Xứng danh người Cảnh sát hình sự Thành Nam

Thứ Hai, 11/10/2010, 11:55
Ở TP Nam Định, ngày còn nhỏ, tôi hay nghe mọi người nhắc đến "54 Quang Trung". Với tôi khi ấy "54 Quang Trung" là một cụm từ mang sức mạnh bí ẩn, bởi chỉ cần nghe 4 tiếng ấy thôi thì dù là dân anh chị giang hồ tứ chiếng hay trộm cắp, côn đồ, đâm thuê chém mướn cũng đều phải kiêng dè.

Nam Định những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước… Tình hình ANTT lúc này hết sức phức tạp. Nhiều tên lưu manh, côn đồ, anh chị với "hàng nóng" trong tay đã tập hợp thành những băng nhóm tội phạm, hoạt động liều lĩnh bất chấp pháp luật. Chúng ngang nhiên cướp của, thanh toán nhau công khai ngay trên đường phố khiến dân tình bao phen hoảng sợ. Nhà ga, bến xe Nam Định, chợ Rồng, bến tàu thủy… khi đó đã trở thành nỗi kinh hoàng của mỗi người dân bởi tình trạng trộm cắp, móc túi, lừa đảo, đâm chém nhau diễn ra như cơm bữa.

Trước tình hình ấy, lãnh đạo Công an tỉnh lúc bấy giờ nhanh chóng tăng cường bổ sung lực lượng cho Đội CSĐT - Công an thành phố. Nhiều chiến sĩ tinh nhuệ, thiện chiến và kinh nghiệm được điều động về đây. Không thể kể hết những khó khăn, nguy hiểm họ đã phải trải qua ở thời kì đó, chỉ biết rằng các thành viên của đội thường xuyên phải hoạt động trong cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Không ít băng nhóm tội phạm sử dụng lựu đạn, côn 45, ru - lô nòng ngắn, trong khi lính hình sự ban đầu chỉ có K54 và K59. Nhưng những chiến sĩ cảnh sát hình sự ngày ấy chưa khi nào chùn bước.

Đội CSHS - Công an TP Nam Định trước giờ lên đường làm nhiệm vụ.

Trải qua không ít trận đánh ác liệt và hào hùng, những cái tên gắn bó với Đội Điều tra ngày đó, sau này đã trở thành niềm tự hào của người dân Nam Định như đồng chí Phan Văn Vĩnh, Đỗ Nhâm, Lê Lân, Bùi Tất Thịnh, Nguyễn Văn Tiến… Những chiến sĩ quả cảm ấy nay người còn, người mất, nhưng trong lòng mỗi người dân thành Nam, chính họ là người đã ghi dấu ấn cho "thương hiệu" 54 Quang Trung lúc bấy giờ.

Trải qua lịch sử hàng chục năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đến tháng 10-2004, đội được tách thành 3 đơn vị: Đội Điều tra tổng hợp, Đội CSĐT tội phạm về ma túy và Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Nam Định. 

Tôi trở lại Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Nam Định vào một chiều cuối hè. Nắng oi nồng và nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40 độ C, nhưng trong căn phòng hầm hập hơi nóng, các điều tra viên vẫn miệt mài bên những chồng hồ sơ dày cộm. Bất ngờ có tin báo án xảy ra trên địa bàn thành phố. Chẳng quản cái nắng nóng của một ngày thời tiết đỏng đảnh, tổ án mờ lập tức tập trung xuống hiện trường.

"Kỷ luật là nhân tố quan trọng làm nên sức mạnh của đơn vị chúng tôi. Bình thường, chỉ huy có thể tạo điều kiện cho anh em về mặt thời gian, nhưng khi công việc cần là anh em phải có mặt đầy đủ, kịp thời, làm việc hết mình. Hiệu quả công việc luôn được đặt lên hàng đầu" - Đội trưởng Đỗ Nguyên Khóa tranh thủ nói với tôi trước khi sang họp.

Nguyễn Văn Hải, một trinh sát thuộc tổ án mờ chia sẻ: "Với bọn mình, quỹ thời gian dành cho gia đình thường khá ít ỏi. Để chồng yên tâm công tác, vợ lính trinh sát chịu thiệt thòi rất nhiều. Ngày lễ, Tết, mọi gia đình được sum họp, nhưng bọn mình lại phải đi làm. Mỗi khi mưa bão, cần có người đàn ông làm trụ cột trong gia đình thì bọn mình lại trực chiến 100%. Ngồi trực mà lo ngay ngáy. Thương vợ thương con lắm, nhưng càng thương thì càng phải cố gắng nhiều hơn trong công việc".

Quê ở huyện Trực Ninh, Hải lập gia đình và công tác ở thành phố đã 3 năm, nhưng hiện tại vợ chồng anh vẫn chưa có được một ngôi nhà riêng. Họ cũng như bao gia đình trẻ khác, đang đối diện với mọi gian truân cuộc sống, nhưng từng giờ, từng phút, anh vẫn tự nhắc mình sống sao cho xứng với niềm tin của xã hội và đồng đội - những người luôn tin yêu, động viên và bên cạnh anh bấy lâu nay...

Trong những chiến công hiển hách của Đội có phần đóng góp không nhỏ của Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh - Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, nay là Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - khi ông còn lãnh đạo Công an thành phố. Với quan điểm "vị trí của người chỉ huy là đứng cạnh chiến sĩ của mình lúc khó khăn", ông không chỉ đứng cạnh, mà còn là người bạn đồng hành, kề vai sát cánh với các trinh sát trong nhiều vụ án. Cùng theo xe vượt cả ngàn cây số vào miền Nam xa xôi, đến những vùng rừng núi hẻo lánh để truy bắt tội phạm, cùng thức trắng đêm phục kích, giăng lưới chờ đối tượng và chia nhau từng ổ bánh mì lót dạ, những chiến công mà đơn vị có được là nhờ sự cộng hưởng trách nhiệm của một tập thể đoàn kết, thống nhất từ chỉ huy đến anh em trinh sát và những người lính tham mưu, hậu cần... Tất cả đều chung tay góp sức, hết lòng vì nhiệm vụ và kết quả công việc chung.

Chiến công nối tiếp chiến công, trải qua lịch sử hàng chục năm hình thành và phát triển của đơn vị, có các anh, hàng nghìn vụ án đã được làm sáng tỏ. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2008-2009, đơn vị đã phá hàng chục vụ án, bắt giữ 531 đối tượng, truy bắt 96 đối tượng có lệnh truy nã, triệt phá 48 ổ nhóm lưu manh, thu giữ nhiều hung khí, tang vật và tiền, vàng, tài sản có giá trị khác trả lại cho các bị hại.

Đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội là một cuộc chiến cam go, thử thách. Nhưng đứng trước nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy, các anh vẫn giữ được tỉnh táo và dũng cảm. "Lính hình sự không sợ nguy hiểm, chỉ sợ không bắt được tội phạm thôi" - trinh sát trẻ Phạm Văn Sơn tâm sự

Ngọc Thương
.
.