Kỳ, giao nhiệm vụ tổ chức và xây dựng chi bộ Đảng các xã. Đến tháng 2/1952, ông lại được điều lên huyện miền núi Trà My (nay chia thành 2 huyện Nam và Bắc Trà My-NV) để phát triển, củng cố tổ chức Đảng, từng bước xây dựng căn cứ Khu ủy Khu V. 

Trước nhiệm vụ mới, đồng chí Hà Lân quyết định cà răng, căng tai, đóng khố “ba cùng” hòa nhập cuộc sống với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng rừng Đông Trường Sơn. Với sự nỗ lực học hỏi, không bao lâu sau ông đã rành rõ các phong tục, tập quán của người bản địa; nói tiếng đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Cor, M’nông… như tiếng mẹ đẻ, nên được bà con các dân tộc thiểu số nhận là người con của các bản làng. Từ đó, đồng chí Hà Lân đã đưa lực lượng về các bản làng cùng tham gia sản xuất, tích lũy lương thực với bà con. Mỗi khi cơ quan hết gạo, hay thiếu mắm, muối, anh em đơn vị ra gặp bà con và chỉ cần bảo “người của anh Ba Đen” là dân làng vui vẻ ủng hộ ngay…

Nói về chiến công của đồng chí Hà Lân, các cán bộ Công an lão thành một thời ở căn cứ Khu ủy Khu V, khẳng định, nhờ thực hiện “ba cùng” với đồng bào các dân tộc thiểu số nên năm 1959, khi giặc mở chiến dịch “Thượng du vận”, đem quân càn quét các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, nhất là vùng Trà My, ông đã vận động người dân tham gia chống giặc. Bà con đã vót trên 300 nghìn mũi chông, làm 5 nghìn mang cung, bẫy đá, đào hàng chục nghìn hầm chông, góp phần đánh địch, bảo vệ vững chắc căn cứ... 

Tuy nhiên, công lao lớn nhất của ông vẫn là chọn địa điểm xây dựng và bảo vệ tuyệt đối an toàn căn cứ Khu ủy Khu V từ năm 1959 cho đến ngày Đại thắng Mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. 

Các cựu chiến binh kể rằng, vào tháng 11/1959, đồng chí Hà Lân đã được Huyện ủy Trà My chỉ định giúp Khu ủy V xây dựng căn cứ, chuẩn bị địa điểm đóng quân, hội trường để Khu ủy triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương. Sau đó, ông được chuyển hẳn công tác về An ninh Khu V. Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, ông đã lặn lội khắp núi rừng để chọn địa điểm thích hợp xây dựng nơi ở và làm việc của các lãnh đạo và 20 ban, ngành Khu ủy, vừa đảm bảo an toàn, bí mật; vừa thuận lợi cho việc nhân dân tiếp tế lương thực, thực phẩm nuôi quân… 

Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện ý kiến của lãnh đạo Khu ủy Khu V và Bộ Tư lệnh Quân khu V, đồng chí Hà Lân đã liên tục chọn và xây dựng nhiều cơ sở căn cứ đảm bảo phục vụ đắc lực sự nghiệp lãnh đạo, chỉ huy của Khu ủy và Quân khu giành thắng lợi. Ông đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, xây dựng 22 địa điểm căn cứ; chuẩn bị 10 địa điểm dự bị và hàng trăm địa điểm bí mật cho các cuộc họp; 65 đường rút lui phòng khi giặc đổ quân càn quét. Nhờ đó, căn cứ Khu ủy Khu V và Bộ Tư lệnh Quân khu V luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối trước hàng loạt cuộc hành quân càn quét có máy bay yểm trợ của giặc lên vùng núi rừng Trà My…    

Cụ bà Huỳnh Thị Mai, vợ Anh hùng Hà Lân trong căn nhà tình nghĩa ở thôn Hòa Xuân, xã Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam.

Điều mà các cán bộ cách mạng lão thành của Khu ủy Khu V trân trọng khi nhắc đến Anh hùng Hà Lân, đó là đức tính liêm khiết, sống giản dị, thanh bạch; hòa đồng với anh em đồng đội, đồng chí. Đại tá Bùi Đình Thông vẫn còn nhớ, sau ngày miền Nam được giải phóng, đồng chí Hà Lân được chuyển công tác về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Hạ sỹ quan Công an 5 ở Chu Lai, Núi Thành (Quảng Nam). 

“Hôm anh Ba nhận công tác mới, tôi đến trụ sở tại Đà Nẵng để giúp anh chuyển đồ đạc đi. Cấp trên cũng cho một xe tải đến hỗ trợ. Nào hay, anh chỉ mang đi một cái ba lô với vài bộ đồ đã bạc màu đem từ chiến khu về và một cái phích nước đã cũ do anh mua bằng tiền lương của mình. Anh không cho chúng tôi vận chuyển đi bất cứ đồ đạc gì tại phòng làm việc của anh và khoát tay căn dặn rằng, đó là tài sản của nhân dân… Khi vào làm Hiệu trưởng Trường Hạ sỹ quan Công an 5, anh Ba về ở căn nhà nhỏ do người vợ gom góp, dành dụm tiền mua lại của một hộ gia đình tại thị trấn Núi Thành. Đến khi trường này chuyển vào Quảng Ngãi, những ngày nghỉ, anh Ba đi xe đò, hoặc xe ngựa về nhà, mặc dù nhà trường có ôtô. Ảnh bảo, không thể lạm dụng của công…”. Đại tá Thông thở dài, đôi mắt ông vương ngấn lệ: “Đức tính giản dị, liêm khiết của anh Ba là vậy đó, cho đến khi mất cũng ở căn nhà tình nghĩa…”.         

Chúng tôi tìm về nhà Anh hùng Hà Lân ở thôn Hòa Xuân, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Đây là ngôi nhà nhỏ do Chuyên đề Văn hóa Văn nghệ Công an (Báo CAND) hỗ trợ 20 triệu đồng xây tặng. Chúng tôi cùng một Công an viên xã Tam Hòa đến đúng buổi trưa, nắng như xối lửa xuống vùng quê cát. Trong căn nhà nhỏ, nóng hầm hập, một bà cụ tóc bạc trắng xóa đang ăn dở bữa, chén cơm nguội với mắm dưa. Bên cạnh là cái chén không, kèm một đôi đũa như đang mời ai… Đó là cụ Huỳnh Thị Mai, vợ Anh hùng Hà Lân, tuổi đã 92. 

“Do bạo bệnh, chú Ba (Anh hùng Hà Lân) qua đời vào giữa tháng 11/2013. Nhưng từ ấy đến nay, cứ tới bữa ăn, bà Mai vẫn thường để chén, đũa tưởng nhớ. Tình yêu của họ thật thủy chung…”, anh Công an viên xã Tam Hòa đi cùng nói nhỏ với chúng tôi. 

Khi hỏi chuyện cụ Mai mới hay, cụ và Anh hùng Hà Lân sinh ra và lớn lên ở làng Hòa Xuân này. “Năm tui 19 tuổi, được gia đình đôi bên đồng ý, tui nên duyên vợ chồng với ông nhà tui (Anh hùng Hà Lân). Cưới xong, ở với nhau được dăm ba tháng thì ổng thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Tui bị địch bắt bớ, tra tấn phải vào Nam cùng với một người chị, mưu sinh mà chờ đợi ổng. Nhưng, tới ngày đất nước thống nhất, ổng về lại thì hai vợ chồng đều đã già nên không còn sinh con được nữa…”. 

Do không có con nối dõi nên về già, khi ốm đau, bệnh tật, Anh hùng Hà Lân và người vợ chung thủy đã phải khó khăn, vất vả trăm bề. Biết chuyện, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cho sửa một phòng của Trạm xá để đưa vợ chồng ông ra ở, tiện việc chăm sóc; song rồi cụ Mai không nỡ xa quê nên ông cũng không đi, cho đến ngày qua đời, để lại người vợ côi cút...

Long Vân
.
.